KHTN6-CTST | Bài 43. Chuyển động nhìn thấy của Mặt Trời

MỤC TIÊU

Giải thích được một cách định tính và sơ lược: từ Trái Đất thấy được Mặt Trời mọc và lặn hằng ngày.

TÓM TẮT KIẾN THỨC

💡 Mở đầu
Hằng ngày chúng ta nhìn thấy Mặt Trời chuyển động trên bầu trời. Có người nói rằng, đó là do Trái Đất đứng yên còn Mặt Trời chuyển động quanh Trái Đất. Em nghĩ gì về điều này?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Mặt Trời đứng yên còn Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời.

1. CHUYỂN ĐỘNG NHÌN THẤY CỦA MẶT TRỜI

Tìm hiểu chuyển động nhìn thấy của Mặt Trời

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
1. Em hãy mô tả sự "chuyển động" của Mặt Trời hằng ngày trên bầu trời.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Sự "chuyển động” của Mặt Trời hằng ngày trên bầu trời là: Mặt trời mọc ở hướng đông, lặn ở hướng tây.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
Quan sát hình 43.2, em hãy cho biết Trái Đất tự quay quanh trục của nó theo chiều nào và mỗi thời điểm, ánh sáng mặt trời chiếu tới Trái Đất sẽ làm bao nhiêu phần diện tích mặt đất được chiếu sáng?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Trái đất tự quay quanh trục của nó theo chiều từ phía tây sang phía đông.
- Mỗi thời điểm, ánh sáng mặt trời chiếu tới trái đất sẽ làm một nửa phần diện tích mặt đất được chiếu sáng.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
Người ở tại vị trí B (hình 43.2a) khi ánh sáng mặt trời vừa chiếu tới sẽ quan sát thấy hiện tượng gì? Sau đó, người tại vị trí B sẽ tiếp tục thấy Mặt Trời “chuyến động" như thế nào? Vì sao?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Người ở vị trí B sẽ quan sát thấy hiện tượng mặt trời mọc.
- Sau đó người ở vị trí B sẽ tiếp tục thấy mặt trời chuyển động lên cao. Vì Trái Đất quay quanh trục theo chiều từ tây sang đông nên khiến cho vị trí B vẫn được mặt trời chiếu tới.

📝 Củng cố
Người ở tại vị trí C (hình 43.2b) khi ánh sáng mặt trời vừa khuất sẽ quan sát thấy hiện tượng gì? Vì sao?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Người ở vị trí C sẽ quan sát thấy hiện tượng mặt trời lặn.
- Bởi vì trái đất quay quanh trục theo chiều từ tây sang đông khiến cho vị trí C bị quay đi khuất ánh sáng mặt trời.

✍️ Ghi nhớ
• Hằng ngày, chúng ta thấy Mặt Trời mọc ở hướng đông và “chuyển động” trên bầu trời dần về hướng tây rồi lặn.
• Nguyên nhân của hiện tượng này là do Trái Đất chuyển động tự quay quanh trục của nó theo chiều từ tây sang đông.

2. MẶT TRỜI MỌC VÀ LẶN

🔬 Thực hành quan sát

Dụng cụ:
- 1 quả địa cầu tượng trưng cho Trái Đất;
- 1 bóng đèn tròn tượng trưng cho Mặt Trời.
Tiến hành:
- Đặt quả địa cầu trên bàn;
- Đặt bóng đèn điện trước quả địa cầu;
- Cấp điện cho đèn sáng đồng thời tắt hết các bóng điện khác trong phòng.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
4. Giữ quả địa cầu tại một vị trí bất kì. Em hãy xác định các vị trí trên quả địa cầu mà ánh sáng sẽ chiếu tới và các vị trí trên quả địa cầu mà ánh sáng sẽ khuất ngay khi ta quay tiếp quả địa cầu.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Học sinh thực hành và xác định các vị trí trên quả địa cầu mà ánh sáng sẽ chiếu tới.
- Dựa vào sự quay quanh trục của Trái Đất theo chiều từ tây sang đông để xác định các vị trí trên quả địa cầu mà ánh sáng sẽ khuất ngay khi ta quay tiếp quả địa cầu.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
5. Em hãy quay quả địa cầu để tại vị trí của Việt Nam trên quả địa cầu sẽ có ánh sáng chiếu tới ngay khi ta quay tiếp quả địa cầu.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Học sinh tìm vị trí của Việt Nam trên quả địa cầu và dựa vào sự quay quanh trục của Trái Đất theo chiều từ tây sang đông để xác định vị trí của Việt Nam trên quả địa cầu sẽ có ánh sáng chiếu tới ngay khi ta quay tiếp quả địa cầu.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
6. Từ nội dung thảo luận 4 và 5, em hãy liên hệ tới hiện tượng ngày và đêm trên Trái Đất, Mặt Trời mọc và Mặt Trời lặn khi quan sát từ Trái Đất.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Hiện tượng ngày và đêm trên Trái Đất: Hình khối cầu của Trái đất luôn được Mặt trời chiếu sáng một nửa, vì thế đã sinh ra ngày và đêm, do Trái đất tự quay quanh trục, nên mọi nơi bề mặt của Trái Đất đều lần lượt được mặt trời chiếu sáng.
- Hiện tượng Mặt Trời mọc và Mặt Trời lặn khi quan sát từ Trái Đất:
+ Khi tự quay quanh trục của nó, Trái Đất sẽ bắt đầu quay từ Tây sang Đông.
+ Theo trục góc nghiêng so với mặt phẳng quỹ đạo.
+ Mặt nào của Trái Đất hướng về phía mặt trời sẽ là ban ngày, mặt còn lại bị khuất bóng sẽ là ban đêm.
+ Dựa theo đúng quy luật chuyển động từ Tây sang Đông đó mà người ta thấy hiện tượng Mặt trời mọc hướng Đông và lặn hướng Tây.

♻️ Vận dụng
Giải thích hiện tượng ngày, đêm trên Trái Đất và nguyên nhân dẫn đến sự luân phiên ngày và đêm.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Hiện tượng ngày, đêm trên Trái Đất: Hình khối cầu của Trái đất luôn được Mặt trời chiếu sáng một nửa, còn một nửa không được chiếu sáng, vì thế sinh ra ngày và đêm.
- Tuy nhiên, do Trái đất tự quay quanh trục nên mọi nơi ở bề mặt Trái đất đều lần lượt được Mặt Trời chiếu sáng rồi lại chìm trong bóng tối, gây nên hiện tượng luân phiên ngày và đêm.

📖 Mở rộng
Thuyết Nhật tâm

Từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến tận thế kỉ XVI, con người vẫn quan niệm rằng Trái Đất đứng yên, là trung tâm của vũ trụ. Mặt Trời, Mặt Trăng và các thiên thể khác quay quanh Trái Đất.

Đến thế kỉ XVI, Nicolaus Copernicus (1473 – 1543) là nhà thiên văn học người Ba Lan, ông đã đưa ra thuyết Nhật tâm, cho rằng Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ, các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời. Trái Đất quay xung quanh trục của nó trong khi chuyển động quanh Mặt Trời. Học thuyết này đưa ra đã gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ, nhiều cuộc tranh cãi đã diễn ra.

Một trong những người dám đứng ra ủng hộ và bảo vệ học thuyết của Copernicus là Galileo Galilei, sự kiện này được xem là một trong những cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử thiên văn, đánh dấu bước chuyển sang thiên văn học hiện đại như ngày nay. Galileo Galilei đã đứng ra bảo vệ thuyết Nhật tâm, ông viết cuốn sách “Đối thoại về hai hệ thống thế giới”.

Học thuyết của Galileo Galilei vừa ra đời đã bị nhà thờ và Giáo hội phản bác, coi rằng học thuyết của ông là dị đoan. Vào năm 1633, ông bị gọi ra trước toà án dị giáo, bị phán quyết quản thúc tại gia cho đến khi ông qua đời. Tương truyền rằng, sau khi bước ra khỏi cửa toà án, ông đã bực tức nói to: “Dù sao Trái Đất vẫn quay!”

BÀI TẬP

✍️ Bài tập
1. Khi Mặt Trời lặn nghĩa là ở bất kì đâu trên Trái Đất đều không thể nhìn thấy Mặt Trời. Kết luận này đúng hay sai? Tại sao?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Khi Mặt Trời lặn nghĩa là ở bất kì đâu trên Trái đất đều không thể nhìn thấy Mặt trời. Kết luận này là sai.
- Vì do sự luân phiên ngày và đêm, 1 nửa Trái Đất được Mặt Trời chiếu sáng và 1 nửa Trái Đất không được chiếu sáng.
⟹ Nên tại vị trí trên nửa Trái Đất được Mặt Trời chiếu sáng sẽ nhìn thấy Mặt Trời.

✍️ Bài tập
2. Theo em, hằng ngày người sinh sống ở Hà Nội hay ở Điện Biên sẽ quan sát thấy Mặt Trời mọc trước? Tại sao?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Hà Nội sẽ quan sát thấy mặt trời mọc sớm hơn Điện Biên.
- Vì Điện Biên nằm cách Thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây.

✍️ Bài tập
3. Khoảng thời gian mỗi ngày đêm trên Trái Đất là bao lâu? Em hãy cho biết khoảng thời gian đó thể hiện điều gì?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Khoảng thời gian mỗi ngày đêm trên Trái Đất là 24h.
- Khoảng thời gian đó thể hiện Trái Đất quay một vòng mất khoảng 24h.

SÁCH HỌC SINH (bản in thử)

Post a Comment

Previous Post Next Post