Bài tập KHTN 8 | Bài 29. Dinh dưỡng và tiêu hoá ở người

Sách bài tập Khoa học Tự nhiên 8 | Cánh diều

Bài 29.1 trang 57

Quá trình tiêu hoá carbohydrate bắt đầu ở bộ phận nào?

A. Ruột non.

B. Thực quản.

C. Dạ dày.

D. Miệng.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: D.

- Quá trình tiêu hoá carbohydrate bắt đầu ở khoang miệng. Enzyme amylase của tuyến nước bọt giúp biến đổi một phần tinh bột chín (carbohydrate) trong thức ăn thành đường maltose.

Bài 29.2 trang 57

Gan không có chức năng nào dưới đây?

A. Tạo chất nhờn.

B. Dự trữ glucose (đường).

C. Sản xuất mật tham gia vào chức năng tiêu hoá.

D. Loại bỏ các chất độc hại.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: A.

- Gan có chức năng tiết dịch mật tham gia vào chức năng tiêu hóa, nhũ tương hóa lipid; loại bỏ các độc tố, chất độc hại và dự trữ glucose (đường).

- Gan không có chức năng tạo chất nhờn → A sai.

Bài 29.3 trang 57

Nước được hấp thu chủ yếu ở cơ quan nào dưới đây?

A. Gan.

B. Dạ dày.

C. Ruột già.

D. Thực quản.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: C.

- Nước được hấp thu chủ yếu ở cơ quan ruột già. Ruột già có có vai trò hấp thụ lại nước và một số chất; cử động nhu ruột đẩy chất cặn bã xuống trực tràng và tạo phân.

Bài 29.4 trang 57

Chức năng nào dưới đây là chức năng chính của ruột già?

A. Tiêu hoá thức ăn.

B. Tiết dịch vị.

C. Tiết dịch mật.

D. Tái hấp thu nước và tạo phân.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: D.

- Ruột già có vai trò hấp thụ lại nước và một số chất; cử động nhu ruột đẩy chất cặn bã xuống trực tràng và tạo phân.

Bài 29.5 trang 57

Phát biểu nào dưới đây về enzyme amylase là đúng?

A. Do tuyến nước bọt và tuyến tuỵ tiết ra, có chức năng phân giải tinh bột thành đường.

B. Do dạ dày tiết ra, có chức năng tiêu hoá protein thành amino acid.

C. Do ruột già tiết ra, có chức năng tiêu hoá chất xơ.

D. Do thực quản tiết ra, có chức năng tiêu hoá lipid.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: A.

- A – Đúng. Enzyme amylase do tuyến nước bọt và tuyến tuỵ tiết ra, có chức năng phân giải tinh bột thành đường.

Bài 29.6 trang 57

Trong quá trình tiêu hoá, thức ăn không đi qua được các cơ quan:

A. dạ dày, thực quản và ruột non.

B. gan, túi mật, tuyến nước bọt và tuyến tuỵ.

C. ruột già, ruột non và dạ dày.

D. khoang miệng, thực quản và dạ dày.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: B.

- Trong quá trình tiêu hoá, thức ăn đi qua được các cơ quan của ống tiêu hóa như: khoang miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, hậu môn.

- Thức ăn không đi qua các cơ quan của tuyến tiêu hóa như: gan, túi mật, tuyến nước bọt và tuyến tuỵ. Các tuyến tiêu hóa chỉ tiết dịch tiêu hóa đổ vào ống tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn.

Bài 29.7 trang 57

Cho các giai đoạn có trong quá trình tiêu hoá:

1) Thức ăn được đảo trộn với dịch vị và tiêu hoá một phần.

(2) Phân được tích trữ ở trực tràng và thải ra ngoài qua hậu môn.

(3) Thức ăn được nghiền và đảo trộn với nước bọt.

(4) Thức ăn được trộn với dịch mật và dịch tuỵ.

(5) Các chất dinh dưỡng được hấp thu.

(6) Thức ăn đi qua thực quản và vào dạ dày.

(7) Phần còn lại của thức ăn được chuyển hoá thành phân.

Trình tự các giai đoạn trong quá trình tiêu hoá là:

A. (4) → (1) → (2) → (5) → (6) → (3) → (7).

B. (1) → (2) → (3) → (4) → (5) → (6) → (7).

C. (3) → (6) → (1) → (4) → (5) → (7) → (2).

D. (2) → (3) → (4) → (6) → (5) → (1) → (7).

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: C.

Trình tự các giai đoạn trong quá trình tiêu hoá là: (3) → (6) → (1) → (4) → (5) → (7) → (2).

- (3) Thức ăn khi vào khoang miệng được tiêu hóa cơ học và hóa học. Tiêu hóa cơ học thức ăn nhờ hoạt động nhai, nghiền của răng và hoạt động đảo trộn của lưỡi. Tiêu hóa hóa học nhờ enzyme amylase của tuyến nước bọt giúp biến đổi một phần tinh bột chín trong thức ăn thành đường maltose.

- (6), (1) Dạ dày là nơi nhận thức ăn từ thực quản xuống, tiếp tục quá trình tiêu hóa cơ học và hóa học. Hoạt động co bóp của dạ dày giúp thức ăn được nhuyễn và thấm đều dịch vị. Enzyme pepsin giúp biến đổi một phần protein trong thức ăn.

- (4), (5) Thức ăn từ dạ dày được chuyển xuống tá tràng, tại đây có dịch tụy, dịch mật đổ vào. Niêm mạc ruột non chứa tuyến ruột tiết ra dịch ruột. Ba loại dịch trên chứa các enzyme tiêu hóa giúp biến đổi chất dinh dưỡng trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.

- (7), (2) Phần lớn các chất dinh dưỡng đã được hấp thụ qua thành ruột non, thức ăn chuyển xuống ruột già sẽ hấp thụ thêm một số chất dinh dưỡng, chủ yếu là hấp thụ lại nước, cô đặc chất bã. Một số vi khuẩn của ruột già phân hủy những chất còn lại của protein, carbohydrate, lên men tạo thành phân được thải ra ngoài nhờ nhu động của ruột già và theo cơ chế phản xạ.

Bài 29.8 trang 58

Những phát biểu nào dưới đây về quá trình dinh dưỡng là đúng?

(1) Dinh dưỡng là quá trình gồm 5 giai đoạn: thu nhận thức ăn, tiêu hoá thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng, tổng hợp và phân giải các chất, thải bã.

(2) Quá trình dinh dưỡng giúp cung cấp nguyên liệu và năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào.

(3) Quá trình dinh dưỡng là một phần của quá trình tiêu hoá.

(4) Các chất dinh dưỡng trong thức ăn được tế bào sử dụng thông qua quá trình dinh dưỡng.

A. (1), (2), (3).

B. (1), (2), (4).

C. (2), (3), (4).

D. (1), (3), (4).

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

(1) Đúng. Dinh dưỡng là quá trình gồm 5 giai đoạn: thu nhận thức ăn, tiêu hoá thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng, tổng hợp và phân giải các chất, thải bã.

(2) Đúng. Quá trình dinh dưỡng giúp cung cấp nguyên liệu và năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào.

(3) Sai. Quá trình tiêu hoá là một phần của quá trình dinh dưỡng.

(4) Đúng. Các chất dinh dưỡng trong thức ăn được tế bào sử dụng thông qua quá trình dinh dưỡng.

Bài 29.9 trang 58

Những phát biểu nào dưới đây về bảng thông tin dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm là đúng?

(1) Bảng thông tin dinh dưỡng cung cấp thông tin về năng lượng, thành phần các chất dinh dưỡng.

(2) Không thể xác định được lượng chất dinh dưỡng chúng ta đã ăn từ loại thực phẩm đó bằng việc đọc thông tin trong bảng dinh dưỡng.

(3) Có thể xác định tỉ lệ phần trăm so với nhu cầu hằng ngày của các chất dinh dưỡng ở tất cả các loại bảng thông tin dinh dưỡng.

(4) Một số loại bảng thông tin dinh dưỡng có màu sắc để chỉ chất dinh dưỡng nào nên ăn hạn chế, chất dinh dưỡng nào nên ăn bổ sung.

A. (1), (2).

B. (2), (4).

C. (1), (4).

D. (3), (4).

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: C.

(1) Đúng. Bảng thông tin dinh dưỡng cung cấp thông tin về năng lượng, thành phần các chất dinh dưỡng.

(2) Sai. Có thể xác định được lượng chất dinh dưỡng chúng ta đã ăn từ loại thực phẩm đó bằng việc đọc thông tin trong bảng dinh dưỡng.

(3) Sai. Không thể xác định tỉ lệ phần trăm so với nhu cầu hằng ngày của các chất dinh dưỡng ở tất cả các loại bảng thông tin dinh dưỡng. Vì một số bảng thông tin dinh dưỡng ghi chung, khó xác định định lượng (gram hoặc mililit,…).

(4) Đúng. Một số loại bảng thông tin dinh dưỡng có màu sắc để chỉ chất dinh dưỡng nào nên ăn hạn chế, chất dinh dưỡng nào nên ăn bổ sung.

Bài 29.10 trang 58

Những phát biểu nào dưới đây về chế độ dinh dưỡng hợp lí là đúng?

(1) Chế độ dinh dưỡng hợp lí là số lượng thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày.

(2) Chế độ dinh dưỡng hợp lí giúp cơ thể phát triển cân đối, phòng ngừa bệnh tật và nâng cao sức đề kháng.

(3) Chế độ dinh dưỡng hợp lí cung cấp đầy đủ, cân bằng về các nhóm chất dinh dưỡng.

(4) Chế độ dinh dưỡng hợp lí cung cấp năng lượng phù hợp với nhu cầu của cơ thể.

A. (1), (2), (3).

B. (2), (3), (4).

C. (1), (3), (4).

D. (1), (2), (4).

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: B.

(1) Sai. Chế độ dinh dưỡng hợp lí là số lượng, thành phần các loại thực phẩm một người sử dụng giúp cung cấp đầy đủ, cân bằng về năng lượng và các nhóm chất dinh dưỡng, đảm bảo nhu cầu của cơ thể.

(2) Đúng. Chế độ dinh dưỡng hợp lí giúp cơ thể phát triển cân đối, phòng ngừa bệnh tật và nâng cao sức đề kháng.

(3) Đúng. Chế độ dinh dưỡng hợp lí cung cấp đầy đủ, cân bằng về các nhóm chất dinh dưỡng.

(4) Đúng. Chế độ dinh dưỡng hợp lí cung cấp năng lượng phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Tùy theo giới tính, độ tuổi, loại hình lao động, điều kiện môi trường sống,… mà nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người khác nhau.

Bài 29.11 trang 59

Trình bày nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh của các bệnh: sâu răng, tiêu chảy, táo bón.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Bệnh

Nguyên nhân

Hậu quả

Cách phòng tránh

Sâu răng

- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ.

- Vi khuẩn.

- Thức ăn nhiều đường.

Cấu trúc răng bị phá huỷ gây đau răng, mất răng.

- Vệ sinh răng miệng đúng cách.

- Khám răng định kì.

- Tránh các thực phẩm nhiều đường.

Tiêu chảy

- Ô nhiễm thực phẩm.

- Ô nhiễm nguồn nước.

- Sử dụng thuốc kháng sinh không đúng chỉ dẫn.

- Dị ứng.

Mất nước, mất điện giải, có thể dẫn đến tử vong.

- Ăn chín, uống sôi.

- Thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Giữ gìn vệ sinh nguồn nước.

Táo bón

- Chế độ ăn ít chất xơ, không đủ nước.

- Ít vận động.

- Nhịn đại tiện.

- Ứ phân trong đại tràng.

- Nứt hậu môn dẫn đến chảy máu trong hoặc sau khi đại tiện.

- Sa trực tràng.

- Gây bệnh trĩ.

- Bổ sung chất xơ, uống nhiều nước.

- Tăng cường luyện tập thể dục.

- Tạo thói quen đi vệ sinh.

Sách bài tập Khoa học Tự nhiên 8 | Kết nối tri thức với cuộc sống

Bài 32.1 trang 85

Các cơ quan trong ống tiêu hoá bao gồm:

A. miệng, thực quản, dạ dày, gan, ruột non, ruột già.

B. miệng, hầu, thực quản, dạ dày, tụy, ruột non, ruột già.

C. miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già.

D. miệng, thực quản, dạ dày, túi mật, ruột non, ruột già.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: C.

- Các cơ quan trong ống tiêu hoá bao gồm: miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già.

Bài 32.2 trang 86

Sâu răng là tình trạng tổn thương phần mô cứng của răng do

A. có sâu trong miệng.

B. không đánh răng thường xuyên.

C. tế bào răng bị mòn đi vì hoạt động nhai.

D. vi khuẩn hình thành các lỗ nhỏ trên răng.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: D.

- Sâu răng là tình trạng tổn thương phần mô cứng của răng do vi khuẩn gây ra, hình thành các lỗ nhỏ trên răng. Khi lỗ sâu răng lan sâu và rộng sẽ gây đau, thức ăn dễ bị nhét vào lỗ sâu gây khó chịu.

Bài 32.3 trang 86

Điền từ còn thiếu vào chỗ trống để thu được nội dung đúng.

Khi …(1)… được nghiền nhỏ, được …(2)… đẩy vào hầu, thức ăn chạm vào gốc lưỡi sẽ gây phản xạ …(3)…, lưỡi nâng lên, đồng thời nắp thanh quản hạ xuống, bịt đường vào khí quản, khẩu cái mềm chặn đường lên khoang mũi, chỉ còn đường …(4)… mở để thức ăn lọt vào nhờ các cơ ở thành thực quản co bóp đưa viên thức ăn xuống …(5)…

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

(1) thức ăn

(2) lưỡi

(3) nuốt

(4) thực quản

(5) dạ dày

Bài 32.4 trang 86

Ghép các thông tin trong cột A với cột B trong bảng sau sao cho phù hợp.

A. Tên cơ quan của hệ tiêu hoá

B. Chức năng của cơ quan

1. Miệng

a) Nuốt thức ăn

2. Hầu

b)Thải phân ra khỏi cơ thể

3.Thực quản

c) Chứa, nghiền bóp và nhào trộn thức ăn cho ngấm dịch vị

4. Dạ dày

d) Cắt, xé và nghiền thức ăn; chuyển, tạo viên thức ăn và đẩy thức ăn

5. Ruột non

e) Hấp thụ nước, tạo phân

6. Ruột già

g) Chuyển thức ăn xuống dạ dày

7. Hậu môn

h) Tiêu hoá thức ăn và hấp thụ các chất

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

1 – d: Miệng cắt, xé và nghiền thức ăn; chuyển, tạo viên thức ăn và đẩy thức ăn.

2 – a: Hầu nuốt thức ăn.

3 – g: Thực quản chuyển thức ăn xuống dạ dày.

4 – c: Dạ dày chứa, nghiền bóp và nhào trộn thức ăn cho ngấm dịch vị.

5 – h: Ruột non tiêu hoá thức ăn và hấp thụ các chất.

6 – e: Ruột già hấp thụ nước, tạo phân.

7 – b: Hậu môn thải phân ra khỏi cơ thể.

Bài 32.5 trang 86

Các khẳng định sau đây đúng hay sai về thói quen ăn uống?

STT

Khẳng định

Đúng/Sai

1

Ăn nhiều rau củ, trái cây

?

2

Ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên/rán, đông lạnh thường xuyên

?

3

Dự trữ thức ăn quá lâu và đun lại thức ăn nhiều lần

?

4

Tránh chất béo và các chất kích thích như cà phê, thuốc lá; đồ uống có cồn, có ga,... vào bữa tối

?

5

Tinh thần lúc ăn không được vui vẻ, thoải mái thậm chí căng thẳng

?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

STT

Khẳng định

Đúng/Sai

1

Ăn nhiều rau củ, trái cây

Đúng

2

Ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên/rán, đông lạnh thường xuyên

Sai

3

Dự trữ thức ăn quá lâu và đun lại thức ăn nhiều lần

Sai

4

Tránh chất béo và các chất kích thích như cà phê, thuốc lá; đồ uống có cồn, có ga,... vào bữa tối

Đúng

5

Tinh thần lúc ăn không được vui vẻ, thoải mái thậm chí căng thẳng

Sai


Bài 32.6 trang 87

Khi nhu động ruột kém hơn bình thường hoặc khi phân trở nên cứng và khó thải ra ngoài thì được gọi là táo bón. Biện pháp nào dưới đây giúp cải thiện tình trạng táo bón?

1) Ăn nhiều rau xanh;

2) Hạn chế thức ăn chứa nhiều tinh bột và protein;

3) Uống nhiều nước;

4) Uống chè đặc.

A. 2, 3.

B. 1, 3.

C. 1, 2.

D. 1, 2, 3.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Đáp án đúng là: D.

- Trong các biện pháp trên, biện pháp giúp cải thiện tình trạng táo bón là:

1) Ăn nhiều rau xanh;

2) Hạn chế thức ăn chứa nhiều tinh bột và protein;

3) Uống nhiều nước;

- Uống nước chè đặc sẽ khiến tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn: Trong nước chè có chứa nhiều acid không những làm giảm sự co bóp của ruột mà còn làm lắng đọng protein, các peptid, chất sắt, ion kim loại, làm cho phân khô gây chứng táo bón hoặc khiến cho người vốn bị táo bón lại bị nặng thêm.

Bài 32.7 trang 87

Hãy tưởng tượng, trong tương lai em là một bác sĩ dinh dưỡng, công việc chính là tư vấn sức khoẻ và đưa ra hướng điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hoá và dinh dưỡng cho bệnh nhân. Em hãy phân tích các tác nhân (tác nhân sinh học, chất độc có trong thức ăn, thói quen ăn uống,...) có thể gây hại cho hệ tiêu hoá.

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Các tác nhân gây hại cho hệ tiêu hoá có thể kể đến như:

- Các tác nhân sinh học:

+ Nhóm vi sinh vật hoại sinh: ở miệng, các vi sinh vật thường bám vào các kẽ răng để lên men thức ăn, tạo ra môi trường acid làm hỏng răng. Ở ruột và dạ dày, các vi sinh vật thường gây ôi thiu thức ăn, gây rối loạn tiêu hoá với các triệu chứng như: tiêu chảy, đau bụng, nôn ói,...

+ Nhóm sinh vật kí sinh: Giun sán kí sinh gây viêm loét niêm mạc ruột. Vi sinh vật kí sinh trong ống tiêu hoá, tuyến tiêu hoá gây viêm loét thành ống và tuyến tiêu hoá.

+ Nhóm vi khuẩn, virus kí sinh gây hại cho hệ tiêu hoá.

- Các chất độc trong thức ăn, đồ uống: có thể làm tê liệt lớp niêm mạc của ống tiêu hoá gây ung thư cho hệ tiêu hoá.

- Ăn không đúng cách: có thể làm hoạt động tiêu hoá kém hiệu quả, gây hại cho hệ tiêu hoá.

- Khẩu phần ăn không hợp lí: có thể gây rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, nôn ói,...

Bài 32.8 trang 87

Tại sao chất dinh dưỡng gần như không được hấp thụ ở dạ dày mà chỉ được hấp thụ chủ yếu ở ruột non?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Thức ăn gần như không được hấp thụ ở dạ dày mà chỉ được hấp thụ chủ yếu ở ruột non vì:

- Ở dạ dày, thức ăn chưa được biến đổi xong về mặt hoá học.

- Thức ăn được hấp thụ chủ yếu ở ruột non vì:

+ Sau đoạn tá tràng, thức ăn được biến đổi hoàn toàn thành những chất đơn giản mà cơ thể có khả năng hấp thụ được.

+ Niêm mạc ruột có nhiều nếp gấp, trong đó có nhiều lông ruột, mỗi lông ruột có vô số lông cực nhỏ đã làm tăng diện tích tiếp xúc giữa niêm mạc với thức ăn lên nhiều lần.

+ Trong lông ruột có hệ thống mạng lưới mao mạch máu và mạch bạch huyết dày đặc tạo điều kiện cho sự hấp thụ và vận chuyển các chất được nhanh chóng.

Bài 32.9 trang 87

Một người ở độ tuổi 12 đến 14 có nhu cầu tiêu dùng năng lượng mỗi ngày là 2 310 Kcal, trong số năng lượng đó protein chiếm 19%, lipid chiếm 13% còn lại là carbohydrate. Biết rằng: 1 gam protein oxy hoá hoàn toàn giải phóng 4,1 Kcal; 1 gam lipid oxy hoá hoàn toàn giải phóng 9,3 Kcal; 1 gam carbohydrate oxy hoá hoàn toàn giải phóng 4,3 Kcal.

a) Tính tổng số gam protein, lipid, carbohydrate cần cung cấp cho cơ thể trong một ngày.

b) Nhu cầu năng lượng của mỗi người phụ thuộc vào những yếu tố nào?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

a) Tính tổng số gam protein, lipid, carbohydrate cung cấp cho cơ thể trong một ngày.

- Tính được số năng lượng của mỗi chất:

+ Số năng lượng protein chiếm 19% là:

2 310 × 19 : 100 = 438,9 Kcal.

+ Số năng lượng lipid chiếm 13% là:

2 310 × 13 : 100 = 300,3 Kcal.

+ Số năng lượng carbohydrate chiếm (100% - 19% - 13% = 68%) là:

2 310 × 68 : 100 = 1 570,8 Kcal.

- Tính được số gam protein, lipid, carbohydrate:

+ Lượng protein là:

438,9 : 4,1 = 107 (gam).

+ Lượng lipid là:

300,3 : 9,3 = 32,3 (gam).

+ Lượng carbohydrate là:

1570,8 : 4,3 = 365,3 (gam).

b) Nhu cầu năng lượng của mỗi người sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào tuổi, giới tính, chuyển hoá cơ bản, mức độ lao động và môi trường lao động, kích thước cơ thể, tình trạng bệnh tật,...

Post a Comment

Previous Post Next Post