MỤC TIÊU
- Nêu được các nguyên tắc xây dựng bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học.
- Mô tả được cấu tạo bảng tuần hoàn gồm: ô, nhóm, chu kì.
- Sử dụng được bảng tuần hoàn để chỉ ra các nhóm nguyên tố/ nguyên tố kim loại, các nhóm nguyên tố/ nguyên tố phi kim, nhóm nguyên tố khí hiếm trong bảng tuần hoàn.
TÓM TẮT KIẾN THỨC
💡 Mở đầu
Khi nghiên cứu quy luật biến đổi tính chất của các nguyên tố, các nhà khoa học đã tìm cách sắp xếp các nguyên tố vào một bảng theo nguyên tắc nhất định, gọi là bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học. Các nguyên tố hoá học được sắp xếp theo nguyên tắc nào? Chúng ta biết được thông tin gì từ bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học?
- Nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn:
+ Các nguyên tố hoá học trong bảng tuần hoàn được sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân nguyên tử.
+ Các nguyên tố hoá học có cùng số lớp electron trong nguyên tử được sắp xếp thành một hàng.
+ Các nguyên tố có tính chất hoá học tương tự nhau được xếp thành một cột.
- Chúng ta biết được một số thông tin từ bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học:
+ Sử dụng bảng tuần hoàn để biết các thông tin của một nguyên tố hoá học:
• Tên nguyên tố
• Số hiệu nguyên tử
• Kí hiệu hoá học
• Khối lượng nguyên tử
+ Sử dụng bảng tuần hoàn để biết vị trí của nguyên tố hoá học (ô, chu kì, nhóm). Từ đó nhận ra được tính chất cơ bản của nguyên tố (kim loại, phi kim, khí hiếm)
1. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG BẢNG TUẦN HOÀN CÁC NGUYÊN TỐ HOÁ HỌC
Trình bày nguyên tắc xây dựng bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
Như đã biết, hạt nhân nguyên tử được cấu tạo từ proton mang điện tích dương và neutron không mang điện. Cơ sở chính để sắp xếp các nguyên tố hoá học vào bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học (gọi tắt là bảng tuần hoàn) là dựa vào điện tích hạt nhân nguyên tử.
👨👩👧👦 Thảo luận
1. Quan sát Hình 4.1, em hãy cho biết
a) nguyên tử của những nguyên tố nào có cùng số lớp electron.
b) nguyên tử của những nguyên tố nào có số electron ở lớp ngoài cùng bằng nhau.
a) Nguyên tử của những nguyên tố trong một hàng có cùng số lớp electron. Cụ thể trong Hình 4.1:
- Hàng thứ nhất gồm hai nguyên tố H và He đều có 1 lớp electron.
- Hàng thứ hai gồm 8 nguyên tố Li, Be, B, C, N, O, F, Ne đều có 2 lớp electron.
- Hàng thứ ba gồm 8 nguyên tố Na, Mg, Al, Si, P, S, Cl, Ar đều có 3 lớp electron.
- Hàng thứ tư gồm K và Ca đều có 4 lớp electron.
b) Nguyên tử của những nguyên tố trong cùng một cột có số electron ở lớp ngoài cùng bằng nhau. Ví dụ:
- Cột thứ nhất gồm H, Li, Na, K đều có 1 electron lớp ngoài cùng.
- Cột thứ hai gồm Be, Mg, Ca đều có 2 electron lớp ngoài cùng.
- Cột thứ ba gồm B, Al đều có 3 electron lớp ngoài cùng.
📝 Củng cố
Dựa vào cơ sở nào để xếp các nguyên tố hoá học trong bảng tuần hoàn?
Nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố hoá học trong bảng tuần hoàn:
• Các nguyên tố hoá học trong bảng tuần hoàn được sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân của nguyên tử.
• Các nguyên tố hoá học có cùng số lớp electron trong nguyên tử được xếp thành một hàng.
• Các nguyên tố có tính chất hoá học tương tự nhau được xếp thành một cột.
✍️ Ghi nhớ
Nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố hoá học trong bảng tuần hoàn:
• Các nguyên tố hoá học trong bảng tuần hoàn được sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân của nguyên tử.
• Các nguyên tố hoá học có cùng số lớp electron trong nguyên tử được xếp thành một hàng.
• Các nguyên tố có tính chất hoá học tương tự nhau được xếp thành một cột.
📖 Mở rộng
Trước năm 1869, đã có khá nhiều nguyên tố hoá học được phát hiện, thế nhưng người ta vẫn chưa biết được mối quan hệ giữa chúng Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và đề xuất cách phân loại các nguyên tố hoá học nhưng chưa ai đưa ra được nguyên tắc phân loại đúng đắn. Vì vậy, quy luật thay đổi tính chất của các nguyên tố hoá học vẫn còn là một ẩn số ở thời điểm đó. Vào năm 1869, giáo sư trường Đại học St. Petersburg là Dmitri Ivanovich Mendeleev (1834 – 1907) đã tiến hành nghiên cứu việc phân loại các nguyên tố hoá học. Cuối cùng, Mendeleev đã phát hiện ra sự thay đổi tuần hoàn tính chất của các nguyên tố theo khối lượng nguyên tử (thời đó người ta gọi là nguyên tử lượng) của chúng. Ông sắp xếp 63 nguyên tố hoá học đã được phát hiện trong thời kì đó vào bảng tuần hoàn các nguyên tố theo chiều tăng dần của khối lượng nguyên tử. Tuy nhiên, việc xếp các nguyên tố hoá học dựa theo khối lượng nguyên tử cũng gặp một số trường hợp không phù hợp với sự biến đổi tính chất của chúng.
2. CẤU TẠO BẢNG TUẦN HOÀN CÁC NGUYÊN TỐ HOÁ HỌC
2.1. Mô tả cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
- Bảng tuần hoàn gồm các nguyên tố hoá học mà vị trí được đặc trưng bởi ô nguyên tố, chu kì và nhóm.
- Các nguyên tố họ lanthanide và họ actinide được xếp riêng thành 2 hàng ở cuối bảng tuần hoàn (Hình 4.2).
2.2. Tìm hiểu về ô nguyên tố trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
- Trong bảng tuần hoàn, mỗi ô nguyên tố cho biết các thông tin cần thiết về một nguyên tố hoá học.
- Số hiệu nguyên tử bằng số đơn vị điện tích hạt nhân (bằng số proton trong hạt nhân) và bằng số electron trong nguyên tử. Số hiệu nguyên tử cũng là số thứ tự của nguyên tố trong bảng tuần hoàn.
- Ví dụ 1: Nguyên tố hydrogen có số hiệu nguyên tử là 1. Điều này cho biết nguyên tố hydrogen ở ô số 1 trong bảng tuần hoàn, điện tích hạt nhân là +1 (do có 1 proton trong hạt nhân) và có 1 electron trong nguyên tử.
2.3. Tìm hiểu về chu kì trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
- Các nguyên tố hoá học có cùng số lớp electron trong nguyên tử được sắp xếp vào cùng một hàng ngang trong bảng tuần hoàn, gọi là chu kì.
- Hiện nay, bảng tuần hoàn có tất cả 7 chu kì. Nếu xét về số lượng các nguyên tố trong mỗi chu kì thì người ta chia làm hai loại chu kì như sau:
+ Chu kì nhỏ gồm các chu kì 1, 2, 3.
+ Chu kì lớn gồm các chu kì 4, 5, 6, 7.
- Dựa vào số thứ tự của chu kì, ta dễ dàng biết được số lớp electron trong một nguyên tử.
2.4. Tìm hiểu về nhóm trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
- Nhóm là tập hợp các nguyên tố có tính chất hoá học tương tự nhau và được xếp thành cột, theo chiều tăng dần về điện tích hạt nhân.
- Dựa vào đây, người ta xếp các nguyên tố hoá học vào từng nhóm, được kí hiệu bằng các chữ số La Mã (từ I đến VIII) trong bảng tuần hoàn.
- Ví dụ 2: Quan sát bảng tuần hoàn, ta thấy:
+ Nhóm IA gồm các nguyên tố kim loại hoạt động mạnh (trừ H). Nguyên tử của chúng đều có 1 electron ở lớp ngoài cùng. Điện tích hạt nhân tăng từ Li (+3) đến Fr (+87).
+ Nhóm VIIA gồm các nguyên tố phi kim hoạt động mạnh (trừ At, Ts). Nguyên tử của chúng đều có 7 electron ở lớp ngoài cùng. Điện tích hạt nhân tăng từ F (+9), đến Ts (+117).
👨👩👧👦 Thảo luận
2. Dựa vào thông tin được cung cấp và Hình 4.2, em hãy cho biết bảng tuần hoàn được cấu tạo như thế nào?
- Bảng tuần hoàn gồm các nguyên tố hoá học mà vị trí được đặc trưng bởi ô nguyên tố, chu kì và nhóm.
- Các nguyên tố họ lanthanide và họ actinide được xếp riêng thành 2 hàng ở cuối bảng tuần hoàn.
📝 Củng cố
Cho biết những thông tin cơ bản về nguyên tố hoá học đã cho dưới đây.
Ô nguyên tố trên cho biết:
- Số hiệu nguyên tử = số đơn bị điện tích hạt nhân (bằng số proton trong hạt nhân) = số electron trong nguyên tử = số thứ tự của nguyên tố trong bảng tuần hoàn = 16.
- Tên nguyên tố: Oxygen.
- Kí hiệu hoá học: O.
- Khối lượng nguyên tử: 16 amu.
👨👩👧👦 Thảo luận
3. Số hiệu nguyên tử của một nguyên tố hoá học cho biết những thông tin gì về nguyên tố đó.
- Số hiệu nguyên tử = số đơn vị điện tích hạt nhân = số proton trong hạt nhân = số electron trong nguyên tử = số thứ tự của nguyên tố trong bảng tuần hoàn.
- Ví dụ: Nguyên tử hydrogen có số hiệu nguyên tử là 1.
⟹ Nguyên tố hydrogen ở ô số 1 trong bảng tuần hoàn, điện tích hạt nhân là +1 (do có 1 proton trong hạt nhân) và có 1 electron trong nguyên tử.
👨👩👧👦 Thảo luận
4. Quan sát Hình 4.4 và trả lời các câu hỏi sau:
a) Mỗi chu kì bắt đầu từ nhóm nào và kết thúc ở nhóm nào?
b) Em hãy chỉ ra sự tuần hoàn ở mỗi chu kì trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học.
a) Mỗi chu kì bắt đầu từ nhóm IA và kết thúc ở nhóm VIIIA.
b) Các nguyên tố trong chu kì được sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân.
- Trong 1 chu kì, xét từ trái qua phải, số electron ở lớp ngoài cùng tăng dần từ 1 đến 8.
- Khi bắt đầu 1 chu kì mới, nguyên tố đầu tiên có 1 electron ở lớp ngoài cùng tương ứng với nhóm IA và tăng dần đến 8 tương ứng với nhóm VIIIA.
👨👩👧👦 Thảo luận
5. Quan sát Hình 4.5, cho biết những nguyên tố nào có tính chất tương tự nhau.
Các nguyên tố trong cùng 1 nhóm (cùng 1 cột dọc) sẽ có tính chất hoá học tương tự nhau.
- Các nguyên tố nhóm IA (trừ H) đều là nguyên tố kim loại hoạt động mạnh.
- Các nguyên tố nhóm VIIA đều là nguyên tố phi kim hoạt động mạnh.
- Các nguyên tố nhóm VIIIA đều là các khí hiếm, trơ, không tham gia các phản ứng.
📝 Củng cố
Dựa vào Hình 4.2, hãy hoàn thành các thông tin còn thiếu trong bảng sau:
Nguyên tố
Kí hiệu hoá học
Nhóm
Chu kì
Calcium
?
?
?
?
P
?
?
Xenon
?
?
?
Nguyên tố |
Kí hiệu hoá học |
Nhóm |
Chu kì |
Calcium |
Ca |
IIA |
4 |
Phosphorus |
P |
VA |
3 |
Xenon |
Xe |
VIIA |
5 |
✍️ Ghi nhớ
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học có cấu tạo gồm các ô nguyên tố, chu kì và nhóm.
• Tập hợp các nguyên tố hoá học có cùng số lớp electron trong nguyên tử theo hàng ngang được gọi là chu kì. Các nguyên tố trong chu kì được sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân. Số thứ tự của chu kì bằng số lớp electron.
• Tập hợp các nguyên tố hoá học theo cột dọc, có tính chất hoá học tương tự nhau và sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân được gọi là nhóm.
3. CÁC NGUYÊN TỐ KIM LOẠI
3.1. Tìm hiểu các nguyên tố kim loại nhóm A
- Các nguyên tố kim loại nhóm A gồm nhóm IA (trừ nguyên tố hydrogen), nhóm IIA, nhóm IIIA (trừ nguyên tố boron), ...
Các nguyên tố kim loại thuộc nhóm IA được gọi là nhóm kim loại kiềm (Hình 4.6).
Các nguyên tố kim loại thuộc nhóm IIA được gọi là nhóm kim loại kiềm thổ (Hình 4.7).
3.2. Tìm hiểu các nguyên tố kim loại nhóm B
Các nguyên tố nhóm B đều là kim loại, mỗi nhóm B tương ứng với một cột trong bảng tuần hoàn (trừ nhóm VIIIB có 3 cột). Một số kim loại nhóm B có ứng dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày nhu: iron, copper, silver, ...
👨👩👧👦 Thảo luận
6. Dựa vào bảng tuần hoàn (Hình 4.2), em hãy cho biết vị trí (nhóm, chu kì) của các nguyên tố K Mg, Al.
Nguyên tố |
Số thứ tự ô |
Nhóm |
Chu kì |
K |
19 |
IA |
4 |
Mg |
12 |
IIA |
3 |
Al |
13 |
IIIA |
3 |
👨👩👧👦 Thảo luận
7. Một kim loại ở thể lỏng trong điều kiện thường, được ứng dụng để chế tạo nhiệt kế. Đó là kim loại nào? Cho biết vị trí (chu kì, nhóm) của nguyên tố kim loại đó.
- Ở điều kiện thường, kim loại duy nhất tồn tại ở thể lỏng là thuỷ ngân (mercury) kí hiệu là Hg.
- Thuỷ ngân được ứng dụng để chế tạo nhiệt kế.
- Thuỷ ngân (mercury) ở ô số 80, chu kì 6, nhóm IIB trong bảng tuần hoàn.
♻️ Vận dụng
Mỗi kim loại đều có vai trò và ứng dụng khác nhau trong đời sống, em hãy cho biết những kim loại nào thường được sử dụng để làm trang sức. Dựa vào Hình 4.2, hãy cho biết vị trí (ô, chu kì, nhóm) của chúng trong bảng tuần hoàn.
Những kim loại thường được sử dụng làm đồ trang sức: Vàng (gold), bạc (silver), platinum.
- Vàng (gold - Au) ở ô 79, chu kì 6, nhóm IB.
- Bạc (silver - Ag) ở ô 47, chu kì 5, nhóm IB.
- Bạch kim (platinum - Pt) ở ô 78, chu kì 6, nhóm VIIIB.
✍️ Ghi nhớ
Hơn 80% các nguyên tố hoá học trong bảng tuần hoàn là kim loại, bao gồm một số nguyên tố nhóm A và tất cả các nguyên tố nhóm B.
4. CÁC NGUYÊN TỐ PHI KIM
Chỉ ra vị trí của nhóm nguyên tố phi kim
Nhóm nguyên tố phi kim chủ yếu tập trung ở góc bên phải của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học.
👨👩👧👦 Thảo luận
8. Carbon, nitrogen, oxygen và chlorine là những nguyên tố phi kim phổ biến và gần gũi trong đời sống. Em hãy cho biết vị trí (nhóm, chu kì) của chúng trong bảng tuần hoàn.
- Carbon (C) thuộc chu kì 2, nhóm IVA.
- Nitrogen (N) thuộc chu kì 2, nhóm VA.
- Oxygen (O) thuộc chu kì 2, nhóm VIA.
- Chlorine (Cl) thuộc chu kì 3, nhóm VIIA.
♻️ Vận dụng
Tìm hiểu qua thực tế, hãy cho biết nguyên tố phi kim nào có trong thành phần của kem đánh răng. Nguyên tố phi kim nào có trong thành phần muối ăn? Chúng thuộc chu kì và nhóm nào trong bảng tuần hoàn?
- Nguyên tố phi kim có trong thành phần kem đánh răng là: fluorine có kí hiệu hoá học là F.
+ Nhóm: VIIA
+ Chu kì: 2
- Thành phần chính của muối ăn là: sodium chloride (NaCl).
⟹ Nguyên tố phi kim trong muối ăn là chlorine có kí hiệu hoá học là Cl.
+ Nhóm: VIIA
+ Chu kì: 3.
📖 Mở rộng
• Ở điều kiện thường, các phi kim có thể ở thể rắn, lỏng hoặc khí.
• Nhóm nguyên tố phi kim VIIA được gọi là nhóm nguyên tố halogen. Các đơn chất thuộc nhóm halogen có một số đặc điểm như:
- Có màu sắc đậm dần từ fluorine tới iodine, thể thay đổi từ khí – lỏng – rắn.
- Độc hại đối với các sinh vật.
✍️ Ghi nhớ
Các nguyên tố phi kim bao gồm:
- Nguyên tố hydrogen ở nhóm IA.
- Một số nguyên tố nhóm IIIA và IVA.
- Hầu hết các nguyên tố thuộc nhóm VA, VIA và VIA.
5. NHÓM CÁC NGUYÊN TỐ KHÍ HIẾM
Chỉ ra vị trí của nhóm nguyên tố khí hiếm
Nhóm VIIIA gồm các nguyên tố khí hiếm: Helium (He), Neon (Ne), Argon (Ar), Krypton (Kr), Xenon (Xe), Radon (Rn) và Oganesson (Og là nguyên tố nhân tạo). Các nguyên tố này chiếm tỉ lệ thể tích rất ít trong không khí nhưng chúng có những ứng dụng quan trọng trong đời sống.
Bảng 4.1. Hàm lượng các nguyên tố khí hiếm có trong không khí
Khí hiếm |
Hàm lượng trong không khí (%) |
Helium (He) |
Rất ít |
Argon (Ar) |
< 1 % |
Neon (Ne) |
0,002 % |
Krypton (Kr) |
0,0001 % |
Xenon (Xe) |
< 0,0001 % |
👨👩👧👦 Thảo luận
9. Sử dụng Hình 4.1, em hãy nhận xét về số electron lớp ngoài cùng trong nguyên tử của các nguyên tố khí hiếm.
- Nguyên tố khí hiếm thuộc nhóm VIIIA trong bảng tuần hoàn.
- Các nguyên tố thuộc nhóm VIIIA (trừ He) đều có 8 electron ở lớp ngoài cùng.
⟹ Ngoài He có 2 electron ở lớp ngoài cùng thì các nguyên tố khí hiếm đều có 8 electron ở lớp ngoài cùng.
✍️ Ghi nhớ
Nhóm cuối cùng của bảng tuần hoàn là nhóm các nguyên tố khí hiếm (nhóm VIIIA).
♻️ Vận dụng
Vào những dịp Tết hay lễ hội ở một số thành phố hoặc khu vui chơi giải trí công cộng, chúng ta thường nhìn thấy những khinh khí cầu đủ màu sắc bay trên bầu trời. Theo em, người ta đã bơm khí nào trong số các khí: oxygen, helium, hydrogen vào khinh khí cầu? Giải thích sự lựa chọn đó.
- Người ta đã bơm vào khinh khí cầu khí helium vì helium nhẹ hơn không khí và kém hoạt động, không gây cháy nổ.
- Không sử dụng khí oxygen vì khí oxygen nặng hơn không khí, khinh khí cầu không thể bay lên được.
- Không sử dụng khí hydrogen vì khí hydrogen dễ gây cháy nổ khi tiếp xúc với khí oxygen (có nhiệt độ).
📖 Mở rộng
• Ở điều kiện thường, các nguyên tố khí hiếm có những đặc điểm giống nhau như:
- Chất khí không màu, tồn tại tự nhiên trong không khí với hàm lượng thấp.
- Tồn tại dưới dạng đơn nguyên tử.
- Các nguyên tố của nhóm khí hiếm rất kém hoạt động, hầu như không phản ứng với nhau và với các chất khác.
• Một số ứng dụng của khí hiếm trong đời sống:
- Khí hiếm được ứng dụng nhiều nhất trong công nghệ chế tạo bóng đèn. Các bóng đèn chứa xenon, argon và neon có thể phát ra ánh sáng với các màu sắc khác nhau.
- Xenon được sử dụng để làm khí gây mê toàn phần; ứng dụng trong năng lượng hạt nhân; là tác nhân oxi hoá trong hoá học phân tích; ứng dụng trong tinh thể học protein.
BÀI TẬP
✍️ Bài tập
1. Trong bảng tuần hoàn, các nguyên tố hoá học được sắp xếp theo
A. thứ tự chữ cái trong từ điển.
B. thứ tự tăng dần điện tích hạt nhân.
C. thứ tự tăng dần số hạt electron lớp ngoài cùng.
D. thứ tự tăng dần số hạt neutron.
Các nguyên tố hoá học trong bảng tuần hoàn được sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân của nguyên tử. ⟹ Đáp án: B.
✍️ Bài tập
2. Những nguyên tố hoá học nào sau đây thuộc cùng một nhóm?
A. O, S, Se
B. N, O, F
C. Na, Mg, K
D. Ne, Na, Mg
A. O, S, Se thuộc cùng nhóm VIA
B. N thuộc nhóm VA, O thuộc nhóm VIA, F thuộc nhóm VIIA
C. Na, K thuộc nhóm IA, Mg thuộc nhóm IIA
D. Ne thuộc nhóm VIIIA, Na thuộc nhóm IA, Mg thuộc nhóm IIA
⟹ Đáp án: A.
✍️ Bài tập
3. Những nguyên tố hoá học nào sau đây thuộc cùng một chu kì?
A. Li, Si, Ne
B. Mg, P, Ar
C. K, Fe, Ag
D. B, Al, In
A. Li thuộc chu kì 2, Si thuộc chu kì 3, Ne thuộc chu kì 2
B. Mg, P, Ar đều thuộc chu kì 3
C. K, Fe thuộc chu kì 4, Ag thuộc chu kì 5
D. B thuộc chu kì 2, Al thuộc chu kì 3, In thuộc chu kì 5
⟹ Đáp án: B
✍️ Bài tập
4. Cho các nguyên tố sau: Ge, S, Br, Pb, C, Mo, Ba, Ar, Hg. Hãy sắp xếp chúng vào bảng dưới đây.
Kim loại
Phi kim
Khí hiếm
?
?
?
Kim loại |
Phi kim |
Khí hiếm |
Ge, Pb, Mo, Ba, Hg |
S, Br, C, |
Ar |
✍️ Bài tập
5. Xác định vị trí (ô nguyên tố, chu kì, nhóm) của các nguyên tố sau trong bảng tuần hoàn:
a) Magnesium (Mg).
b) Neon (Ne).
a) Nguyên tố Magnesium (Mg)
- Ô nguyên tố: 12
- Chu kì: 3
- Nhóm: IIA
b) Nguyên tố Neon (Ne)
- Ô nguyên tố: 10
- Chu kì: 2
- Nhóm: VIIIA
✍️ Bài tập
6. Tìm hiểu từ internet hay tài liệu (sách, báo), em hãy viết một đoạn thông tin về nguyên tố hoá học cần thiết cho sự hô hấp của con người và sinh vật trên Trái Đất.
- Ở điều kiện thường là chất khí, không màu, không mùi, không vị.
- Nặng hơn không khí.
- Ít tan trong nước (1L nước ở 20 °C, 1 atm hòa tan được 31 mL khí oxygen).
- Oxygen hóa lỏng ở -183 °C, hóa rắn ở -218oC. Ở thể lỏng và rắn, oxygen có màu xanh nhạt.
❖ Oxygen cần thiết cho sự sống
- Oxygen là thành phần quan trọng nhất đối với hoạt động hô hấp của con người, động vật, thực vật.
- Oxygen có ở mọi nơi: trong không khí, nước, đất.
❖ Oxygen cần thiết cho sự cháy và quá trình đốt cháy nhiên liệu
- Oxygen cần cho quá trình đốt cháy nhiên liệu như củi, than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên,…
- Trong công nghiệp sản xuất gang thép, người ta thổi khí oxygen để tạo ra nhiệt độ cao, nâng hiệu suất và chất lượng gang thép.
- Chế tạo mìn phá đá.
- Oxygen lỏng dùng để đốt nhiên liệu trong tên lửa.