KHTN6-CTST | Bài 24. Virus

MỤC TIÊU

- Mô tả được hình dạng và cấu tạo đơn giản của virus (gồm vật chất di truyền, lớp vỏ protein). Nhận dạng được virus chưa có cấu tạo tế bào.
- Nêu được vai trò của virus trong thực tiễn. Trình bày được một số bệnh do virus gây ra và nêu được một số biện pháp phòng chống bệnh do virus.

TÓM TẮT KIẾN THỨC

💡 Mở đầu
Thế giới đã trải qua sự bùng phát nhiều đại dịch lớn, dịch Ebola năm 2014 ở Tây Phi, đại dịch cúm H1N1 năm 2009 (hay còn gọi là cúm lợn). Năm 2019 là đại dịch Covid-19 gây nguy hiểm cho cộng đồng. Vậy đối tượng gây nên đại dịch đó là gì? Chúng ta cần làm gì để phòng chống đại dịch đó?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đối tượng gây nên các đại dịch trên là virus.
- Để phòng chống các đại dịch do virus gây ra, biệp pháp tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Nếu chưa có vaccine, cần tuân theo hướng dẫn của các tổ chức y tế.

1. ĐẶC ĐIỂM VIRUS

Tìm hiểu hình dạng và cấu tạo virus

Virus là dạng sống đơn giản, chưa có cấu tạo tế bào, có kích thước siêu hiển vi, sống kí sinh nội bào bắt buộc, khi ra khỏi tế bào vật chủ, virus tồn tại như một vật không sống.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
1. Nhận xét về hình dạng của một số virus trong hình 24.1.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Virus có ba dạng hình dạng đặc trưng:
- Dạng xoắn: virus khảm thuốc lá, virus dại;
- Dạng hình khói: virus cúm, virus viêm kết mạc;
- Dạng hỗn hợp: thực khuẩn thể (phage).

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
2. Quan sát hình 24.2, nếu cấu tạo của virus. Cấu tạo của virus có gì khác so với cấu tạo của tế bào sinh vật nhân sơ và nhân thực mà em đã được học?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Virus có cấu tạo đơn giản, gồm lớp vỏ protein và phần lõi chứa vật chất di truyền, một số virus có thêm lớp vỏ ngoài. Virus không có các thành phần cấu tạo giống với tế bào nhân sơ và nhân thực.

📝 Củng cố
Tại sao virus phải sống kí sinh nội bào bắt buộc?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Virus chưa có cấu tạo tế bào, không có các thành phần chính của một tế bào điển hình, nên khi ra khỏi tế bào vật chủ, virus tồn tại như một vật không sống.

📖 Mở rộng
Thực khuẩn thể Bacteriophage (hay còn gọi là phage) là virus chuyển sống kí sinh trên cơ thể vi khuẩn, nó có thể gây bệnh và tiêu diệt vi khuẩn. Nét đặc trưng của các thực khuẩn thể là kháng lại một loài vi khuẩn riêng mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến các vi khuẩn có lợi khác.

✍️ Ghi nhớ
- Virus có 3 dạng hình dạng đặc trưng:
• Dạng xoắn: virus khảm thuốc lá, virus dại.
• Dạng hình khối: virus cúm, virus viêm kết mạc.
• Dạng hỗn hợp: thực khuẩn thể (phage).
- Virus có cấu tạo đơn giản, gồm lớp vỏ protein và phần lõi chứa vật chất di truyền, một số virus có thêm lớp vỏ ngoài.

2. VAI TRÒ CỦA VIRUS

2.1. Tìm hiểu lợi ích của virus

- Virus có vai trò trong nghiên cứu khoa học, sản xuất các chế phẩm sinh học (interferon, thuốc kháng sinh, vaccine). Trong nông nghiệp, virus được sử dụng trong sản xuất thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu từ virus không gây hại cho môi trường, con người và sinh vật khác.
- Ngày nay, việc lạm dụng thuốc trừ sâu hoá học đã ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người và môi trường sống. Do đó, biện pháp phòng trừ sinh học đang ngày càng được xã hội quan tâm.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
3. Tìm hiểu thông tin và cho biết ứng dụng của virus trong thực tiễn.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Virus được ứng dụng trong sản xuất các chế phẩm sinh học (interferon, thuốc kháng sinh, vaccine,.Trong nông nghiệp, virus được sử dụng trong sản xuất thuốc trừ sâu. Ngoài ra, virus còn được sử dụng nhiều trong nghiên cứu.

📝 Củng cố
Thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ virus có ưu điểm gì so với thuốc trừ sâu hoá học?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Thuốc trừ sâu từ virus không gây hại cho môi trường, con người và các sinh vật khác, có ưu điểm là tác dụng mạnh, lâu dài lên sâu bọ, bảo vệ môi trường, giảm thiểu độc hại và tồn dư trên sản phẩm và trong đất so với thuốc trừ sâu hoá học.

2.2. Tìm hiểu bệnh do virus gây ra và biện pháp phòng chống

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
4. Quan sát hình 243, 244, 24.5, 24.6 và hoàn thiện bảng theo mẫu sau:

Tên bệnh

Tác nhân gây bệnh

Biểu hiện bệnh

Bệnh cúm ở người

?

?

?

Virus Dengue

?

Bệnh cúm ở gà

?

?

Bệnh khảm ở cây cà chua

?

?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Tên bệnh

Tác nhân gây bệnh

Biểu hiện bệnh

Bệnh cúm ở người

Virus cúm

Sốt, đau đầu, đau họng, sổ mũi.

Bệnh sốt xuất huyết

Virus Dengue

Đau đầu, sốt cao, đau sau đáy mắt, phát ban, chảy máu cam, nôn.

Bệnh cúm ở gà

Virus cúm gia cầm

Xù lông, mắt ướt kèm nhèm, cơ thể mệt mỏi, ủ rũ, chậm chạp.

Bệnh khảm ở cây cà chua

Virus khảm cà chua

Khảm loang lổ trên lá, nặng thì làm cho lá xoăn, cong queo, nhãn nhúm.


👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
5. Từ thông tin gợi ý trong hình 24.7, hãy cho biết bệnh do virus có thể lây truyền qua những con đường nào?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Virus xâm nhập vào cơ thể bằng con đường tiếp xúc trực tiếp thông qua hô hấp hoặc qua đường truyền máu, từ mẹ sang con, tiêm chích ma tuý, dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục,...

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
6. Hãy nêu một số biện pháp phòng chống bệnh do virus gây ra.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Để phòng chống bệnh do virus gây ra, chúng ta phải ngăn chặn các con đường truyền bệnh, tiêm vaccine phòng bệnh,...

📝 Củng cố
Corona virus 2019 (2019–nCoV) là một loại virus gây viêm đường hô hấp cấp ở người và có thể lây từ người này sang người khác. Em hãy nêu một số biện pháp phòng chống bệnh do virus corona gây nên.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Biện pháp phòng bệnh do 2019-nCoV gây nên: cách li hoàn toàn người bệnh, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, ...

♻️ Vận dụng
Đóng vai một tuyên truyền viên, em hãy vẽ một bức tranh để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh do virus gây ra.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Học sinh về nhà làm áp phích theo nhóm, buổi học sau sử dụng kĩ thuật phòng tranh để khởi động bài mới thông qua triển lãm tranh và thuyết trình nhanh về áp phích của các nhóm.

📖 Mở rộng
❖ Vaccine là chế phẩm sinh học, được sử dụng với mục đích tạo ra miễn dịch trước đối với các bệnh do virus hay vi khuẩn gây ra. Để phòng ngừa một số bệnh thường gặp trong cộng đồng, nhất là bảo vệ đối tượng trẻ em, hiện nay công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh cho trẻ được thực hiện khá phổ biến và trở thành chương trình quốc gia.
❖ Tuy vậy, nhằm bảo đảm sự an toàn và tránh các tại biến có thể xảy ra, công tác tổ chức tiêm chủng phải triển khai đúng theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo các nguyên tắc sử dụng vaccine hiệu quả như sau:
• Tiêm chủng trên phạm vi rộng, đạt tỉ lệ cao;
• Tiêm chủng đúng đối tượng; Bắt đầu tiêm chủng đúng lúc, bảo đảm đúng khoảng cách giữa các lần tiêm chủng, tiêm chủng nhắc lại đúng thời gian;
• Tiêm chủng đúng đường và đúng liều lượng;
• Nắm vững phương pháp phòng và xử trí các phản ứng không mong muốn do tiêm chủng;
• Bảo quản vaccine đúng quy định.

✍️ Ghi nhớ
• Virus có vai trò trong nghiên cứu khoa học và trong thực tiễn. Bên cạnh đó, virus là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh cho người, động vật và thực vật.
• Bệnh do virus gây ra có thể lây truyền theo nhiều con đường khác nhau: từ mẹ sang con, tiếp xúc trực tiếp, truyền máu, tiêu hoá, hô hấp, vết cắn động vật, …
• Để phòng chống bệnh do virus gây ra chúng ta phải ngăn chặn các con đường lây truyền bệnh, tiêm vaccine phòng bệnh, ...

BÀI TẬP

✍️ Bài tập
1. Căn cứ vào đặc điểm cấu tạo của virus, theo em, virus có phải là một cơ thể sống không? Vì sao?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Virus chưa được xem là một cơ thể sống vì chưa có cấu tạo tế bào. Chúng không thể tồn tại độc lập mà sống kí sinh nội bào bắt buộc trong các tế bào sống khác.

✍️ Bài tập
2. Có bạn nói rằng: “Virus chỉ có hại mà không có ích lợi gì cho con người. Em có đồng ý với quan điểm của bạn không? Tại sao?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Quan điểm này chưa chính xác vì bên cạnh bệnh do virus gây nên, virus đã được sử dụng để sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ cho đời sống như sản xuất kháng thể, sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng trong nghiên cứu của các nhà khoa học.

✍️ Bài tập
3. Em hãy nêu một số biện pháp phòng chống bệnh cúm do virus cúm gây ra ở người.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Một số biện pháp phòng bệnh cúm ở người:
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể;
- Không tiếp xúc với nguồn lây nhiễm: người bị cúm, động vật nhiễm virus cúm,...
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn có nguy cơ lây bệnh,...

SÁCH HỌC SINH (bản in thử)

Post a Comment

Previous Post Next Post