KHTN8-CD | Bài 32. Hệ hô hấp ở người

MỤC TIÊU

• Nêu được chức năng của hệ hô hấp. Kể tên, nêu được chức năng và sự phối hợp các cơ quan của hệ hô hấp.
• Nêu được một số bệnh về hô hấp và cách phòng chống, từ đó vận dụng trong bảo vệ bản thân và gia đình. Trình bày được vai trò của việc chống ô nhiễm không khí liên quan đến các bệnh về hô hấp.
• Tranh luận trong nhóm và đưa ra được quan điểm nên hay không nên hút thuốc lá và kinh doanh thuốc lá. Thiết kế được áp phích tuyên truyền không hút thuốc lá.
• Điều tra được một số bệnh về đường hô hấp trong trường học hoặc tại địa phương, nêu được nguyên nhân và cách phòng tránh.
• Thực hành: Thực hiện được tình huống giả định hô hấp nhân tạo, cấp cứu người đuối nước.

TÓM TẮT KIẾN THỨC

💡 Mở đầu
Em cảm thấy nhịp thở thay đổi như thế nào sau khi chạy nhanh 100 m? Giải thích.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết về hệ hô hấp của người để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
- Sau khi chạy nhanh 100 m, nhịp thở nhanh hơn, thở mạnh và sâu hơn so với lúc bình thường.
- Giải thích: Khi chạy, cơ thể cần nhiều năng lượng cho sự hoạt động liên tục của cơ xương dẫn đến cường độ hô hấp tế bào tăng lên. Mà quá trình hô hấp tế bào cần O2 và thải ra khí CO2. Do đó, nhịp thở tăng lên để đáp ứng nhu cầu trao đổi khí (lấy O2, đào thải khí CO2) của cơ thể.

I. CẤU TẠO VÀ CHỨC NĂNG CỦA HỆ HÔ HẤP

- Hệ hô hấp gồm đường dẫn khí và phổi. Các cơ quan trọng hệ hô hấp hoạt động phối hợp nhịp nhàng với nhau thực hiện chức năng trao đổi khí (hình 32.1 và 32.2).
- Quá trình hít vào đưa không khí giàu O2 đi qua đường dẫn khí vào phổi, thực hiện trao đổi khí tại phế nang: O2 từ phế nang đi vào mao mạch phổi và CO2 từ mao mạch phổi đi ra phế nang. Hệ tuần hoàn giúp vận chuyển O2 từ phế nang đến tế bào và CO2 từ tế bào ra phế nang. Quá trình thở ra đưa không khí giàu CO2 từ phổi qua đường dẫn khí ra ngoài môi trường.

Quan sát, trả lời câu hỏi hoặc thảo luận
1. Chức năng của hệ hô hấp là gì?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào thông tin trong sách để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Hệ hô hấp thực hiện chức năng trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường. Cụ thể là:
- Giúp cơ thể lấy O2 từ môi trường sống cung cấp cho hô hấp tế bào, tạo năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể.
- Đào thải CO2 sinh ra từ hô hấp tế bào vào môi trường, đảm bảo cân bằng môi trường trong cơ thể.

Quan sát, trả lời câu hỏi hoặc thảo luận
2. Quan sát hình 32.1 và cho biết hệ hô hấp gồm những cơ quan nào. Mỗi cơ quan có chức năng gì?

🌟 Phương pháp giải:
Quan sát hình 32.1 và thông tin trong bài để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
- Các cơ quan trong hệ hô hấp gồm: Xoang mũi, hầu (họng), thanh quản, khí quản, phế quản, phổi.
- Chức năng của mỗi cơ quan trong hệ hô hấp:
+ Xoang mũi: làm sạch, làm ẩm, làm ấm không khí.
+ Hầu (họng): dẫn khí.
+ Thanh quản: dẫn khí, phát âm.
+ Khí quản: dẫn khí, làm sạch không khí, điều hòa lượng khí vào phổi.
+ Phế quản: dẫn khí, điều hòa lượng khí vào phổi.
+ Phổi: trao đổi khí.

📝 Luyện tập
1. Lấy ví dụ về sự phù hợp giữa cấu tạo và chức năng của một cơ quan trong hệ hô hấp.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào cấu tạo của từng cơ quan trong hệ hô hấp để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Xoang mũi có cấu tạo phù hợp với chức năng làm sạch, làm ẩm, làm ấm không khí:
- Có nhiều lông mũi giúp ngăn cản bụi để làm sạch luồng không khí.
- Có lớp niêm mạc tiết chất nhày giúp cản bụi và vi khuẩn gây hại trong luồng không khí, đồng thời cũng giúp làm ẩm không khí trước khi vào phổi.
- Có lớp mao mạch dày đặc giúp làm ấm không khí trước khi vào phổi.

📝 Luyện tập
2. Vẽ sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa hệ hô hấp và hệ tuần hoàn.

🌟 Phương pháp giải:
Hiểu được từng giai đoạn của quá trình hô hấp và tuần hoàn để nêu được mối quan hệ của hai hệ.
🌟 Lời giải chi tiết:

⚙️ Vận dụng
1. Vì sao khi chúng ta vừa ăn vừa nói có thể bị sặc?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào cấu tạo của khí quản và hoạt động của khí quản và thực quản.
🌟 Lời giải chi tiết:
Khi chúng ta vừa ăn vừa nói có thể bị sặc vì: Khi ăn, nắp thanh quản sẽ được đậy lại để ngăn không cho thức ăn lọt vào đường hô hấp, còn khi nói, nắp thanh quản sẽ được mở ra để phát ra âm thanh. Bởi vậy, nếu vừa ăn vừa nói, thức ăn có thể rơi vào đường hô hấp khi nắp thanh quản mở ra, gây ra phản ứng sặc để đẩy thức ăn ra ngoài.

Hoạt động nuốt bình thường
⚙️ Vận dụng
2. Vì sao chúng ta không nên đốt than củi trong phòng kín khi ngủ?

🌟 Phương pháp giải:
Khi đốt than củi, hàm lượng khí O2 giảm dần và hàm lượng khí CO và CO2 tăng dần.
🌟 Lời giải chi tiết:
Chúng ta không nên đốt than củi trong phòng kín khi ngủ vì: Sự cháy của than củi sẽ tiêu hao khí O2 và sản sinh ra 2 loại khí gây ngộ độc khí cho cơ thể là CO2 và CO. Bởi vậy, khi đốt than củi trong phòng kín – không có sự lưu thông không khí với bên ngoài, O2 trong phòng dần cạn kiệt đồng thời lượng CO2 và CO tăng dẫn đến người ngủ trong phòng nhanh chóng bị ngạt thở, lịm dần rồi hôn mê, thậm chí tử vọng nếu không được phát hiện kịp thời.

🧑‍💻 Tìm hiểu thêm
Hình bên minh hoạ một mô hình phổi. Dựa vào kiến thức đã học về hô hấp, hãy giải thích:
• Điều gì xảy ra khi cầm nút thắt của quả bóng số 3 kéo xuống, sau đó thả ra.
• Làm một mô hình phổi sử dụng vật liệu tái chế phù hợp, giới thiệu các phần trong mô hình tương ứng với bộ phận của hệ hô hấp.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào mô hình để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
- Hiện tượng sẽ xảy ra khi cầm nút thắt của quả bóng số 3 kéo xuống, sau đó thả ra:
+ Khi cầm nút thắt của quả bóng số 3 kéo xuống, thể tích trong chai nhựa sẽ tăng lên khiến không khí từ ngoài tràn vào quả bóng số 1 và số 2 thông qua ống hút. Kết quả là quả bóng số 1 và số 2 sẽ phồng lên.
+ Khi thả nút thắt của quả bóng số 3 ra, thể tích trong chai nhựa sẽ giảm khiến không khí từ quả bóng số 1 và số 2 được đẩy ra ngoài thông qua ống hút. Kết quả là quả bóng số 1 và số 2 sẽ xẹp dần.
- Gợi ý: Mô hình phổi sử dụng vật liệu tái chế

Vật liệu

Các bộ phận tương ứng

Ống hút ở nắp chai

Mũi

2 ống hút trong chai

Khí quản và phế quản

2 quả bóng trong chai

2 lá phổi

Quả bóng ở đáy chai

Cơ hoành


🕵️‍♀️ Em có biết
Phương pháp ECMO
Phổi nhân tạo lần đầu tiên được thực nghiệm thành công vào những năm 1930, mở ra triển vọng cho phương pháp trao đổi O2 qua màng ở ngoài cơ thể (ECMO). ECMO được sử dụng để cấp cứu người suy hô hấp nặng khi tim hay phổi hoặc cả hai không thể hoạt động bình thường. Máu được đưa ra khỏi cơ thể từ tĩnh mạch, qua màng lọc có chức năng như phổi của con người, màng lọc sẽ gắn kết máu với O2 trước khi đưa trở lại vào cơ thể.

II. BẢO VỆ HỆ HÔ HẤP

Một số bệnh về hô hấp thường gặp là viêm đường hô hấp (viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản), viêm phổi, hen suyễn, cúm, hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (bệnh SARS, MERS, COVID-19,...). Để bảo vệ hệ hô hấp cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh hô hấp (hình 32.3).

Ô nhiễm không khí gây ra các bệnh về phổi và đường hô hấp như bệnh hen suyễn, viêm phổi, viêm đường dẫn khí,... do bụi mịn và các hoá chất gây kích ứng hệ hô hấp, làm tê liệt lớp lông rung trong đường dẫn khí, cản trở hồng cầu vận chuyển O2, từ đó gây tổn thương hệ hô hấp, suy giảm chức năng phổi. Do đó, để bảo vệ hệ hô hấp, chúng ta cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp.

Khói thuốc lá chứa hàng ngàn hoá chất độc hại, chất gây nghiện (nicotine), chất gây ung thư, khí CO và các loại khí độc khác làm giảm khả năng vận chuyển O2 của máu nên dẫn đến phá huỷ hệ hô hấp, gây bệnh hen suyễn, ung thư phổi, ung thư thanh quản, phổi tắc nghẽn mạn tính,... Khói thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ không chỉ của người hút thuốc lá mà còn của người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc. Cần tăng cường cảnh báo về tác hại của thuốc lá và có những chính sách kinh tế, pháp luật phù hợp về việc sản xuất và kinh doanh thuốc lá.

Quan sát, trả lời câu hỏi hoặc thảo luận
4. Ô nhiễm không khí và khói thuốc lá tác động như thế nào đến hệ hô hấp?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào thông tin trong sách để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:

- Ô nhiễm không khí gây ra các bệnh về phổi và đường hô hấp như bệnh hen suyễn, viêm phổi, viêm đường dẫn khí,... do bụi mịn và các hoá chất gây kích ứng hệ hô hấp, làm tê liệt lớp lông rung trong đường dẫn khí, cản trở hồng cầu vận chuyển O2, từ đó gây tổn thương hệ hô hấp, suy giảm chức năng phổi. Do đó, để bảo vệ hệ hô hấp, chúng ta cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp.

- Khói thuốc lá chứa hàng ngàn hoá chất độc hại, chất gây nghiện (nicotine), chất gây ung thư, khí CO và các loại khí độc khác làm giảm khả năng vận chuyển O2 của máu nên dẫn đến phá huỷ hệ hô hấp, gây bệnh hen suyễn, ung thư phổi, ung thư thanh quản, phổi tắc nghẽn mạn tính,... Khói thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ không chỉ của người hút thuốc lá mà còn của người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc. Cần tăng cường cảnh báo về tác hại của thuốc lá và có những chính sách kinh tế, pháp luật phù hợp về việc sản xuất và kinh doanh thuốc lá.

⚙️ Vận dụng
3. Tại sao khi giao mùa, thời tiết ẩm, chúng ta thường dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp?

🌟 Phương pháp giải:
Khi thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến dễ mắc các bệnh về hô hấp.
🌟 Lời giải chi tiết:
Khi giao mùa, thời tiết ẩm, chúng ta thường dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp vì:
- Khi giao mùa, sự thay đổi và chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm thường xảy ra đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích ứng, dẫn đến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp xâm nhập và gây bệnh dễ dàng.
- Đồng thời, thời tiết giao mùa, thời tiết ẩm lại là điều kiện thích hợp cho sự phát triển mạnh của nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh lí đường hô hấp.

⚙️ Vận dụng
4. Gia đình em thường sử dụng những biện pháp nào để tạo không khí trong lành giúp bảo vệ đường hô hấp?

🌟 Phương pháp giải:
Nhớ lại các biện pháp gia đình em sử dụng để tạo không khí trong lành giúp bảo vệ hô hấp.
🌟 Lời giải chi tiết:
Một số biện pháp để tạo không khí trong lành giúp bảo vệ đường hô hấp mà các gia đình thường sử dụng là:
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ.
- Dùng điều hòa và máy lọc không khí tại nhà (Chú ý: Thường xuyên bảo dưỡng để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn gây hại).
- Hạn chế các hoạt động như: hút thuốc lá, đốt than củi,…
- Trồng cây xanh xung quanh nhà ở và tham gia các hoạt động trồng cây ở địa phương.

🔬 Dự án điều tra
1. Điều tra tỉ lệ mắc một trong số các bệnh hô hấp tại trường em đang học hoặc tại địa phương em đang sinh sống theo các bước điều tra ở bài 28, trang 135.
- Bước 1. Xác định vấn đề cần điều tra và chuẩn bị mẫu phiếu điều tra.

MẪU PHIẾU ĐIỀU TRA SỐ NGƯỜI MẮC BỆNH VIÊM HỌNG TRONG TRƯỜNG HỌC HOẶC KHU DÂN CƯ

STT

Tên lớp/ chủ hộ

Tổng số người trong lớp/ gia đình

Số người mắc bệnh viêm họng

1

?

?

?

2

?

?

?

?

?

?

Tổng

?

?


- Bước 2. Thực hiện điều tra ở trường học hoặc khu dân cư.
- Bước 3. Tính tỉ lệ mắc bệnh viêm họng = số người mắc/ tổng số người được điều tra.
- Bước 4. Viết báo cáo nhận xét về tỉ lệ người mắc bệnh viêm họng; đề xuất một số cách phòng tránh.

🌟 Phương pháp giải:
Học sinh tiến hành điều tra và báo cáo tỉ lệ mắc một trong số các bệnh hô hấp tại trường em đang theo học hoặc tại địa phương em đang sinh sống. Chú ý: Một số bệnh hô hấp thường gặp như hen suyễn, viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, cúm, hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS, MERS, COVID-19,…).
🌟 Lời giải chi tiết:
Đề xuất một số cách phòng tránh bệnh viêm họng
- Tránh tiếp xúc với những người đang bị viêm họng, bệnh đường hô hấp.
- Thường xuyên sử dụng khẩu trang khi ra đường và khi làm việc trong môi trường ô nhiễm.
- Vệ sinh răng miệng và cổ họng hằng ngày: đánh răng 2 lần mỗi ngày, thay bàn chải đánh răng theo chu kì 3 tháng, xúc miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lí vào buổi sáng và tối trước khi ngủ.
- Giữ ấm cơ thể và cổ họng vào thời tiết lạnh, giao mùa; tránh đồ ăn quá lạnh, cay, cứng.
- Vệ sinh môi trường sống thường xuyên.
- Duy trì thể dục thể thao hằng ngày, bổ sung đủ nước, ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng.

🔬 Dự án điều tra
2. Lựa chọn một trong hai nội dung sau, hãy lập luận để bảo vệ ý kiến của mình về nội dung đó.
• Nên hay không nên hút thuốc lá.
• Nên hay không nên kinh doanh thuốc lá.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Không nên hút thuốc là vì: Khói thuốc lá chứa hàng ngàn hóa chất độc hại, chất gây nghiện (nicotine), chất gây ung thư, khí CO và các loại khí độc khác làm giảm khả năng vận chuyển O2 của máu nên dẫn đến phá hủy hệ hô hấp, gây bệnh hen suyễn, ung thư phổi, ung thư thanh quản, phổi tắc nghẽn mạn tính,… Đặc biệt, khói thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe không chỉ của người hút thuốc lá mà còn của người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai và những người đang mặc các bệnh lí.

🔬 Dự án điều tra
3. Vẽ một bức tranh để tuyên truyền không hút thuốc lá.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết và sáng tạo của bản thân.
🌟 Lời giải chi tiết:

III. THỰC HÀNH HÔ HẤP NHÂN TẠO

1. Cơ sở lí thuyết

Hô hấp nhân tạo được sử dụng để cấp cứu người bị đuối nước, ngạt (bị vùi lấp, ngạt khí độc), điện giật,... dẫn đến ngừng thở, ngừng tim. Hô hấp nhân tạo giúp lưu thông không khí và lưu thông máu.

2. Các bước tiến hành

Trước tiên, cần loại bỏ nguyên nhân gây gián đoạn hô hấp, gọi ngay cấp cứu (số máy 115) và tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân càng nhanh càng tốt theo các bước sau:

❖ Bước 1: Đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền phẳng, cứng; lau đờm rãi, lấy hết dị vật trong mũi, miệng; nới rộng quần áo.

❖ Bước 2: Tiến hành ép tim và thổi ngạt trong 2 phút theo chu kì 30 lần ép tim thì thổi ngạt 2 lần liên tiếp. Các thao tác cần liên tục, dứt khoát, nhịp nhàng.

Kĩ thuật ép tim và kĩ thuật thổi ngạt thể hiện ở các hình 32.4 và 32.5.

- Kĩ thuật ép tim (Hình 32.4): Hai bàn tay người cấp cứu chồng lên nhau, đặt ở vị trí 1/2 phía dưới của xương ức, khuỷu tay để thẳng, vuông góc với ngực nạn nhân. Ấn mạnh cho lồng ngực lún xuống 3 5 cm, thực hiện với tốc độ 100 – 120 lần/phút (hình 32.4).

- Kĩ thuật thổi ngạt:
• Một tay giữ trán, một tay nâng cằm nạn nhân cho đầu ngửa tối đa (hình 32.5a).
• Bóp mũi nạn nhân và đẩy hàm để miệng nạn nhân mở ra. Hít một hơi dài, áp khít miệng vào miệng nạn nhân, thổi mạnh đến khi thấy ngực phồng lên với tốc độ 15 – 18 lần/phút (hình 32.5b).

❖ Bước 3: Đánh giá xem nạn nhân có thở lại được không bằng cách quan sát màu sắc môi, kiểm tra mạch tại cổ,... trong thời gian không quá 10 giây. Nếu chưa thấy dấu hiệu thở lại, tiếp tục thực hiện bước 2. Nếu nạn nhân có thể thở được, đặt nạn nhân nằm nghiêng, giữ ấm và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

3. Đánh giá kết quả và câu hỏi

• Nhận xét việc thực hiện các thao tác của em trong mỗi bước thực hành hô hấp nhân tạo.
• Tại sao cần thực hiện hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân càng sớm càng tốt (thường trong 1 – 4 phút đầu tiên từ khi nạn nhân bị đuối nước)?
• Tại sao vị trí đặt tay khi ép tim là 1/2 phía dưới của xương ức?
• Tại sao khi thổi ngạt cần nâng cằm và bóp mũi của nạn nhân?

📝 Luyện tập
Nhận xét việc thực hiện các thao tác của em trong mỗi bước thực hành hô hấp nhân tạo.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào kĩ thuật ép tim và kĩ thuật thổi ngạt thể hiện ở hình 32.4 Và 32.5 để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Học sinh nhận xét về các thao tác thực hiện ở từng bước dựa vào các bước tiến hành hô hấp nhân tạo được trình bày trong

📝 Luyện tập
Tại sao cần thực hiện hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân càng sớm càng tốt (thường trong 1 – 4 phút đầu tiên từ khi nạn nhân bị đuối nước)?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào cấu tạo và chức năng của hệ hô hấp để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Tế bào cần oxygen cho các hoạt động sống. Do đó, thời gian bị ngạt khí (thiếu oxygen) của bệnh nhân càng kéo dài thì các tế bào đặc biệt là các tế bào thần kinh bị tổn thương và chết càng nhiều, dẫn đến tiên lượng hồi phục và sống sót của bệnh nhân càng thấp.

📝 Luyện tập
Tại sao vị trí đặt tay khi ép tim là ½ phía dưới của xương ức?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào vị trí của tim và phổi trong lồng ngực để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Vì khi ép tim lên vị trí này sẽ giúp làm thay đổi thể tích trong buồng tim, qua đó kích thích để tim đập lại, khôi phục vòng tuần hoàn, đồng thời, vị trí này cũng hạn chế nguy cơ gãy xương sườn, xương ức, tràn khí màng phổi, đụng dập phổi.

📝 Luyện tập
Tại sao khi thổi ngạt cần nâng cằm và bóp mũi của nạn nhân?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào vị trí của các cơ quan trong đường dẫn khí.
🌟 Lời giải chi tiết:
Nâng cằm và bóp mũi của nạn nhân sẽ giúp hạn chế việc không khí sau khi thổi vào quay trở lại mũi, miệng đi ra ngoài. Nhờ đó, nạn nhân sẽ nhận được nhiều oxygen hơn, tăng hiệu quả của biện pháp hô hấp nhân tạo.

🔑 Kiến thức cốt lõi
• Hệ hô hấp thực hiện quá trình trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường.
• Hệ hô hấp gồm đường dẫn khí và phổi. Các cơ quan trong hệ hô hấp hoạt động phối hợp nhịp nhàng với nhau thực hiện chức năng trao đổi khí.
• Virus, vi khuẩn, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá có thể gây ra một số bệnh về phổi và đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phổi, cúm, viêm đường hô hấp cấp, hen suyễn, ung thư phổi,...
• Giảm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, thực hiện các biện pháp phòng tránh lây lan bệnh hô hấp truyền nhiễm, tiêm vaccine phòng bệnh, giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, giữ gìn môi trường sống trong lành, chế độ dinh dưỡng khoa học, nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục, thể thao thường xuyên giúp phòng các bệnh về phổi và đường hô hấp.

BÀI TẬP

Đang cập nhật

SÁCH HỌC SINH (bản in thử)

Post a Comment

Previous Post Next Post