Bài 26: Châu chấu

LỚP SÂU BỌ

Lớp Sâu bọ có số lượng loài lớn và có ý nghĩa thực tiễn lớn trong ngành Chân khớp.

Châu chấu thường gặp ở cánh đồng lúa. Châu chấu đại diện cho lớp Sâu bọ về cấu tạo và hoạt động sống.

I. CẤU TẠO NGOÀI VÀ DI CHUYỂN:

1. Cấu tạo ngoài:

Cơ thể châu chấu có 3 phần: Đầu, ngực và bụng. Đầu có 1 đôi râu, ngực có 3 đôi chân và 2 đôi cánh.

2. Châu chấu di chuyển rất linh hoạt:

Khi di chuyển châu chấu có thể bò bằng cả 3 đôi chân trên cây, hay nhảy từ cây này sang cây khác bằng đôi chân sau (thường gọi là càng) hoặc nhảy, rồi sau đó bay bằng cánh nếu di chuyển xa.

II. CẤU TẠO TRONG:

Châu chấu có đặc điểm khác tôm như sau:

- Hệ tiêu hóa: có thêm ruột tịt tiết dịch vị vào dạ dày và nhiều ống bài tiết lọc chất thải đổ vào ruột sau để theo phân ra ngoài.

- Hệ hô hấp: có hệ thống ống khí xuất phát từ các lỗ thở ở hai bên thành bụng, phân nhánh chằng chịt đem ôxi tới các tế bào.

- Hệ tuần hoàn: Cấu tạo rất đơn giản, tim hình ống gồm nhiều ngăn ở mạch lưng. Hệ mạch hở.

- Hệ thần kinh: Hệ thần kinh châu chấu dạng chuỗi hạch, có hạch não phát triển.

III. DINH DƯỠNG:

- Nhờ cơ quan miệng khỏe, sắc châu chấu gặm chồi và ăn lá cây. Thức ăn được tẩm nước bọt rồi tập trung ở diều, được nghiền nhỏ ở dạ dày cơ, rồi tiêu hóa nhờ enzim do ruột tịt tiết ra.

- Khi châu chấu sống, bụng chúng luôn phập phồng. Đó là động tác hô hấp, hít và thải không khí qua lỗ thở ở mặt bụng.

IV. SINH SẢN VÀ PHÁT TRIỂN:

- Châu chấu phân tính, tuyến sinh dục dạng chùm, tuyến phụ sinh dục ống.

- Trứng đẻ dưới đất thành ổ.

- Châu chấu non nở ra đã giống trưởng thành nhưng nhỏ, chưa đủ cánh, phải sau nhiều lần lột xác mới trở thành con trưởng thành. Đó là hình thức biến thái không hoàn toàn.

Post a Comment

Previous Post Next Post