Bài 35: Ưu thế lai

A. TÓM TẮT LÍ THUYẾT

I. HIỆN TƯỢNG ƯU THẾ LAI: 

- Ưu thế lai là: hiện tượng cơ thể lai F1 có sức sống cao hơn, sinh trưởng nhanh hơn, phát triển mạnh hơn, chống chịu tốt hơn, các tính trạng năng suất cao hơn trung bình giữa hai bố mẹ hoặc vượt trội cả hai bố mẹ. 

- Hiện tượng ưu thế lai rõ nhất trong trường hợp lai giữa các dòng thuần có kiểu gen khác nhau.


II. NGUYÊN NHÂN CỦA HIỆN TƯỢNG ƯU THẾ LAI: 

- Ở đa số các loài alen trội có lợi, alen lặn có hại. Khi tồn tại ở trạng thái đồng hợp trội cho tính trạng tốt, tồn tại ở trạng thái đồng hợp lặn cho tính trạng xấu. Khi lai hai dòng thuần chủng tương phản với nhau thu được kiểu gen dị hợp (F1 tập trung các alen trội lấn át sự biểu hiện của các gen có hại) → con lai ở F1 có tính trạng tốt hơn so với bố mẹ. 

- Ví dụ: 

Một dòng mang 2 gen trội (AABBdd) × 1 dòng mang 1 gen trội (aabbDD) 

→ con lai F1 mang 3 gen trội (AaBbDd).

- Ưu thế lai biểu hiện rõ nhất ở đời lai F1 sau đó giảm dần qua các thế hệ vì: khi tự thụ phấn tỷ lệ kiểu gen dị hợp tử giảm, kiểu gen đồng hợp tử tăng qua các thế hệ → tỷ lệ kiểu gen đồng hợp tử lặn tăng gây hại. 

- Muốn duy trì được ưu thế lai người ta thường dùng các biện pháp nhân giống vô tính: giâm cành, chiết cành, nuôi cấy mô… 


III. CÁC PHƯƠNG PHÁP TẠO ƯU THẾ LAI: 

1. Phương pháp tạo ưu thế lai cây trồng: 

- Lai khác dòng: tạo hai dòng thuần chủng (bằng cách cho tự thụ phấn) → cho giao phấn với nhau. 

- Lai khác thứ (khác dòng): kết hợp giữa tạo ưu thế lai và tạo giống mới (được sử dụng phổ biến hơn). 

2. Phương pháp tạo ưu thế lai ở vật nuôi: 

- Lai kinh tế: là phép lai giữa cặp vật nuôi bố mẹ thuộc hai dòng thuần khác nhau rồi dùng cơ thể lai F1 làm sản phẩm, không dùng nó làm giống. 

+ Ví dụ: 

 Ở lợn, con cái Ỉ Móng Cái × con đực Đại Bạch. 

F1: Lợn con mới đẻ nặng 0.8kg, tăng trọng nhanh, tỉ lệ thịt nạc cao.


B. CÂU HỎI THẢO LUẬN

Bài 35 trang 102: Ưu thế lai là gì? Cho ví dụ về ưu thế lai ở thực vật và động vật. 

Trả lời: 

- Ưu thế lai là hiện tượng cơ thể lai F1 có sức sống cao hơn, sinh trưởng nhanh hơn, phát triển mạnh hơn, chống chịu tốt hơn, các tính trạng năng suất cao hơn trung bình giữa hai bố mẹ hoặc vượt trội cả hai bố mẹ. 

- Ví dụ: cà chua hồng Việt Nam và cà chua Ba Lan, gà Đông Cảo và gà Ri. 


Bài 35 trang 103: Hãy trả lời các câu hỏi sau: 

- Tại sao khi lai 2 dòng thuần, ưu thế lai biểu hiện rõ nhất? 

- Tại sao ưu thế lai biểu hiện rõ nhất ở thế hệ F1, sau đó giảm dần qua các thế hệ? 

Trả lời: 

- Khi lai 2 dòng thuần, ưu thế lai biểu hiện rõ nhất vì hầu hết các cặp gen ở trạng thái dị hợp. 

- Ưu thế lai biểu hiện rõ nhất ở thế hệ F1, sau đó giảm dần qua các thế hệ vì tạo ra các cặp gen đồng hợp, các cặp gen dị hợp giảm đi. 


Bài 35 trang 104: Lai kinh tế là gì? Tại sao không dùng con lai kinh tế để nhân giống? 

Trả lời: 

- Lai kinh tế là cho giao phối giữa cặp vật nuôi bố mẹ thuộc hai dòng thuần chủng khác nhau, rồi dùng con lai F1 làm sản phẩm không dùng làm giống. 

- Không dùng con lai kinh tế làm giống vì thế hệ tiếp theo xuất hiện các cặp gen đồng hợp lặn gây hại.


C. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Bài 1 (trang 104 sgk Sinh học 9): Ưu thế lai là gì? Cho biết cơ sở di truyền của hiện tượng trên? Tại sao không dùng cơ thể lai F1 để nhân giống? Muốn duy trì ưu thế lai thì phải dùng biện pháp gì? 

Lời giải: 

- Ưu thế lai là hiện tượng con lai F1 có sức sống cao hơn, sinh trưởng nhanh hơn, phát triển mạnh hơn, chống chịu tốt hơn, các tính trạng năng suất cao hơn trung bình giữa hai bố mẹ hoặc vượt trội cả hai bố mẹ. 

- Cơ sở di truyền của hiện tượng trên được giải thích như sau: Về phương diện di truyền, các tính trạng số lượng (chỉ tiêu về hình thái, năng suất…) do nhiều gen trội quy định. Khi lai giữa hai dòng thuần có kiểu gen khác nhau, ở con lai F1 chỉ có các gen trội có lợi mới được biểu hiện (gen trội át gen lặn), đặc tính xấu không được biểu hiện, vì vậy con lai F1 có nhiều đặc điểm tốt như mong muốn. 

- Ví dụ: lai một dòng thuần mang hai gen trội, 1 gen lặn với dòng thuần mang 1 gen trội, 2 gen lặn sẽ được con lai F1 mang 3 gen trội. 

Sơ đồ: P: AAbbCC x aaBBcc 

F1: 100% AaBbCc 

 - Trong các thế hệ sau, ưu thế lai giảm dần do qua phân li tỉ lệ gen dị hợp giảm, gen đồng hợp tăng, trong đó có gen đồng hợp lặn gây bệnh. 

- Muốn duy trì ưu thế lai, khắc phục hiện tượng trên người ta dùng phương pháp nhân giống vô tính (bằng giâm, triết, ghép, vi nhân giống…). 


Bài 2 (trang 104 sgk Sinh học 9): Trong chọn giống cây trồng, người ta đã dùng phương pháp gì để tạo ưu thế lai? Phương pháp nào được dùng phổ biến nhất, tại sao? 

Lời giải: 

- Trong chọn giống cây trồng, người ta dùng phương pháp lai khác dòng và lai khác thứ để tạo ưu thế lai. 

- Phương pháp lai dòng: tạo ra hai dòng tự thụ phấn rồi cho chúng giao phấn với nhau được dùng phổ biến vì phương pháp này dễ thực hiện đã tạo ra nhiều giống cây trồng cho năng suất cao hơn so với các giống cây thuần tốt nhất.

- Phương pháp lai khác thứ: là những tổ hợp lai giữa hai thứ hoặc tổng hợp nhiều thứ của cùng một loài để tạo ưu thế lai và giống mới. 


Bài 3 (trang 104 sgk Sinh học 9): Lai kinh tế là gì? Ở nước ta, lai kinh tế được thực hiện dưới hình thức nào? Cho ví dụ. 

Lời giải: 

- Lai kinh tế là người ta cho giao phối giữa cặp vật nuôi bố mẹ thuộc hai dòng thuần khác nhau rồi dùng con lai F1 làm sản phẩm, không dùng làm giống. 

- Ở nước ta, lai kinh tế được dùng phổ biến nhất là dùng con cái thuộc giống trong nước giao phối với con đực cao sản thuộc giống thuần nhập nội. 

Ví dụ: dùng con cái là lợn ỉ Móng Cái lai với con đực Đại Bạch: tạo con lai F1 sẽ có nhiều tính trạng quý như thịt thơm ngon, sức chống chịu tốt, lợn con mới đẻ đã nặng từ 0,7 – 0,8 kg, tăng trọng nhanh (10 tháng tuổi đạt 80 – 100 kg), tỷ lệ thịt nạc cao.

Post a Comment

Previous Post Next Post