KHTN9-CTST | Bài 31. Sơ lược về hoá học vỏ Trái Đất và khai thác tài nguyên từ vỏ Trái Đất

MỤC TIÊU

- Nêu được hàm lượng các nguyên tố hoá học chủ yếu trong vỏ Trái Đất.
- Phân loại được các dạng chất chủ yếu trong vỏ Trái Đất (oxide, muối, . . .).
- Trình bày được những lợi ích cơ bản về kinh tế, xã hội từ việc khai thác vỏ Trái Đất (nhiên liệu, vật liệu, nguyên liệu); lợi ích của việc tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên, sử dụng vật liệu tái chế, . . . phục vụ cho sự phát triển bền vững.

TÓM TẮT KIẾN THỨC

Khởi động
Hiện tại, Trái Đất được biết đến là hành tinh duy nhất có sự sống trong vũ trụ. Được hình thành cách đây gần 4,6 tỉ năm và cho tới 1 tỉ năm trước, sự sống mới bắt đầu xuất hiện trên bề mặt của Trái Đất. Vỏ Trái Đất được tạo nên từ các thành phần hoá học nào? Việc khai thác khoáng sản trên vỏ Trái Đất đã đem lại những lợi ích gì cho con người?

❖ Phương pháp giải:
Dựa vào thành phần của vỏ trái đất.
❖ Lời giải chi tiết:
- Vỏ Trái Đất được tạo nên từ nhiều nguyên tố hóa học như oxygen, silicon, nhôm, sắt, calcium, sodium, magnesium, potassium, … tạo nên các hợp chất trong vỏ Trái Đất.
- Việc khai thác tài nguyên trong vỏ Trái Đất mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội cho con người.

1. THÀNH PHẦN CỦA VỎ TRÁI ĐẤT

➲ Mô tả thành phần vỏ Trái Đất

- Trên bề mặt vỏ Trái Đất, chúng ta có thể trồng cây lương thực, xây dựng nhà ở. Ngoài ra, con người có thể khai thác tài nguyên khoáng sản trong vỏ Trái Đất.
- Các nhà khoa học đã khám phá về lớp vỏ Trái Đất và cho thấy rằng có nhiều nguyên tố hoá học tạo nên các hợp chất trong vỏ Trái Đất. Biểu đồ Hình 31.1 cho ta biết thành phần các nguyên tố trong vỏ Trái Đất.
- Hai nguyên tố phi kim là oxygen và silicon chiếm gần ¾ khối lượng của lớp vỏ Trái Đất. Sáu nguyên tố kim loại được đề cập đến ở Hình 31.1 chiếm hơn ¼ khối lượng lớp vỏ Trái Đất. Hàm lượng nhôm chiếm nhiều nhất trong số sáu kim loại này và tiếp theo là sắt. Tất cả sáu nguyên tố kim loại này đều tồn tại dưới dạng hợp chất và được tìm thấy trong các khoáng chất.

Thảo luận
Câu hỏi 1.
Lấy ví dụ một số hợp chất chứa oxygen có trong vỏ Trái Đất.

❖ Phương pháp giải:
Vỏ Trái đất chứa nhiều kim loại nên có thể tác dụng với oxygen tạo oxide.
❖ Lời giải chi tiết:
Một số hợp chất chứa oxygen là: Al2O3, Fe3O4, SiO2,…

Thảo luận
Câu hỏi 2. Quan sát Hình 31.1, hãy kể tên các nguyên tố trong vỏ Trái Đất và cho biết nguyên tố kim loại nào chiếm phần trăm khối lượng lớn nhất?

❖ Phương pháp giải:
Dựa vào hình 31.1.
❖ Lời giải chi tiết:
- Các nguyên tố trong vỏ Trái Đất là: oxygen, silicon, nhôm, sắt, calcium, magnesium, sodium, potassium, kim loại và phi kim khác.
- Nguyên tố oxygen chiếm phần trăm lớn nhất là 45%.

Củng cố kiến thức
Vì sao trong vỏ Trái Đất sáu nguyên tố kim loại (được nhắc đến ở Hình 31.1) không tồn tại dưới dạng đơn chất mà chủ yếu ở dạng hợp chất có trong các quặng?

❖ Phương pháp giải:
Dựa vào tính chất hóa học của 6 kim loại.
❖ Lời giải chi tiết:
6 nguyên tố kim loại (được nhắc đến ở Hình 31.1) không tồn tại dưới dạng đơn chất mà chủ yếu ở dạng hợp chất có trong các quặng do các kim loại này đều có mức độ hoạt động hóa học mạnh nên sẽ phản ứng với các chất khác để tạo hợp chất.

Ghi nhớ
Vỏ Trái Đất bao gồm một số khoáng chất được tạo nên từ các nguyên tố như oxygen, silicon, sắt, magnesium, nhôm, ... Trong số các nguyên tố đó, oxygen và silicon là những nguyên tố có hàm lượng lớn trong vỏ Trái Đất.

2. CÁC DẠNG CHẤT CHỦ YẾU TRONG VỎ TRÁI ĐẤT

➲ Phân loại các dạng chất chủ yếu trong vỏ Trái Đất

Trong vỏ Trái Đất, các nguyên tố hoá học tồn tại chủ yếu ở dạng các hợp chất như oxide, muối và một số ít đơn chất kim loại, phi kim. Hình 31.2 dưới đây minh hoạ cho một số dạng chất chủ yếu có trong vỏ Trái Đất.

Thảo luận
Câu hỏi 3.
Hãy cho biết các dạng chất chủ yếu có trong vỏ Trái Đất có thể chia thành những dạng nào. Lấy ví dụ minh hoạ.

❖ Phương pháp giải:
Dựa vào phân loại các dạng chất chủ yếu trong vỏ Trái Đất.
❖ Lời giải chi tiết:
- Trong vỏ Trái Đất, các nguyên tố hóa học tồn tại chủ yếu ở dạng các hợp chất như oxide, muối và một số ít đơn chất kim loại, phi kim.
- Ví dụ: mỏ muối (thành phần chính là NaCl), quặng bauxite (thành phần chính là Al2O3), quặng chứa vàng, …

3. KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN TÀI NGUYÊN TRONG VỎ TRÁI ĐẤT

➲ Tìm hiểu việc khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vỏ Trái Đất nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững

- Việc khai thác các nguồn nhiên liệu từ vỏ Trái Đất như dầu mỏ, khí đốt, than đá, ... nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho đời sống và sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nguồn nguyên liệu như kim loại, khoáng sản, ... được khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu vật liệu cho sản xuất, xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Khai thác tài nguyên trong vỏ Trái Đất một cách hợp lí cũng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống cho người dân.
- Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững chúng ta nên tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên, sử dụng vật liệu tái chế, ... nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Ví dụ, việc tiết kiệm điện năng giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc sử dụng vật liệu tái chế giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu lượng rác thải, bảo vệ môi trường.

Thảo luận
Câu hỏi 4.
Theo em, việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở vỏ Trái Đất đem lại lợi ích gì cho con người. Lấy ví du minh hoạ.

❖ Phương pháp giải:
Dựa vào việc khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vỏ Trái Đất.
❖ Lời giải chi tiết:
- Việc khai thác tài nguyên trong vỏ Trái Đất mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội cho con người.
+ Việc khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá, … nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho đời sống và sản xuất, thúc đẩy kinh tế.
+ Khai thác các nguồn nguyên liệu kim loại, khoáng sản, … đáp ứng nhu cầu vật liệu cho sản xuất, xây dựng, góp phần năng cao chất lượng cuộc sống.

Thảo luận
Câu hỏi 5.
Vì sao việc tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên lại phục vụ cho sự phát triển bền vững?

❖ Phương pháp giải:
Dựa vào việc khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vỏ Trái Đất.
❖ Lời giải chi tiết:
Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững chúng ta nên tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên, sử dụng vật liệu tái chế, ... nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Ví dụ, việc tiết kiệm điện năng giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc sử dụng vật liệu tái chế giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu lượng rác thải, bảo vệ môi trường.

Củng cố kiến thức
Vì sao tài nguyên, khoáng sản lại có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia?

❖ Phương pháp giải:
Dựa vào lợi ích kinh tế từ việc khai thác và bảo vệ tài nguyên.
❖ Lời giải chi tiết:
Tài nguyên, khoáng sản có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của một quốc gia vì nó mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội của con người.
+ Cung cấp nguồn năng lượng cho sinh hoạt và sản xuất.
+ Đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất.
+ Tạo thêm việc làm,...

Vận dụng kiến thức
Là học sinh, em có những hành động gì để góp phần tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản cho đất nước?

❖ Phương pháp giải:
Dựa vào việc bảo vệ tài nguyên trong vỏ Trái Đất.
❖ Lời giải chi tiết:
Là học sinh, em có những hành động để góp phần tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản cho đất nước như: + Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. + Tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng. + Sử dụng vật liệu tái chế,...

Ghi nhớ
• Khai thác tài nguyên trong vỏ Trái Đất mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội con Thái Đất mang lại nhiều lợi người.
• Bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên trong vỏ Trái Đất là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

BÀI TẬP

Đang cập nhật

SÁCH HỌC SINH (bản in thử)

Post a Comment

Previous Post Next Post