Bạn đã biết về nhóm máu ABO?

Truyền máu ngày nay đã trở thành trong những phương pháp phổ biến để duy trì sự sống cho những người bệnh bị thiếu máu, hoặc trong hỗ trợ phẫu thuật… Ý tưởng truyền máu đã có từ thế kỉ 17. Bắt đầu từ những năm của thế kỉ 19, ý tưởng này bắt đầu được triển khai lên con người và đi cùng với điều đó là tỷ lệ tử vong của những người được truyền máu là rất cao. Điều này đã trở thành một bí ẩn đối với các nhà khoa học lúc bấy giờ. Tới thế kỉ thứ 20, bí ẩn này đã được mở ra bởi công trình khoa học có giá trị nhất, lợi ích nhất trong truyền máu là sự phát hiện ra các kháng nguyên hồng cầu và dựa trên kháng nguyên hồng cầu, phân loại các nhóm máu của bác sĩ người Áo là Karl Landsteiner - người đạt giải Nobel y học năm 1930.

SƠ LƯỢC VỀ CÁC NHÓM MÁU ABO

Nhóm máu ABO ở người được quy định bởi một gen có 3 alen:

- IA: quy định kháng nguyên A xuất hiện trên bề mặt hồng cầu

- IB: quy định kháng nguyên B xuất hiện trên bề mặt hồng cầu

- IO: không quy định bất kì kháng nguyên nào xuất hiện trên bề mặt hồng cầu.

Nhóm máu ABO được phân loại dựa trên sự có mặt của kháng nguyên trên hồng cầu. Tức:

- Nếu trên bề mặt hồng cầu của họ xuất hiện kháng nguyên A, họ có nhóm máu A.

- Nếu trên bề mặt hồng cầu của họ xuất hiện kháng nguyên B, họ có nhóm máu B.

- Nếu trên bề mặt hồng cầu của họ xuất hiện cả hai loại kháng nguyên A và kháng nguyên B, họ có nhóm máu AB.

- Nếu trên bề mặt hồng cầu của họ không có sự xuất hiện của bất kì kháng nguyên nào, tức họ có nhóm máu O.

Trong đó:

- Cả hai alen IA và alen IB đồng trội (Lưu ý: Hiện tượng đồng trội là hiện tượng 2 alen không lấn át lẫn nhau nên thể dị hợp sẽ biểu hiện ra kiểu hình của cả hai thể đồng hợp. Trong trường hợp này, người có kiểu gen IAIB sẽ có cả hai kháng nguyên A và kháng nguyên B xuất hiện trên bề mặt hồng cầu của họ)

Cả hai alen IA và alen IB đều trội hơn alen IO (Ví dụ : Người có kiểu gen IAIO sẽ có nhóm máu A, Người có kiểu gen IBIO sẽ có nhóm máu B)

HIỆN TƯỢNG DUNG THỨ VÀ PHẢN ỨNG MIỄN DỊCH (PHẢN ỨNG GIỮA KHÁNG THỂ VÀ KHÁNG NGUYÊN)

🔎Theo định nghĩa cơ bản về kháng thể theo chương trình THCS, kháng thể là những phân tử protein có mặt trong huyết tương do tế bào lympho B tạo ra để chống lại các kháng nguyên đối với cơ thể.

⭐️Trong cơ thể người, xét về những phản ứng miễn dịch liên quan đến nhóm máu (Lưu ý: Phản ứng miễn dịch là phản ứng bảo vệ của cơ thể chống lại những chất lạ đối với cơ thể, trong đó bao gồm sự tiết kháng thể để tấn công kháng nguyên lạ đối với cơ thể), Karl Landsteiner thấy rằng:

- Kháng thể α được cơ thể tiết ra khi có sự hiện diện của kháng nguyên A, để chống lại kháng nguyên A và gây hiện tượng ngưng kết hồng cầu.

- Kháng thể β được cơ thể tiết ra khi có sự hiện diện của kháng nguyên B, để chống lại kháng nguyên B và gây hiện tượng ngưng kết hồng cầu.

Đến đây ta sẽ đặt câu hỏi 🧐:

👉Trong cơ thể người nhóm máu A, hay B, hay AB, đều có sự xuất hiện của kháng nguyên A, hay kháng nguyên B, hay cả hai, vậy cơ thể của họ có sản xuất ra các kháng thể α, hay kháng thể β, hay cả hai để chống lại chính kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và gây hiện tượng ngưng kết hồng cầu của chính cơ thể họ không?

Câu trả lời là không, vì:

Các tế bào B có trong tủy xương, máu, gan và lách của thai nhi vào tuần thứ 12 của thai kỳ. Ở tuần thứ 20, các kháng thể dần được hình thành và có hiện tượng dung thứ với kháng nguyên với bản thân nên người có nhóm máu A, hay B, hay AB, dù có sự xuất hiện của kháng nguyên A, hay kháng nguyên B, hay cả hai trên bề mặt hồng cầu, cơ thể của họ sẽ không sản xuất ra các kháng thể α, hay kháng thể β, hay cả hai chống lại họ.

Ví dụ : Người có nhóm máu A, khi được truyền máu của người có nhóm máu AB (tức trên bề mặt hồng cầu của người cho sẽ có cả kháng nguyên A và kháng nguyên B), vì cơ thể họ sẽ không sản sinh ra kháng thể α vì đã có sự dung thứ với kháng nguyên A trước đó, cơ thể họ sẽ chỉ sản sinh kháng thể β để chống lại sự hiện diện của kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu của người cho và gây hiện tượng ngưng kết hồng cầu.

Vậy:

- Người có nhóm máu O sẽ có cả kháng thể α và kháng thể β

- Người có nhóm máu A sẽ có kháng thể β

- Người có nhóm máu B sẽ có kháng thể α

- Người có nhóm máu AB sẽ không có kháng thể α và kháng thể β

Từ đó, người ta rút ra nguyên tắc truyền máu như sau:

- Người có nhóm máu O chỉ có thể nhận máu từ người có nhóm máu O. Người có nhóm máu O có thể truyền máu cho tất cả các nhóm máu.

- Người có nhóm máu A chỉ có thể nhận máu từ người có nhóm máu A hoặc người có nhóm máu O.

- Người có nhóm máu B chỉ có thể nhận máu từ người có nhóm máu B hoặc người có nhóm máu O.

- Người có nhóm máu AB có thể nhận máu từ tất cả những người có nhóm máu A, B, O, AB.

Post a Comment

Previous Post Next Post