Ngày 26/8/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011.
Thông tư 26 có hiệu lực từ ngày 11/10/2020. Để chuẩn bị cho việc hoàn thành xếp loại hai mặt giáo dục của học sinh trong HK I, giáo viên bậc THCS và THPT cần xem lại những điểm mới của Thông tư 26.
Thứ nhất là tăng cường đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học trước đây như Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật…Việc đánh giá bằng nhận xét nhằm hiện thực mục tiêu định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học; hay nói cách khác là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh. Như vậy, học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Từ đó, kết quả của hoạt động kiểm tra, đánh giá sẽ sát thực với năng lực của học sinh, giúp các em hình thành, phát triển được phẩm chất, năng lực cơ bản cần thiết trong cuộc sống.
Thứ hai là học sinh có thể kiểm tra đánh giá trên máy tính (có thể thực hiện trên giấy, hoặc trên máy tính với thời gian từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa là 120 phút). Hoạt động đánh giá qui định tại Thông tư 26 được cụ thể hóa hơn so với Thông tư 58/2011 trước đây. Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể.
Thứ ba là không còn kiểm tra 1 tiết. Thông tư 26 qui định số điểm kiểm tra, đánh giá và cách cho điểm như sau:
- Trong mỗi học kì, số điểm đánh giá thường xuyên (ĐĐGtx) hệ số 1, điểm đánh giá giữa kỳ (ĐĐGgk) hệ số 2 và điểm đánh giá cuối kỳ (ĐĐGck) hệ số 3 của một học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm cả chủ đề tự chọn) như sau:
a) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:
- Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: 2 ĐĐGtx;
- Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học: 3 ĐĐGtx;
- Môn học có từ trên 70 tiết/năm học: 4 ĐĐGtx.
b) Kiểm tra, đánh giá định kì:
Trong mỗi học kì, một môn học có 01 (một) ĐĐGgk và 01 (một) ĐĐGck;
Như vậy, so với quy định tại Thông tư 58/2011, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh học sinh theo Thông tư 26/2020 đã giảm, môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm.
Thứ tư là thay thế cụm từ "cho điểm" bằng cụm từ "đánh giá"; "số lần" bằng cụm từ "số điểm"; "cho điểm" bằng cụm từ "điểm số"; "của một môn học nào đó" bằng cụm từ "của duy nhất một môn học nào đó".
Thứ năm là đưa thêm môn Ngoại ngữ tham gia vào đánh giá chọn học sinh giỏi. Nếu như trước đây chỉ có 1 trong 2 môn Toán và Ngữ văn thì nay là 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Ngoài ra, Thông tư 26 cũng quy định cụ thể hơn về đánh giá học sinh khuyết tật; bổ sung nội dung xét lên lớp đối với học sinh khuyết tật. Theo đó, việc đánh giá kết quả giáo dục của đối tượng học sinh này được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học.
Trên là những điểm mới cơ bản được qui định tại Thông tư 26/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 11/10/2020 mà cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh tại trường THCS, THPT cần biết.