MỤC TIÊU
- Phát biểu được khái niệm sinh trưởng và phát triển ở sinh vật.
- Nêu được mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển.
- Chỉ ra được mô phân sinh trên sơ đồ cắt ngang thân cây Hai lá mầm và trình bày được chức năng của mô phân sinh làm cây lớn lên.
- Trình bày được các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của sinh vật dựa vào hình vẽ vòng đời của sinh vật đó.
TÓM TẮT KIẾN THỨC
💡 Mở đầu
Quá trình sống của loài bướm trong hình bên trải qua nhiều giai đoạn: giai đoạn trứng, giai đoạn sâu, giai đoạn kén, giai đoạn bướm trưởng thành. Đó là những giai đoạn sinh trưởng và phát triển của bướm. Sinh trưởng và phát triển là gì? Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển như thế nào?
- Sinh trưởng là sự tăng lên về kích thước và khối lượng cơ thể do tăng lên về số lượng và kích thước tế bào.
- Phát triển là những biến đổi của cơ thể sinh vật bao gồm ba quá trình liên quan mật thiết với nhau là sinh trưởng, phân hóa tế bào và phát sinh hình thái các cơ quan của cơ thể.
- Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển: Sinh trưởng và phát triển là hai quá trình trong cơ thể sống có mối quan hệ mật thiết với nhau. Sinh trưởng tạo tiền đề cho phát triển. Phát triển sẽ thúc đẩy sinh trưởng.
1. SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT
1.1. Tìm hiểu khái niệm sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
- Sinh trưởng và phát triển là những đặc trưng cơ bản của sự sống.
- Sinh trưởng là sự tăng lên về kích thước và khối lượng cơ thể do tăng lên về số lượng và kích thước tế bào, từ đó làm cho cơ thể lớn lên.
- Phát triển là những biến đổi của cơ thể sinh vật bao gồm ba quá trình liên quan mật thiết với nhau là sinh trưởng, phân hoá tế bào và phát sinh hình thái các cơ quan của cơ thể.
👨👩👧👦 Thảo luận
1. Quan sát Hình 34.1, em hãy nhận xét sự thay đổi về kích thước, hình thái và các cơ quan của cây hoa hướng dương.
Nhận xét sự thay đổi về kích thước, hình thái và các cơ quan của cây hoa hướng dương:
- Về kích thước của cây: tăng dần.
- Về hình thái và các cơ quan của cây: có sự phát sinh hình thái các cơ quan rễ, thân, lá, hoa, hạt của cây theo từng giai đoạn.
1.2. Nhận biết mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển
👨👩👧👦 Thảo luận
2. Quan sát Hình 34.2 và cho biết dấu hiệu sự sinh trưởng, sự phát triển của gà.
- Dấu hiệu của sự sinh trưởng ở gà: Sự tăng kích thước, khối lượng của các cơ quan, bộ phận và cơ thể của con gà.
- Dấu hiệu của sự phát triển ở gà:
+ Phôi phân hóa và phát sinh các cơ quan tạo nên con gà con hoàn chỉnh.
+ Sự phân hóa bộ lông thành nhiều màu khác nhau.
+ Sự phát sinh các mào ở gà trống và sự phát sinh chức năng sinh sản của gà.
📝 Củng cố
3. Hãy cho biết mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển ở sinh vật.
Sinh trưởng và phát triển là hai quá trình trong cơ thể sống có mối quan hệ mật thiết với nhau. Sinh trưởng tạo tiền để cho phát triển. Phát triển sẽ thúc đẩy sinh trưởng.
♻️ Vận dụng
Nhận biết sự sinh trưởng và phát triển ở sinh vật bằng cách hoàn thành bảng sau đây:
Biểu hiện |
Sinh trưởng |
Phát triển |
Sau một năm, em học sinh lớp 1 cao thêm 10 cm. |
+ |
- |
Hạt đậu ngâm nước lâu nở to hơn lúc đầu. |
- |
- |
Hạt đỗ nảy mầm. |
- |
+ |
Cây bưởi ra hoa. |
- |
+ |
Trứng gà nở thành gà con. |
- |
+ |
✍️ Ghi nhớ
• Sinh trưởng là sự tăng lên về kích thước và khối lượng cơ thể do tăng lên về số lượng và kích thước tế bào.
• Phát triển là những biến đổi của cơ thể sinh vật bao gồm ba quá trình liên quan mật thiết với nhau là sinh trưởng, phân hoá tế bào và phát sinh hình thái các cơ quan của cơ thể.
• Sinh trưởng và phát triển là hai quá trình trong cơ thể sống có mối quan hệ mật thiết với nhau.
• Sinh trưởng tạo tiền đề cho phát triển. Phát triển sẽ thúc đẩy sinh trưởng.
2. SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở THỰC VẬT
2.1. Xác định vị trí và chức năng của mô phân sinh
- Sinh trưởng ở thực vật là sự tăng lên về kích thước (chiều dài, bề mặt, thể tích) của cơ thể thực vật.
- Cơ sở cho sự sinh trưởng của thực vật là sự phân chia của các tế bào thuộc mô phân sinh.
- Ở cây Hai lá mầm, mô phân sinh gồm có mô phân sinh đỉnh và mô phân sinh bên.
👨👩👧👦 Thảo luận
4. Quan sát Hình 34.3 và cho biết mô phân sinh đỉnh và mô phân sinh bên có ở đâu trên cơ thể thực vật.
- Mô phân sinh đỉnh nằm ở chồi đỉnh, chồi nách và đỉnh rễ.
- Mô phân sinh bên nằm ở thân cây.
👨👩👧👦 Thảo luận
5. Mô phân sinh đỉnh và mô phân sinh bên có vai trò gì đối với sự sinh trưởng của cây?
- Mô phân sinh đỉnh nằm ở vị trí đỉnh của thân, cành và rễ; có chức năng làm gia tăng chiều dài của thân, cành và rễ.
- Mô phân sinh bên phân bố theo hình trụ và hướng ra phía ngoài của thân; có chức năng làm tăng độ dày (đường kính) của thân, rễ, cành.
📝 Củng cố
Hãy kể tên một số loại cây có mô phân sinh bên.
Một số loại cây có mô phân sinh bên là: bưởi, phượng, keo, bạch đàn, bằng lăng, xà cừ, bàng,…
✍️ Ghi nhớ
• Mô phân sinh là nhóm các tế bào có khả năng phân chia, giúp cho thực vật tăng trưởng về kích thước. • Mô phân sinh đỉnh nằm ở vị trí đỉnh của thân và rễ, có chức năng làm gia tăng chiều dài của thân và rễ. • Mô phân sinh bên phân bố theo hình trụ và hướng ra phía ngoài của thân, có chức năng làm tăng độ dày (đường kính) của thân, rễ, cành.
2.2. Tìm hiểu về các giai đoạn sinh trưởng và phát triển ở thực vật
Quá trình sinh trưởng và phát triển ở thực vật gồm các giai đoạn từ khi hạt nảy mầm thành cây mầm đến cây non rồi đến cây trưởng thành và giai đoạn từ khi cây bắt đầu ra hoa, tạo quả và hình thành hạt.
👨👩👧👦 Thảo luận
6. Quan sát Hình 344, hãy kể tên các giai đoạn trong vòng đời của cây cam và xác định các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây cam.
- Các giai đoạn trong vòng đời của cây cam: Hạt; hạt nảy mầm; cây mầm; cây con; cây trưởng thành; cây trưởng thành ra hoa, tạo quả và hạt.
- Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây cam: giai đoạn sinh trưởng (từ khi hạt nảy mầm thành cây mầm đến cây con rồi đến cây trưởng thành) và giai đoạn sinh sản (cây ra hoa, tạo quả, hình thành hạt).
📝 Củng cố
Hãy vẽ vòng đời của một cây có hoa mà em biết.
3. SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở ĐỘNG VẬT
Tìm hiểu về các giai đoạn sinh trưởng và phát triển ở động vật
- Quá trình sinh trưởng và phát triển ở động vật bao gồm các giai đoạn khác nhau ở mỗi loài.
- Ví dụ, vòng đời của ếch trải qua các giai đoạn: giai đoạn trứng, giai đoạn phôi, giai đoạn nòng nọc, giai đoạn nòng nọc 2 chân, giai đoạn nòng nọc 4 chân, giai đoạn ếch con và giai đoạn ếch trưởng thành. Từ giai đoạn ấu trùng đến giai đoạn ếch trưởng thành xảy ra nhiều sự biến đổi về hình thái.
👨👩👧👦 Thảo luận
7. Quan sát Hình 345 và cho biết hình thái của ếch qua các giai đoạn có điểm gì đặc biệt? Hãy xác định giai đoạn sinh trưởng và phát triển trong vòng đời của ếch.
- Hình thái của ếch qua các giai đoạn có sự thay đổi lớn.
- Vòng đời của ếch trải qua các giai đoạn: giai đoạn trứng, giai đoạn phôi, giai đoạn nòng nọc, giai đoạn nòng nọc 2 chân, giai đoạn nòng nọc 4 chân, giai đoạn ếch con và giai đoạn ếch trưởng thành. Trong đó, giai đoạn từ trứng thành phôi, từ phôi thành các dạng nòng nọc là phát triển; giai đoạn từ nòng nọc thành ếch con là phát triển; giai đoạn từ ếch con thành ếch trưởng thành có dấu hiệu của sự sinh trưởng rõ rệt nhưng cũng có dấu hiệu của sự phát triển với việc đứt đuôi và hoàn thiện các cơ quan chức năng. Do đó, mỗi giai đoạn trong vòng đời của ếch đều có sự xen kẽ giữa sinh trưởng và phát triển.
📝 Củng cố
Em hãy vẽ sơ đồ quá trình sinh trưởng và phát triển của người qua các giai đoạn.
♻️ Vận dụng
Em hãy tìm hiểu thêm về vòng đời của một số loài thực vật và động vật ở địa phương và viết một báo cáo ngắn khoảng 500 từ về các vấn đề tìm hiểu được.
Vòng đời của muỗi trải qua 4 giai đoạn là trứng, ấu trùng, nhộng, muỗi trưởng thành.
- Muỗi đẻ trứng ở mặt nước tù đọng hoặc bất kì nơi ẩm ướt, ít ánh sáng.
- Trong điều kiện thuận lợi, trứng sẽ nhanh chóng nở thành ấu trùng trong mức thời gian ngắn (khoảng 48 giờ).
- Ấu trùng muỗi là dạng sinh vật không chân, chỉ có đầu và thân, di chuyển trong mặt nước bằng cách uốn mình cơ thể.
- Nhộng là giai đoạn thứ 3, chỉ mất 2 ngày để nhộng biến thành muỗi trưởng thành.
- Muỗi trưởng thành là giai đoạn cuối của vòng đời của muỗi.
Dựa theo giới tính, muỗi được chia làm hai loại là muỗi đực và muỗi cái: muỗi đực có vòng đời nhiều nhất là 20 ngày, thức ăn là nhựa cây; muỗi cái có vòng đời từ 1 đến 2 tháng và nguồn thức ăn chính của chúng là máu người hay động vật sống. Như vậy, muỗi cái là vật gây hại trực tiếp đến con người.
✍️ Ghi nhớ
Mỗi sinh vật trong quá trình sống đều trải qua các giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau gọi là vòng đời. Vòng đời của sinh vật khác nhau tuỳ thuộc vào mỗi loài.
BÀI TẬP
Hãy lựa chọn đáp án đúng cho các câu sau:
✍️ Bài tập
1. Sinh trưởng ở sinh vật là
A. quá trình tăng lên kích thước cơ thể do tăng lên về kích thước và số lượng tế bào.
B. quá trình tăng lên kích thước cơ thể do tăng lên về kích thước và số lượng mô.
C. quá trình tăng lên kích thước cơ thể do tăng lên về kích thước tế bào và mô.
D. quá trình tăng lên kích thước cơ thể do tăng lên về kích thước và sự phân hoá tế bào.
- Đáp án đúng là: A.
- Sinh trưởng ở vi sinh vật là quá trình tăng lên kích thước cơ thể do tăng lên về kích thước và số lượng tế bào.
✍️ Bài tập
2. Cho các bộ phận sau:
(1) Đỉnh rễ
(2) Thân
(3) Chồi nách
(4) Chồi đỉnh
(5) Hoa
(6) Lá
Mô phân sinh đỉnh không có ở
A. (1), (2), (3).
B. (2), (3), (4).
C. (3), (4), (5).
D. (2), (5), (6).
Đáp án đúng là: D.
- Mô phân sinh đỉnh nằm ở vị trí đỉnh của thân, cành và rễ; có chức năng làm gia tăng chiều dài của thân, cành và rễ.
- Mô phân sinh đỉnh không có ở thân, hoa, lá.
✍️ Bài tập
3. Hãy chỉ ra dấu hiệu cho thấy sự sinh trưởng và phát triển trong vòng đời của người.
- Một số dấu hiệu sinh trưởng trong vòng đời của người: Sự tăng chiều cao, sự tăng cân nặng, sự tăng chiều dài tóc,…
- Một số dấu hiệu phát triển trong vòng đời của người: Sự phát sinh các cơ quan trong giai đoạn phôi, sự hoàn thiện các cơ quan sinh sản ở tuổi dậy thì,…
✍️ Bài tập
4. Hãy tìm hiểu về vòng đời của mối và cho biết giai đoạn nào của mối gây hại cho đồ dùng, vật dụng, công trình bằng gỗ trong gia đình.
- Tìm hiểu về vòng đời của mối:
+ Vòng đời của mối trải qua ba giai đoạn chính là giai đoạn trứng, giai đoạn ấu trùng và giai đoạn mối trưởng thành. Trong đó, giai đoạn trứng được nuôi dưỡng bên ngoài cơ thể mối để chờ ngày nở thành ấu trùng.
+ Ở giai đoạn ấu trùng, mối ăn thức ăn chính là cellulose từ gỗ nhưng chúng không tự tiêu hóa được mà phải nhờ đến sự tiêu hóa của mối thợ.
+ Ấu trùng mới sau quá trình được nuôi dưỡng sẽ trở thành mối trưởng thành.
+ Có ba loại mối trưởng thành là mối thợ, có lực lượng đông đảo và vô cùng cần thiết của tổ mối; mối lính là hàng rào phòng thủ và bảo vệ cho toàn bộ tổ mối, trong những trường hợp nhất định sẽ chuyển qua làm mối thợ tạm thời; mối có cánh là lực lượng giúp mở rộng sự phân bố của loài mối.
- Giai đoạn trưởng thành là giai đoạn mối gây hại khủng khiếp nhất cho con người, chúng phá hoại các đồ dùng, vật dụng, công trình bằng gỗ và gây thiệt hại về kinh tế rất lớn.