KHTN7-CTST | Bài 35. Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật

MỤC TIÊU

- Nêu được các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật (nhân tố nhiệt độ, ánh sáng, nước, dinh dưỡng).
- Trình bày được một số ứng dụng sinh trưởng và phát triển của sinh vật trong thực tiễn (ví dụ điều hoà sinh trưởng và phát triển ở sinh vật bằng cách sử dụng chất kích thích hoặc điều khiển yếu tố môi trường).
- Vận dụng được những hiểu biết về sinh trưởng và phát triển của sinh vật giải thích một số hiện tượng thực tiễn (tiêu diệt muỗi ở giai đoạn ấu trùng, phòng trừ sâu bệnh, chăn nuôi).

TÓM TẮT KIẾN THỨC

💡 Mở đầu
Khi trồng cây trong nhà hoặc các phòng làm việc, tại sao người ta thường đặt chậu cây ở vị trí gần cửa sổ?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Khi trồng cây trong nhà hoặc các phòng làm việc, người ta thường đặt chậu cây ở vị trí gần cửa sổ nhằm giúp cây có thể hấp thu được ánh sáng để quang hợp, đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển bình thường.

1. ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ NHÂN TỐ CHỦ YẾU ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA SINH VẬT

Sự tồn tại và phát triển của sinh vật chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nhân tố môi trường bên ngoài cơ thể như nhiệt độ, ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng, ... và các nhân tố môi trường bên trong cơ thể như hormone, yếu tố di truyền, giới tính, ...

1.1. Tìm hiểu ảnh hưởng của nhiệt độ

Mỗi loài sinh vật thích hợp với một điều kiện nhiệt độ nhất định gọi là giới hạn sinh thái, nếu nằm ngoài giới hạn sinh thái đó thì quá trình sinh trưởng của chúng sẽ bị ảnh hưởng.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
1. Quan sát Hình 35.1, hãy cho biết:
- Giới hạn nhiệt độ của cá rô phi ở Việt Nam.
- Khoảng nhiệt độ thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Giới hạn nhiệt độ của cá rô phi ở Việt Nam là từ 5 – 42 °C.
- Khoảng nhiệt độ thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi là từ 23 – 37 °C. Ngoài ngưỡng nhiệt độ này, sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi sẽ bị ức chế.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
2. Từ Bảng 35.1, nêu ảnh hưởng của nhiệt độ đến tỉ lệ sống, số lá, độ dài, bề rộng lá của cây lan hồ điệp.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Khoảng nhiệt độ từ 25 – 31 °C là khoảng nhiệt độ mà lan hồ điệp có tỉ lệ sống cao nhất, cây có số lá nhiều nhất, chiều dài lá dài nhất, độ rộng của lá lớn nhất. Trên 31 °C và dưới 25 °C, các chỉ số này sẽ giảm dần.

1.2. Tìm hiểu ảnh hưởng của ánh sáng

Ánh sáng là nhân tố cơ bản, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
3. Quan sát Hình 35.2, cho biết ý nghĩa của sự phân tầng của thực vật trong rừng mưa nhiệt đới đối với thực vật.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Sự phân tầng của thực vật trong rừng mưa nhiệt đới được thể hiện khá rõ nét: tầng vượt tán, tầng tán rừng, tầng dưới tán, tầng thảm xanh,…
- Sự phân tầng này đảm bảo cho thực vật tận dụng được nguồn sống chủ yếu là ánh sáng một cách tối ưu: thực vật ưa sáng sẽ ở tầng cao còn thực vật ưa bóng sẽ ở tầng sàn rừng.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
4. Một số động vật như chó, mèo hay hoạt động về đêm, ban ngày chúng thường nằm dài sưởi nắng. Việc đó có lợi cho sự phát triển của chúng như thế nào?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Việc sưởi nắng vào ban ngày giúp chó, mèo tận dụng ánh sáng mặt trời để tăng cường sản sinh ra vitamin D giúp phát triển xương. Đồng thời, việc phơi nắng cũng giúp các động vật này thu thêm nhiệt từ môi trường và giảm mất nhiệt trong những ngày trời rét, tập trung các chất để xây dựng cơ thể, thúc đẩy sinh trưởng, phát triển.

📝 Củng cố
Tại sao khi trồng các cây ngày dài ở miền Bắc vào mùa đông thường cho năng suất thấp hơn khi trồng ở miền Nam của Việt Nam?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Các cây ngày dài ở miền Bắc trồng vào mùa đông thường cho năng suất thấp hơn khi trồng ở miền Nam, đó là bởi vì:
- Các cây dài ngày là loại cây thích nghi với điều kiện nhiều ánh sáng, trong khi mùa đông ở miền Bắc thường nhanh tối nên cây sẽ không có đủ ánh sáng để quang hợp dẫn đến năng suất sẽ thấp hơn miền Nam.
- Ngoài ra, mùa đông ở miền Bắc có khí hậu khắc nghiệt (nhiệt độ thấp, sương muối,…) cũng làm kìm hãm sinh trưởng, phát triển của cây.

📖 Mở rộng
Vì sao việc tắm nắng vào sáng sớm có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của trẻ nhỏ?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Việc tắm nắng vào sáng sớm có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của trẻ nhỏ, là bởi vì ánh nắng buổi sáng sớm ít gây hại cho da của trẻ nhỏ đồng thời lại giúp tăng cường chuyển hóa tiền vitamin D thành vitamin D có ích trong việc phát triển bộ xương của trẻ nhỏ.

1.3. Tìm hiểu ảnh hưởng của nước

Nước là nhân tố đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mọi sinh vật. Nước tham gia vào các quá trình sống trong cơ thể nên nếu thiếu nước sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
5. Quan sát các Hình từ 35.4 đến 35.7, hãy cho biết những hậu quả xảy ra đối với thực vật, động vật và con người khi thiếu nước.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Khi thiếu nước, cả thực vật, động vật và con người đều không thể thực hiện được các hoạt động sống bình thường, hậu quả là cây bị héo, hạt đậu không nảy mầm; con người có dấu hiệu mệt mỏi, sốt,… Thiếu nước nghiêm trọng sẽ đe dọa đến sự sống của các sinh vật.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
6. Em hãy lấy ví dụ về vai trò của nước đối với thực vật.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Lấy ví dụ về vai trò của nước đối với thực vật:
- Nếu không có đủ nước, hạt của cây đậu sẽ không thể nảy mầm.
- Khi hạn hán kéo dài, cây lúa thiếu nước sẽ bị héo khô và chết.

1.4. Tìm hiểu ảnh hưởng của dinh dưỡng

Cũng giống như nước, dinh dưỡng (thức ăn) là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của sinh vật. Thiếu dinh dưỡng hay thừa dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật. Hiểu được ảnh hưởng của dinh dưỡng đến sự sinh trưởng và phát triển, chúng ta thiết lập được chế độ ăn uống hợp lí, từ đó nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
7. Quan sát Hình 35.7, 35.8, 35.9, cho biết sự khác nhau về hình thái giữa cây thiếu dinh dưỡng, cây thừa dinh dưỡng và cây đủ dinh dưỡng.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Sự khác nhau về hình thái giữa cây thiếu dinh dưỡng, cây thừa dinh dưỡng và cây đủ dinh dưỡng:
- Cây thừa dinh dưỡng: cây sinh trưởng và phát triển quá mạnh, vượt trội về chiều cao, số lá nhưng thân bị yếu, dễ gãy, lá dễ gãy rụng.
- Cây thiếu dinh dưỡng: cây sinh trưởng và phát triển kém, thân còi cọc, lá ít và nhạt màu.
- Cây đủ chất dinh dưỡng: Cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, đầy đủ lá, lá xanh mượt.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
8. Chế độ dinh dưỡng có liên quan đến sự phát triển về thể trạng của các em bé trong Hình 35.10 như thế nào?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Chế độ dinh dưỡng có liên quan đến sự phát triển về thể trạng của các em bé:
- (a) Chế độ dinh dưỡng không đủ chất có thể khiến trẻ chậm phát triển, còi xương, cổ tay và khủy tay phình to, chân cong,…
- (b) Chế độ dinh dưỡng hợp lí, đầy đủ sẽ giúp trẻ đạt đến sự phát triển toàn diện, cân đối, khỏe mạnh.
- (c) Chế độ dinh dưỡng quá nhiều, dẫn đến hiện tượng béo phì, kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe như gây ra nhiều bệnh như gan nhiễm mỡ, tiểu đường, huyết áp,…

📝 Củng cố
Hãy phân tích một ví dụ để chỉ ra ảnh hưởng của chất dinh dưỡng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Gà Đông Tảo khi được chăm sóc tốt, đủ dinh dưỡng, không cần dùng thuốc tăng trọng, gà mái có thể nặng tới 5 – 6 kg trong thời gian khoảng 5 – 6 tháng, tuy nhiên, nếu chăm sóc không tốt, gà mái chỉ có thể đạt tối đa 3 kg/con.

✍️ Ghi nhớ
Quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật chịu ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài khác nhau như nhiệt độ, ánh sáng, nước, dinh dưỡng. Ngoài ra, các nhân tố khác như hormone, chất kích thích cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển ở sinh vật. Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố phụ thuộc vào mỗi loài sinh vật.

2. ỨNG DỤNG SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN TRONG THỰC TIỄN

2.1. Tìm hiểu ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong trồng trọt

- Để điều hoà sinh trưởng và phát triển của cây trồng, người ta có thể sử dụng các chất kích thích như hormone sinh trưởng, ... hoặc điều khiển các yếu tố môi trường để tận dụng nguồn ánh sáng, nguồn dinh dưỡng; nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp với đặc tính sinh trưởng và phát triển của mỗi loài cây trồng khác nhau. Ví dụ: trồng xen canh mía và bắp cải, ...
- Các nhân tố bên ngoài thường được ứng dụng trong điều khiển sinh trưởng và phát triển ở vật nuôi, cây trồng như thức ăn tổng hợp, chất kích thích, ánh sáng, nhiệt độ, ...
- Các chất kích thích tuy được sử dụng khá nhiều trong chăn nuôi, trồng trọt hiện nay, nhưng cần thận trọng và tuyệt đối tuân theo hướng dẫn sử dụng của các nhà sản xuất và các chuyên gia để đảm bảo an toàn thực phẩm.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
9. Mô hình xen canh có ý nghĩa gì đối với người nông dân?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Mô hình xen canh giúp tận dụng tối đa nguồn sống và nhu cầu về các yếu tố môi trường của các loài cây khác nhau để nâng cao năng suất cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích mà vẫn hạn chế chi phí đầu tư, chăm sóc ban đầu. Nhờ đó, biện pháp này đem lại được hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
10. Hãy cho biết ý kiến của em về việc sử dụng các chất kích thích trong điều hoà sinh trưởng và phát triển ở sinh vật.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Việc sử dụng các chất kích thích trong điều hòa sinh trưởng và phát triển ở sinh vật sẽ giúp nâng cao năng suất nhưng không nên quá lạm dụng. Khi sử dụng chất kích thích cần được tư vấn và tuân thủ đúng quy trình kĩ thuật của nhà sản xuất và các chuyên gia về nông nghiệp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển bền vững, tránh gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

📝 Củng cố
Hãy kể tên một số ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong chăn nuôi, trồng trọt.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Một số ví dụ ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong chăn nuôi, trồng trọt:
- Thâm canh, xen canh, gối vụ cây trồng để tận dụng nguồn sống như dinh dưỡng, ánh sáng,…: Trồng xen canh mía với bắp cải, ngô với cây đậu tương,…
- Sử dụng chất kích thích tăng trưởng, kích thích ra hoa, tạo quả,…:
+ Dùng GA3B (Gibberelline) trong công nghệ lúa lai, phun lên bông của cây mẹ, để bông lúa vươn dài ra, dễ tiếp nhận phấn hoa.
+ Dùng NAA (Naptithaline acetic acid) và IAA (Indol acetic acid) dùng để kích thích cho cây trồng giai đoạn sinh trưởng và phát triển như giúp cành giâm nhanh ra rễ,…

2.2. Tìm hiểu ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong chăn nuôi

- Hiểu biết về ảnh hưởng của các nhân tố môi trường đến sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi giúp chúng ta chăm sóc, điều khiển sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi đúng cách nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
- Ngày nay việc ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi và trồng trọt đang được áp dụng rộng rãi nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ví dụ: Xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín có máng ăn, uống tự động, quạt thông khí, hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt; tạo giống lai giữa mướp đắng (khổ qua) với mướp cho năng suất cao, ...

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
11. Quan sát Hình 35.12 và 35.13, hãy cho biết một số ứng dụng được sử dụng nhằm nâng cao năng suất vật nuôi.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Một số ứng dụng được sử dụng nhằm nâng cao vật nuôi:
- Điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi.
- Sử dụng chất kích thích sinh trưởng, sinh sản, chất tạo nạc.

2.3. Vận dụng sinh trưởng và phát triển trong phòng trừ côn trùng, sâu hại

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
12. Quan sát Hình 35.14, hãy chỉ ra giai đoạn muỗi gây hại cho con người.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Giai đoạn muỗi gây hại cho con người (hút máu) là giai đoạn muỗi trưởng thành. Ở giai đoạn này, muỗi có thể là vật trung gian truyền một số bệnh gây nguy hiểm cho con người như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, viêm não,…

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
13. Trong Hình 35.15 ở giai đoạn nào trong vòng đời bướm có khả năng phá hoại mùa màng?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Giai đoạn trong vòng đời của bướm có khả năng phá hoại mùa màng là giai đoạn sâu bướm. Ở giai đoạn này, sâu bướm sử dụng thức ăn chủ yếu là lá, hoa và gần như là ăn liên tục, gây những tổn hại nặng nề cho cây trồng.

📝 Củng cố
Hai bạn lớp em đang tranh luận về cách diệt trừ muỗi. Bạn thứ nhất cho rằng chỉ nên diệt muỗi trưởng thành vì chỉ ở giai đoạn này chúng mới gây hai. Còn ban thứ hai cho rằng nên diệt chúng cả ở các giai đoạn khác. Hãy cho biết ý kiến của em về vấn đề này.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Nên tiêu diệt muỗi ở tất cả các giai đoạn để nâng cao hiệu quả diệt trừ loại côn trùng này.
- Vì: Mặc dù chỉ giai đoạn muỗi trưởng thành mới gây hại cho con người nhưng muỗi trưởng thành có khả năng di chuyển rất nhanh nên khó tiêu diệt hơn ở các giai đoạn như trứng, ấu trùng, nhộng.

♻️ Vận dụng
• Vì sao khi nuôi cá trong bể kính, mỗi khi thay nước mới thì người ta thường chỉ thay khoảng 2/3 lượng nước, giữ lại 1/3 lượng nước cũ trong bể?
• Để tăng năng suất cho cây thanh long, người ta thường thắp đèn chiếu sáng cho cây vào ban đêm, em hãy cho biết cơ sở khoa học của việc làm này là gì?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

• Khi nuôi cá trong bể kính, mỗi khi thay nước mới thì người ta thường chỉ thay khoảng 2/3 lượng nước, giữ lại 1/3 lượng nước cũ trong bể nhằm giữ lại môi trường sống quen thuộc cho các sinh vật trong bể cá, đảm bảo sự thay đổi các nhân tố môi trường diễn ra từ từ, tránh hiện tượng sốc ở sinh vật do thay đổi môi trường đột ngột.
• Cơ sở khoa học của phương pháp thắp đèn chiếu sáng cho cây thanh long vào ban đêm để tăng năng suất: Thanh long là cây ra hoa trong điều kiện ngày dài (thời gian chiếu sáng dài). Người nông dân trồng thanh long thường xuyên thắp đèn vào ban đêm nhằm cung cấp đủ thời gian chiếu sáng cần thiết kích thích cho cây thanh long ra hoa, kết quả.

✍️ Ghi nhớ
Trong thực tiễn, người ta vận dụng sinh trưởng và phát triển để điều khiển vật nuôi, cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức khoẻ con người. Ngoài ra, hiểu biết về vòng đời một số động vật gây hại giúp chúng ta có biện pháp diệt và phòng trừ hợp lí.

BÀI TẬP

Tằm là động vật biến nhiệt, thích nghi với điều kiện ánh sáng yếu, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào môi trường. Khoảng nhiệt độ cực thuận cho sinh trưởng và phát triển của tằm là 24 – 26 °C, khoảng giới hạn nhiệt là 15 – 35 °C.

✍️ Bài tập
1. Hãy vẽ đồ thị thể hiện sự phụ thuộc sinh trưởng của tằm vào nhiệt độ?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Sự phụ thuộc sinh trưởng của tằm vào nhiệt độ: Khoảng nhiệt độ tối ưu giúp tằm sinh trưởng tốt nhất là 24 – 26 °C, khoảng nhiệt độ để tằm sống sót là 15 – 35 °C, dưới 15 °C hoặc trên 35 °C tằm sẽ chết.

✍️ Bài tập
2. Cho biết giới hạn trên, giới hạn dưới về nhiệt độ của tằm.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Giới hạn trên về nhiệt độ của tằm là: 35 °C.
- Giới hạn dưới về nhiệt độ của tằm là: 15 °C.

✍️ Bài tập
3. Khi nuôi tằm, người ta thường để tằm trong chỗ tối và kín gió. Em hãy giải thích lí do vì sao.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Khi nuôi tằm người ta thường để tằm trong chỗ tối và kín gió vì tằm là động vật biến nhiệt, thích nghi với điều kiện ánh sáng yếu.

SÁCH HỌC SINH (bản in thử)

Post a Comment

Previous Post Next Post