A. TÓM TẮT LÝ THUYẾT
I. Trao đổi chất ở tế bào
Tế bào luôn thực hiện trao đổi chất để duy trì sự sống.
Trao đổi chất ở tế bào thực chất là tập hợp các phản ứng hóa học diễn ra trong tế bào và trao đổi chất giữa tế bào với môi trường.
Gồm 2 mặt là đồng hóa và dị hóa.
Quá trình trao đổi chất qua màng sinh chất là quá trình vận chuyển có chọn lọc các chất giữa tế bào và môi trường, gồm 3 hình thức: vận chuyển chủ động, vận chuyển thụ động và xuất - nhập bào.
II. Sự vận chuyển các chất qua màng sinh chất
1. Vận chuyển thụ động
Vận chuyển thụ động được thông qua hai con đường: khuếch tán trực tiếp qua lớp phospholipid kép (khuếch tán đơn giản) và khuếch tán nhờ cac kênh protein trên màng (khuếch tán tăng cường).
Nước được thẩm thấu qua màng nhờ kênh protein đặc biệt tên aquaporin.
Tốc độ vận chuyển thụ động các chất qua màng phụ thuộc vào: nhiệt độ, nồng độ chất tan, số lượng kênh protein ... Trong đó, nồng độ chất tan đóng vai trò quan trọng nhất.
Dựa vào sự chênh lệch nồng độ chất tan của môi trường với trong tế bào, người ta chia môi trường thành 3 loại: ưu trương, nhược trương và đẳng trương.
2. Vận chuyển chủ động
Là kiểu vận chuyển qua màng từ nơi có nồng độ chất tan thấp tới nơi có nồng độ chất tan cao (ngược chiều gradient nồng độ) và cần tiêu tốn năng lượng.
Các phân tử được vận chuyển qua bơm protein, muốn bơm hoạt động, tế bào phải cung cấp cho nó ATP.
Vận chuyển chủ động giúp tế bào lấy được các chất cần thiết ngay cả khi chúng có nồng độ thấp hơn bên trong tế bào.
Trong quá trình vận chuyển chủ động, các chất có thể được khuếch tán qua lớp kép phospholipid hoặc qua kênh protein vận chuyển.
3. Xuất bào và nhập bào
Là hình thức vận chuyển các đại phân tử như protein, đường đa, DNA, … không thể đi qua protein xuyên màng. Tế bào vận chuyển các chất này thông qua sự biến dạng của màng sinh chất.
Thực bào thường thấy ở vi khuẩn, trùng roi, amip ... hay các tế bào bạch cầu thực bào vật lạ, hoặc ở các tế bào niêm mạc ruột hấp thụ các chất dinh dưỡng nhờ ẩm bào