MỤC TIÊU
- Nêu được một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều hoà, điều khiển sinh sản ở sinh vật.
- Vận dụng được những hiểu biết về sinh sản hữu tính trong thực tiễn và chăn nuôi (thụ phấn nhân tạo, điều khiển số con, giới tính). Giải thích được vì sao phải bảo vệ một số loài côn trùng thụ phấn cho cây.
TÓM TẮT KIẾN THỨC
💡 Mở đầu
Trên cơ sở khoa học của sinh sản hữu tính ở sinh vật, con người đã tạo nên nhiều giống vật nuôi và cây trồng theo ý muốn. Thực tế, để điều khiển sinh sản ở sinh vật nhằm đảm bảo trong một lần sinh sản, số cá thể mới được sinh ra nhiều, con người đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật và điều hoà sinh sản. Đó là những yếu tố nào?
Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật:
- Yếu tố môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió, thức ăn,…
- Yếu tố bên trong: hormone.
1. MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SINH SẢN VÀ ĐIỀU HOÀ, ĐIỀU KHIỂN SINH SẢN Ở SINH VẬT
Sinh sản ở sinh vật chịu sự tác động của một số yếu tố môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, gió, độ ẩm, thức ăn và yếu tố bên trong cơ thể như hormone sinh sản, di truyền.
1.1. Tìm hiểu một số yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật
- Các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió, thức ăn, ... ảnh hưởng đến sinh sản của thực vật và động vật.
- Ở thực vật, nhiệt độ, độ ẩm, gió ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt phấn, sự sinh trưởng của hạt phấn, ...
- Ví dụ:
+ Yếu tố nhiệt độ: Nhiệt độ quá thấp hạt phấn kém nảy mầm, ống phấn không sinh trưởng; nhiệt độ quá cao thì sự nảy mầm và sinh trưởng của ống phấn không bình thường.
Chuột nhắt trắng (Mus musculus) nuôi trong phòng thí nghiệm sinh sản mạnh ở nhiệt độ 18 °C; khi nhiệt độ tăng quá 30 °C, mức sinh sản giảm xuống thậm chí dừng hẳn lại.
+ Yếu tố độ ẩm: Độ ẩm quá thấp hạt phấn không nảy mầm; độ ẩm quá cao hạt phấn bị trôi.
+ Yếu tố gió: Đối với cây thụ phấn nhờ gió, tốc độ gió vừa phải thuận lợi cho thụ phấn; gió to hạt phấn bị bay mất.
+ Yếu tố thức ăn: Ở cóc, mùa sinh sản vào khoảng tháng 4 hằng năm. Sau sinh sản, khối lượng hai buồng trứng ở cóc giảm. Sau tháng 4, nếu nguồn thức ăn dồi dào, khối lượng buồng trứng tăng, cóc có thể đẻ tiếp lứa thứ hai trong năm.
👨👩👧👦 Thảo luận
1. Đọc đoạn thông tin và quan sát Hình 38.1, hãy nêu một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật là: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió, thức ăn, hormone,…
👨👩👧👦 Thảo luận
2. Yếu tố bên trong nào tác động đến sinh sản ở sinh vật?
Yếu tố bên trong tác động đến sinh sản ở sinh vật là: hormone. Hormone là yếu tố điều hòa sinh sản ở sinh vật, cụ thể hormone điều hòa sự phát sinh giao tử đực và giao tử cái.
1.2. Tìm hiểu yếu tố điều hoà sinh sản ở sinh vật
- Hormone là yếu tố bên trong ảnh hưởng trực tiếp đến sinh sản ở sinh vật. Ngoài ra, tuỳ thuộc mỗi loài có đặc điểm sinh sản khác nhau về độ tuổi sinh sản, mùa vụ sinh sản và trung bình số con trong một lứa đẻ, con người đã ứng dụng hormone vào điều khiển sinh sản ở vật nuôi và cây trồng.
- Quá trình sinh sản ở sinh vật được diễn ra định kì ở mỗi loài là do hormone điều hoà sinh sản. Ở thực vật có hormone kích thích sự nở hoa (hormone florigen). Ở động vật có hormone điều khiển sự phát sinh giao tử đực và giao tử cái.
👨👩👧👦 Thảo luận
3. Em hãy nêu một số yếu tố điều hoà, điều khiển sinh sản ở sinh vật.
Một số yếu tố điều hoà, điều khiển sinh sản ở vi sinh vật là:
- Yếu tố môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió, thức ăn,…
- Yếu tố bên trong: hormone.
👨👩👧👦 Thảo luận
4. Quan sát Hình 38.1, hãy cho biết con người đã điều hoà, điều khiển sinh sản ở sinh vật như thế nào. So sánh kết quả sinh sản ở Hình 38.1 và 38.2.
- Con người đã điều hoà và điều khiển sinh sản ở sinh vật qua thời kì chăm sóc cá bố mẹ và giai đoạn kích thích điều khiển sinh sản:
+ Nuôi vỗ cá bố mẹ: bổ sung nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng, giúp cá bố mẹ đạt kích thước lớn, sinh sản nhanh và chất lượng tốt.
+ Giai đoạn sinh sản: con người chủ động tiêm hormone sinh sản nhằm kích thích quá trình rụng trứng và xuất tinh của cá, đảm bảo tỉ lệ thụ tinh cao nhất.
- So sánh kết quả sinh sản: Khi sử dụng các yếu tố điều hòa, điều khiển sinh sản, cá đẻ trứng và tỉ lệ trứng được thụ tinh (đạt 80 – 90 %) cao hơn so với cá cho sinh sản thông thường (tỉ lệ thụ tinh chỉ đạt khoảng 40 %).
1.3. Tìm hiểu yếu tố điều khiển sinh sản ở sinh vật
Thực tế, con người đã chủ động tác động lên sinh vật một số yếu tố nhằm điều khiển sự sinh sản và đạt được mục đích mong muốn trong trồng trọt, chăn nuôi như tạo ra nhiều con giống trong thời gian ngắn; điều khiển thời gian ra hoa, khả năng đậu quả,...
✍️ Ghi nhớ
• Yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật bao gồm: các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, thức ăn, gió, ...; yếu tố bên trong cơ thể sinh vật như hormone, loài.
• Hormone là yếu tố điều hoà sinh sản ở sinh vật, cụ thể hormone điều hoà sự phát sinh giao tử đực và giao tử cái.
• Dựa vào một số yếu tố như hormone và yếu tố môi trường, con người đã chủ động điều khiển quá trình sinh sản của sinh vật nhằm đạt được mục đích về năng suất và chất lượng của vật nuôi, cây trồng.
2. VẬN DỤNG NHỮNG HIỂU BIẾT VỀ SINH SẢN HỮU TÍNH TRONG THỰC TIỄN
Tìm hiểu vận dụng những hiểu biết về sinh sản hữu tính ở sinh vật trong thực tiễn
- Thụ phấn nhân tạo do con người thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao về tỉ lệ thụ phấn, thụ tinh, tạo quả. Ở cà chua (vụ Xuân Hè), con người thụ phấn cho hoa ở các thời điểm chiếu sáng trong ngày cho tỉ lệ đậu quả khác nhau.
- Trong chăn nuôi, con người thực hiện thụ tinh nhân tạo nhằm điều khiển số con sinh ra hoặc điều khiển giới tính của vật nuôi.
➲ Điều khiển số con sinh ra:
Ở động vật, biện pháp thụ tinh nhân tạo thường được sử dụng nhằm tăng hiệu quả thụ tinh và điều khiển số con sinh ra trong một lứa. Ví dụ: Con người chủ động sản xuất giống cá hồi bằng thụ tinh nhân tạo để tạo ra nguồn giống trong nuôi thương phẩm.
➲ Điều khiển giới tính:
Trong chăn nuôi, muốn tăng nhanh đàn gia súc, thu hoạch nhiều trứng, sữa, cần tăng số lượng con cái. Muốn thu nhiều thịt, tơ tằm, ... cần tăng số lượng con đực.
👨👩👧👦 Thảo luận
5. Quan sát Hình 38.3, hãy nêu biện pháp điều khiển sinh sản ở sinh vật.
Một số biện pháp điều khiển sinh sản ở sinh vật:
- Thụ phấn nhân tạo: Con người chủ động thực hiện việc thụ phấn cho cây nhằm đạt hiệu quả cao về tỉ lệ thụ phấn, thụ tinh, tạo quả.
- Thụ tinh nhân tạo: Trong chăn nuôi, con người thực hiện thụ tinh nhân tạo nhằm điều khiển số con sinh ra hoặc điều khiển giới tính của vật nuôi.
👨👩👧👦 Thảo luận
6. Quan sát các hình từ Hình 38.3 đến Hình 38.6, hãy nêu những ứng dụng của sinh sản hữu tính trong chăn nuôi, trồng trọt.
Những ứng dụng của sinh sản hữu tính trong chăn nuôi, trồng trọt:
- Thụ phấn nhân tạo giúp tỉ lệ đậu quả đạt tối đa: thụ phấn cho cây có hoa đơn tính như cây dưa chuột, cây cà chua,…
- Thụ tinh nhân tạo cho động vật đảm bảo số con sau sinh nhiều và điều khiển giới tính đàn con: thụ tinh nhân tạo ở cá hồi, điều khiển giới tính ở đàn cá rô phi,…
👨👩👧👦 Thảo luận
7. Hãy nêu vai trò của điều khiển giới tính đàn con trong chăn nuôi.
Việc điều khiển giới tính ở đàn con trong chăn nuôi giúp đạt được mục đích sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất:
- Điều khiển giới tính cái ở đàn con trong chăn nuôi nhằm tăng nhanh đàn vật nuôi, thu hoạch nhiều trứng, sữa,…
- Điều khiển giới tính đực ở đàn con trong chăn nuôi nhằm thu hoạch nhiều thịt, tơ tằm,…
📝 Củng cố
Lấy ví dụ về một số loài cây trồng thường được thụ phấn nhân tạo và thụ phấn nhờ côn trùng.
Một số loài cây trồng thường được thụ phấn nhân tạo: Cây mướp, cây bầu, cây bí, cây bí ngô, cây dưa chuột,…
♻️ Vận dụng
Theo em, người nông dân thường nuôi ong trong các vườn cây ăn quả để làm gì? Vì sao chúng ta cần phải bảo vệ những loài côn trùng có lợi?
✍️ Ghi nhớ
• Con người đã sử dụng một số loại hormone sinh sản và điều chỉnh yếu tố môi trường nhằm điều khiển sinh sản ở sinh vật sinh sản hữu tính.
• Trong chăn nuôi, sử dụng một số biện pháp điều khiển sinh sản để được đàn vật nuôi theo ý muốn như: điều khiển số con, điều khiển giới tính, ...
•Trong trồng trọt, sử dụng biện pháp thụ phấn nhân tạo nhằm tăng hiệu quả sinh sản (tạo nhiều quả).
BÀI TẬP
✍️ Bài tập
1. Lấy ví dụ chứng tỏ rằng yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật.
- Yếu tố nhiệt độ: Nhiệt độ quá thấp hạt phấn kém nảy mầm, ống phấn không sinh trưởng; nhiệt độ quá cao thì sự nảy mầm và sự sinh trưởng của ống phấn không bình thường.
- Yếu tố độ ẩm: Độ ẩm quá thấp hạt phấn không nảy mầm; độ ẩm quá cao hạt phấn bị trôi.
- Yếu tố gió: Đối với cây thụ phấn nhờ gió, tốc độ gió vừa phải thuận lợi cho thụ phấn.
- Yếu tố thức ăn: Ở cóc, mùa sinh sản vào khoảng tháng 4 hằng năm. Sau sinh sản, khối lượng hai buồng trứng ở cóc giảm. Sau tháng 4, nếu nguồn thức ăn dồi dào, khối lượng buồng trứng tăng, cóc có thể đẻ tiếp lứa thứ hai trong năm.
✍️ Bài tập
2. Con người chủ động điều khiển sinh sản ở động vật trong những giai đoạn nào? Cho ví dụ minh hoạ.
- Con người chủ động điều khiển sinh sản ở động vật trong 2 giai đoạn là giai đoạn nuôi vỗ con đực và con cái và giai đoạn kích thích sinh sản.
- Ví dụ: Điều khiển sinh sản ở cá bằng cách bổ sung thức ăn cho bố mẹ, sau đó tiêm hormone sinh sản vào, kết quả trứng thụ tinh đạt khoảng 80 – 90%.
✍️ Bài tập
3. Nêu ý nghĩa của việc điều khiển giới tính ở đàn con trong chăn nuôi.
Việc điều khiển giới tính ở đàn con trong chăn nuôi giúp đạt được mục đích sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất:
- Điều khiển giới tính cái ở đàn con trong chăn nuôi nhằm tăng nhanh đàn vật nuôi, thu hoạch nhiều trứng, sữa,…
- Điều khiển giới tính đực ở đàn con trong chăn nuôi nhằm thu hoạch nhiều thịt, tơ tằm,…