MỤC TIÊU
- Nêu được khái niệm nhiên liệu hoá thạch.
- Trình bày được lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch và thực trạng của việc khai thác nhiên liệu hoá thạch hiện nay.
- Nêu được một số giải pháp hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
TÓM TẮT KIẾN THỨC
Khởi động
Được phát hiện và sử dụng phổ biến từ rất lâu, nhiên liệu hoá thạch đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng không có kế hoạch làm cho trữ lượng nguồn nhiên liệu ngày một cạn kiệt. Nhiên liệu hoá thạch là gì? Thực trạng khai thác nhiên liệu hoá thạch hiện nay như thế nào? Có những giải pháp nào hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch?
❖ Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức về nguyên vật liệu trong Khoa học tự nhiên 6.
❖ Lời giải chi tiết:
- Nhiên liệu hoá thạch là nguồn nhiên liệu hữu hạn, được tạo thành từ quá trình phân hủy xác sinh vật bị chôn vùi cách đây hàng trăm triệu năm.
- Thực trạng khai thác: con người đã khai thác và sử dụng một lượng rất lớn nhiên liệu hoá thạch.
- Giải pháp hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch:
+ Con người có ý thức giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
+ Tăng cường sử dụng các nguồn năng xanh, sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, …
+ Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân thay vào đó sử dụng phương tiện công cộng.
+ …
1. NHIÊN LIỆU HOÁ THẠCH
➲ Trình bày khái niệm nhiên liệu hoá thạch
Hiện nay, con người vẫn đang khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than mỏ, dầu mỏ, khí mỏ dầu, khí thiên nhiên để cung cấp nhiên liệu phục vụ trong đời sống và sản xuất. Dầu mỏ (hoặc dầu thô), than đá, khí mỏ dầu và khí thiên nhiên được gọi chung là nhiên liệu hoá thạch.Nhiên liệu hoá thạch là nguồn tài nguyên hữu hạn. Trong khoảng thời gian ngắn của sự phát triển công nghiệp, con người đã tiêu thụ nhanh chóng một lượng lớn nhiên liệu hoá thạch, trong khi phải mất hàng trăm triệu năm để tạo ra các nhiên liệu hoá thạch đó.
Thảo luận
Câu hỏi 1. Hãy cho biết trong gia đình em đang sử dụng nhiên liệu hoá thạch nào?
❖ Phương pháp giải:
Dựa vào khái niệm nhiên liệu hoá thạch.
❖ Lời giải chi tiết:
Gia đình em đang sử dụng khí gas là nhiên liệu hoá thạch.
Củng cố kiến thức
Các nguồn nhiên liệu hoá thạch sẽ ra sao nếu con người vẫn tiếp tục khai thác ồ ạt như hiện nay? Có thể tái tạo các nguồn nhiên liệu hoá thạch này không?
❖ Phương pháp giải:
Dựa vào thực trạng khai thác và sử dụng nhiên liệu hoá thạch hiện nay.
❖ Lời giải chi tiết:
- Các nhiên liệu hoá thạch là hữu hạn nên khi con người vẫn tiếp tục khai thác ồ ạt sẽ dần cạn kiệt.
- Không thể tái tạo nguồn nhiên liệu hoá thạch vì phải hàng trăm triệu năm mới tạo ra các nhiên liệu hoá thạch đó.
✍ Ghi nhớ
Nhiên liệu hoá thạch được tạo thành từ quá trình phân huỷ xác sinh vật bị chôn vùi cách đây hàng trăm triệu năm.
2. THỰC TRẠNG KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG NHIÊN LIỆU HOÁ THẠCH HIỆN NAY
➲ 2.1. Tìm hiểu lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch
Nhiên liệu hoá thạch là nguồn năng lượng chính của thế giới hiện nay. Việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch mang lại nhiều lợi ích cho đời sống con người, bao gồm:
• Cung cấp năng lượng cho nhiều hoạt động của con người: Nhiên liệu hoá thạch được sử dụng trong các phương tiện giao thông, nhà máy điện, hệ thống sưởi ấm, nấu nướng, ... góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.
• Cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp: Nhiên liệu hoá thạch được sử dụng để sản xuất nhựa, chất dẻo, phân bón, hoá chất, ... nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất của con người.
Thảo luận
Câu hỏi 2. Nhiên liệu hoá thạch được sử dụng trong đời sống như thế nào?
❖ Phương pháp giải:
Dựa vào lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
❖ Lời giải chi tiết:
Nhiên liệu hoá thạch được sử dụng dùng để cung cấp năng lượng cho nhiều hoạt động của con người, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp: sản xuất nhựa, chất dẻo, phân bón, hóa chất,…
Củng cố kiến thức
Vì sao nguồn nhiên liệu hoá thạch có đóng góp rất lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp trên toàn thế giới?
❖ Phương pháp giải:
Dựa vào lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
❖ Lời giải chi tiết:
Các nguồn nhiên liệu hoá thạch có đóng góp rất to lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp trên toàn thế giới vì trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, động cơ hơi nước dùng than là một phát minh nhảy vọt mang lại thành công bước đầu cho các phát minh sử dụng nhiên hoá thạch ra đời sau đó như động cơ phản lực, động cơ chạy xăng.
✍ Ghi nhớ
Nhiên liệu hoá thạch mang lại cho con người nhiều lợi ích về kinh tế và cung cấp phần lớn tổng năng lượng hiện có trên toàn thế giới.
➲ 2.2. Tìm hiểu thực trạng khai thác nhiên liệu hoá thạch hiện nay
Thực trạng khai thác nhiên liệu hoá thạch trên thế giới
Hiện nay, nhiên liệu hoá thạch vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu trên thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác nhiên liệu hoá thạch cũng đang gặp phải nhiều thách thức, bao gồm:
• Tình trạng cạn kiệt tài nguyên: Nhiên liệu hoá thạch là nguồn tài nguyên không tái tạo được. Theo ước tính, với tốc độ khai thác hiện nay (*), các nguồn nhiên liệu hoá thạch nhanh chóng cạn kiệt trong thời gian không xa.
• Gây ô nhiễm môi trường: Quá trình khai thác và sử dụng nhiên liệu hoá thạch tạo ra nhiều chất thải độc hại, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.
• Ảnh hưởng đến an ninh năng lượng: Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hoá thạch làm gia tăng rủi ro về an ninh năng lượng, khi các nguồn cung cấp nhiên liệu hoá thạch có thể bị gián đoạn do chiến tranh, thiên tai hoặc các yếu tổ khác.
(*) Theo Báo cáo thuyết minh xây dựng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Công Thương, năm 2017 khai thác than trên thế giới đạt mức sản lượng 7,55 tỉ tấn than, tổng khai thác dầu đạt mức 4,37 tỉ tấn (trung bình 95,3 triệu thùng/ngày), khai thác khí tự nhiên toàn cầu đạt mức kỉ lục 3 768 tỉ m3 (tăng 3,6% so với năm 2016).
Thảo luận
Câu hỏi 3. Em hãy cho biết thực trạng khai thác các nguồn nhiên liệu hoá thạch trên thế giới và tại Việt Nam.
❖ Phương pháp giải:
Dựa vào thực trạng khai thác nhiên liệu hóa thạch hiện nay.
❖ Lời giải chi tiết:
- Trên thế giới: Theo ước tính, với tốc độ khai thác hiện nay, các nguồn nhiên liệu nhanh chóng cạn kiệt trong thời gian không xa.
- Ở Việt Nam: Việc khai thác nhiên liệu hoá thạch ở Việt Nam đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn làm cho các loại nhiên liệu cũng đang dần cạn kiệt.
➲ 2.3. Thực trạng khai thác nhiên liệu hoá thạch tại Việt Nam
- Việt Nam là quốc gia có trữ lượng nhiên liệu hoá thạch khá lớn, bao gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá (**).
- Việc khai thác nhiên liệu hoá thạch ở Việt Nam đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc khai thác này cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, như ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai, ..., trữ lượng các loại nhiên liệu cũng đang dần cạn kiệt.
(**) Theo Báo cáo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm, tầm nhìn đến 2045 của Bộ Công thương, trữ lượng dầu thô của Việt Nam vào khoảng 4,4 tỉ thùng (hết năm 2013), trữ lượng khí thiên nhiên cũng khá cao với 704 tỉ mét khối khí và trữ lượng than là 47 623 triệu tấn (tính đến thời điểm 31/12/2020).
✍ Ghi nhớ
Nhiên liệu hoá thạch là nguồn năng lượng chủ yếu của thế giới hiện nay. Trữ lượng các loại nhiên liệu này đang dần cạn kiệt do việc khai thác nhiên liệu hoá thạch đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Việc khai thác này cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, như ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai, ...
3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ SỬ DỤNG NHIÊN LIỆU HOÁ THẠCH
➲ Tìm hiểu một số giải pháp hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch
Việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hoá thạch gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Để hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch, cần thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như:
• Tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt và sản xuất: Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc xe đạp thay vì sử dụng phương tiện xe máy, ô tô chạy bằng xăng, dầu.
• Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
• Thay đổi thói quen và hạn chế việc sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch thông qua việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng hiện đại, ...
Thảo luận
Câu hỏi 4. Vì sao cần phải đưa ra các giải pháp hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch?
❖ Phương pháp giải:
Nhiên liệu hoá thạch là nguồn năng lượng không thể tái tạo.
❖ Lời giải chi tiết:
Nguồn nhiêu liệu hoá thạch là nguồn tài nguyên không tái tạo được mà đây là nguồn nhiên liệu cung cấp chính cho con người sử dụng. Hiện nay, việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn nhiên liệu này đang dần khiến chúng bị cạn kiệt. Vì vậy, cần đưa ra các giải pháp hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Củng cố kiến thức
Nước ta đang sử dụng nguồn nhiên liệu nào thân thiện với môi trường để góp phần bảo vệ môi trường và giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch?
❖ Phương pháp giải:
Dựa vào một số giải pháp hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
❖ Lời giải chi tiết:
Nước ta đang sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối (biomass), xăng sinh học E5, nhiên liệu hydrogen hoá lỏng thân thiện với môi trường để góp phần bảo vệ môi trường và giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Vận dụng kiến thức
Xe điện là một trong các giải pháp thay thế hiệu quả cho một số phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường như hiện nay. Em hãy cho biết ưu và nhược điểm của việc sử dụng xe chạy bằng điện thay thế xe chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu.
❖ Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức thực tế của bản thân.
❖ Lời giải chi tiết:
- Ưu điểm: ít gây ô nhiễm không khí vì không sinh ra các khí độc, không sử dụng các nhiên liệu hoá thạch.
- Nhược điểm: các loại pin cho xe điện khi không còn được sử dụng khó xử lí, có chứa các loại kim loại độc như chì, asen,… gây các loại bệnh cho con người.
✍ Ghi nhớ
Hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch là việc làm cần thiết để bảo vệ môi trường, cụ thể là: sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng sinh ra từ nhiên liệu hoá thạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đi bộ, xe đạp, ...
BÀI TẬP
Đang cập nhật