TÓM TẮT LÝ THUYẾT
A. CACBONHIDRAT
I. THÀNH PHẦN CẤU TẠO
Cacbohidrat là hợp chất hữu cơ được cấu tạo chủ yếu từ 3 nguyên tố C, H, O .
II. CÁC LOẠI CACBONHIDRAT
Cacbohidrat cấu tạo theo nguyên tắc đa phân, bao gồm các loại: đường đơn, đường đôi và đường đa.
III. CHỨC NĂNG
Cacbohiđrat có các chức năng chính sau:
- Là nguồn năng lượng dự trữ của tế bào và cơ thể. Ví dụ, đường lactôzơ là đường sữa, glicôgen là nguồn dự trữ năng lượng ngắn hạn. Tinh bột là nguồn năng lượng dự trữ trong cây.
- Cấu tạo nên tế bào và các bộ phận của cơ thể. Xenlulôzơ là loại đường cấu tạo nên thành tế bào thực vật, kitin cấu tạo nên thành tế bào nấm và bộ xương ngoài của nhiều loài côn trùng hay một số loài động vật khác (giáp xác).
Cacbohiđrat liên kết với prôtêin tạo nên các phân tử glicôprôtêin là những bộ phận cấu tạo nên các thành phần khác nhau của tế bào.
B. LIPIT
I. CẤU TẠO
Cấu tạo từ 3 nguyên tố C, H, O (nhưng tỉ lệ H và O khác tỉ lệ của cacbohidrat) được nối với nhau bằng các liên kết hoá trị không phân cực → có tính kỵ nước.
II.CÁC LOẠI LIPIT
Lipit chia thành 2 nhóm lớn:
+ Lipit đơn giản: Là este của rượu và axit béo bao gồm mỡ, dầu và sáp
+ Lipit phức tạp: Trong phân tử ngoài 2 thành phần trên ra còn có thêm nhóm photphat bao gồm photpholipit, steroit (colesterol, axit mật, ostrogen, progesteron..)
1. Mỡ, dầu và sáp (lipit đơn giản)
Mỡ: được hình thành do một phân tử glixêrol (một loại rượu 3 cacbon) liên kết với 3 axit béo. Mỗi axit béo thường gồm 16 – 18 nguyên tử cacbon (C).
Mỡ ở động vật thường chứa các axit béo no.
Mỡ ở thực vật chứa axit béo không no gọi là dầu.
Sáp: được cấu tạo từ một đơn vị nhỏ axit béo liên kết với một rượu mạch dài (thay cho glixêrol)
Chức năng: Dự trữ năng lượng cho tế bào.
Hình 1: Cấu tạo hoá học của mỡ
2. Photpholipit và stêrôit (lipit phức tạp)
Photpholipit có cấu trúc gồm 2 phân tử axit béo liên kết với 1 phân tử glixêrol, vị trí thứ 3 của phân tử glixêrol liên kết với nhóm phôtphat, nhóm này nối glixêrol với 1 ancol phức (côlin hay axêtylcôlin).
Photpholipit có tính lưỡng cực: đầu ancol phức ưa nước và đuôi kị nước.
Chức năng: Thành phần cấu tạo màng sinh chất
Hình 2: Cấu tạo hoá học của photpholipit
Stêrôit: Là lipit có cấu trúc mạch vòng, có tính chất lưỡng cực
Ví dụ: Cholesteron làm nguyên liệu cấu trúc nên màng sinh chất. Các steroit khác có lượng nhỏ nhưng hoạt động như một hoocmon hoặc vitamin.
Chức năng: Cấu tạo nên màng sinh chất và 1 số hoocmôn.
Hình 3: Cấu tạo hoá học của cholesteron
III. CHỨC NĂNG CỦA LIPIT
- Là thành phần quan trong cấu trúc nên màng các sinh học (photpholipit, côlestêrôn).
- Là nguồn dự trữ năng lượng cho tế bào (mỡ, dầu), dự trữ nước rất tốt.
- Tham gia vào điều hoà quá trình trao đổi chất (các loại hoocmôn có bản chất là stêrôit như ơstrôgen, các loại sắc tố như diệp lục, một số loại vitamin A, D, E, K cũng là một dạng lipit)....