MỤC TIÊU
Dựa vào sơ đồ mối quan hệ giữa tế bào - cơ thể - môi trường và sơ đồ quan hệ giữa các hoạt động sống: trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng - sinh trưởng, phát triển - cảm ứng - sinh sản, chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.
TÓM TẮT KIẾN THỨC
💡 Mở đầu
Chạy bộ là một hoạt động vận động tích cực và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể. Trong quá trình chạy bộ, hoạt động trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ. Nếu duy trì tích cực hoạt động này thì cơ thể sẽ phát triển cân đối. Vậy các hoạt động sống trong cơ thể có mối quan hệ như thế nào là đại đảm bảo cho cơ thể thống nhất và phát triển toàn vẹn?
Các hoạt động sống trong cơ thể bao gồm trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản. Các hoạt động này có mối quan hệ chặt chẽ, trong đó: Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp vật chất và năng lượng đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng. Ngược lại, các quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản và cảm ứng có tác động trở lại đối với quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sinh vật.
1. MỐI QUAN HỆ GIỮA TẾ BÀO VỚI CƠ THỂ VÀ MÔI TRƯỜNG
Tìm hiểu mối quan hệ giữa tế bào – cơ thể – môi trường
- Mọi cơ thể sống từ đơn bào đến đa bào đều được cấu tạo từ tế bào. Sự thống nhất về mặt cấu trúc trong cơ thể đa bào thể hiện qua các cấp độ tổ chức tế bào mô - cơ quan - hệ cơ quan - cơ thể.
- Phần lớn hoạt động sống của cơ thể diễn ra ở tế bào, ngay cả khi cơ thể cấu tạo chỉ từ một tế bào thì chúng vẫn đảm bảo đầy đủ các chức năng sống. Cơ thể đơn bào có màng tế bào giúp bảo vệ các thành phần bên trong tế bào và ngăn cách với môi trường bên ngoài, đồng thời thực hiện quá trình trao đổi chất với môi trường bên ngoài.
- Cơ thể trao đổi các chất với môi trường, sau đó chuyển đến tế bào để thực hiện trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, giúp tế bào lớn lên, sinh sản, cảm ứng. Song song với quá trình đó, các hoạt động sống được thực hiện ở cấp độ cơ thể.
- Trong cơ thể đa bào, mỗi loại tế bào thực hiện chức năng nhất định thông qua các tổ chức mô, cơ quan, hệ cơ quan. Đồng thời các tổ chức phối hợp hoạt động chặt chẽ giúp cơ thể thực hiện các hoạt động sống nhịp nhàng.
👨👩👧👦 Thảo luận
1. Hãy lấy ví dụ chứng tỏ rằng một tế bào có thể đảm nhận chức năng của một cơ thể sống.
Cơ thể đơn bào như trùng giày, amip chỉ cấu tạo từ một tế bào nhưng tế bào đó đảm bảo sự trao đổi chất giữa tế bào với môi trường giúp cơ thể thực hiện các hoạt động sống như lớn lên, sinh sản.
👨👩👧👦 Thảo luận
2. Vẽ sơ đồ về mối quan hệ giữa tế bào/ cơ thể – môi trường đối với cơ thể đơn bào.
📝 Củng cố
Chứng minh rằng cơ thể đơn bào (có cấu tạo tế bào nhân sơ hay nhân thực) là một cơ thể thống nhất.
Cơ thể đơn bào (có cấu tạo tế bào nhân sơ hay nhân thực) là một cơ thể thống nhất vì:
- Mỗi tế bào cấu trúc nên một cơ thể: tế bào vi khuẩn → cơ thể vi khuẩn; tế bào trùng giày → cơ thể trùng giày;…
- Tế bào đó vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các chức năng sống như trao đổi chất, cảm ứng, lớn lên, sinh sản đồng thời có mối qua hệ mật thiết với môi trường: Tế bào/cơ thể trao đổi các chất với môi trường thông qua màng tế bào, sau đó thực hiện trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, giúp tế bào/cơ thể lớn lên, sinh sản, cảm ứng.
👨👩👧👦 Thảo luận
3. Quan sát Hình 39.2, hãy nêu mối quan hệ giữa tế bào – cơ thể – môi trường thông qua hoạt động trao đổi chất ở thực vật.
Mối quan hệ giữa tế bào – cơ thể – môi trường thông qua hoạt động trao đổi chất ở thực vật: Cơ thể thực vật lấy nước, các chất khoáng, các chất khí từ môi trường cung cấp cho tế bào giúp tế bào thực hiện được quá trình trao đổi chất để lớn lên, sinh sản và cảm ứng, từ đó cơ thể thực vật thực hiện được các hoạt động sống. Đồng thời, các sản phẩm thải trong các hoạt động sống của cây như khí oxygen từ quang hợp và carbon dioxide từ hô hấp tế bào,… được thải ra ngoài môi trường.
✍️ Ghi nhớ
Tế bào vừa là đơn vị cấu trúc, vừa là đơn vị chức năng của cơ thể sống. Mọi hoạt động sống trong cơ thể sinh vật đều diễn ra trong tế bào, giúp cho cơ thể sinh trưởng, phát triển và thích nghi với môi trường ngoài.
2. MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC HOẠT ĐỘNG SỐNG TRONG CƠ THỂ
Chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất
Tất cả các cơ thể sống đều có những đặc trưng nhất định để phân biệt với các dạng không sống khác, bao gồm: trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản. Mọi hoạt động sống của cơ thể là tổng hợp các hoạt động sống của tế bào. Các hoạt động sống trong cơ thể có mối quan hệ qua lại lẫn nhau, đảm bảo sự thống nhất toàn vẹn giúp cơ thể tồn tại và phát triển.
👨👩👧👦 Thảo luận
4. Quan sát Hình 39.3, hãy mô tả mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể.
Các hoạt động sống trong cơ thể gồm trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, cảm ứng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau:
- Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng giúp tổng hợp các chất dinh dưỡng, dự trữ năng lượng giúp cơ thể cảm ứng, lớn lên, sinh trưởng, phát triển.
- Ngược lại, các quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản và cảm ứng có tác động tương tác với nhau và tác động trở lại đối với quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sinh vật.
👨👩👧👦 Thảo luận
5. Trong cơ thể sống, hoạt động trao đổi chất diễn ra không bình thường ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động sống khác?
- Trong cơ thể sống, hoạt động trao đổi chất diễn ra không bình thường thì việc cung cấp vật chất và năng lượng cho toàn bộ hệ thống các hoạt động sống trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng khiến tất cả các hoạt động sống này đều bị rối loạn.
- Ví dụ: Thiếu nguồn dinh dưỡng, tế bào phân chia kém, cây sinh trưởng và phát triển chậm, sinh sản không đúng chu kì.
📝 Củng cố
Lấy ví dụ về tính thống nhất trong cơ thể sinh vật phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các hoạt động sống.
"Căng da bụng trùng da mắt" khi ăn no chúng ta thường buồn ngủ và không muốn làm việc do khi ăn no, hệ thần kinh huy động các tế bào thần kinh và máu tập trung về dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Khi đó sự hoạt động của hệ thần kinh các vùng khác giảm nên giảm bớt các hoạt động bên ngoài và khiến chúng ta không muốn làm việc gì khác nữa.
♻️ Vận dụng
Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em là do hoạt động sống nào chi phối? Giải thích.
- Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em là do hoạt động sống trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng chi phối.
- Giải thích: Suy dinh dưỡng là một dạng bệnh lí thường gặp ở trẻ em có độ tuổi từ 0 – 5 tuổi, nguyên nhân chính là do quá trình trao đổi chất bị rối loạn, quá trình chuyển hóa năng lượng ở tế bào và cơ thể diễn ra không đồng đều, làm ảnh hưởng đến sự lớn lên và phân chia của tế bào, khiến cho cơ thể sinh trưởng và phát triển không cân đối. Mặt khác, điều kiện về nguồn dinh dưỡng cung cấp cho trẻ bị thiếu cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
📖 Mở rộng
Ung thư phổi là một căn bệnh, khi một người mắc bệnh này, một số tế bào ở phổi phát triển không kiểm soát và lan sang toàn lá phổi hoặc các mô, cơ quan khác trong cơ thể. Hậu quả làm phá vỡ mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong trên toàn thế giới.
✍️ Ghi nhớ
Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất thể hiện ở mối quan hệ giữa tế bào – cơ thể – môi trường và mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể.
BÀI TẬP
✍️ Bài tập
1. Lấy ví dụ chứng minh mối quan hệ giữa tế bào – cơ thể – môi trường khi em tham gia một cuộc chạy đua.
Chạy bộ là một hoạt động vận động tích cực và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể. Khi chạy, hệ vận động làm việc với cường độ lớn đòi hỏi các hoạt động trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở tế bào tăng lên nhiều lần. Khi đó, nhu cầu tiếp nhận chất dinh dưỡng, khí oxygen và nhu cầu đào thải các chất thải, khí carbon dioxide của tế bào tăng lên khiến các hệ cơ quan khác của cơ thể như hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết,… đều tăng cường hoạt động. Nhờ sự phối hợp hoạt động của các hệ cơ quan, tế bào có đủ năng lượng để hoạt động tạo nên sự vận động của cơ thể đồng thời các chất thải như carbon dioxide, nhiệt, mồ hôi,… được thải ra môi trường.
✍️ Bài tập
2. Khi ăn cơm, những cơ quan, hệ cơ quan nào trong cơ thể của em hoạt động? Em hãy nêu mối quan hệ giữa các hoạt động đó.
- Khi ăn cơm, thức ăn đi qua khoang miệng và xuống các phần khác của hệ tiêu hóa (dạ dày, ruột).
- Mối quan hệ giữa các hoạt động: Hoạt động thu nhận và tiêu hóa thức ăn sẽ cung cấp nguyên liệu cho quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng giúp cơ thể thực hiện các hoạt động sống khác như lớn lên, sinh trưởng, phát triển,… Thức ăn là tác nhân giúp kích thích cơ thể ăn nhiều/ ít, tạo yếu tố thuận lợi cho tiêu hóa, hỗ trợ quá trình chuyển hóa vật chất diễn ra tốt hơn.