KHTN8-CD | Bài 3. Định luật bảo toàn khối lượng. Phương trình hoá học

MỤC TIÊU

• Tiến hành được thí nghiệm để chứng minh: Trong phản ứng hoá học, khối lượng được bảo toàn.
• Phát biểu được định luật bảo toàn khối lượng.
• Nêu được khái niệm phương trình hoá học và các bước lập phương trình hoá học.
• Trình bày được ý nghĩa của phương trình hoá học.
• Lập được sơ đồ phản ứng hoá học dạng chữ và phương trình hoá học (dùng công thức hoá học) của một số phản ứng hoá học cụ thể.

TÓM TẮT KIẾN THỨC

💡 Mở đầu
Đặt hai cây nến trên đĩa cân, cân ở vị trí thăng bằng. Nếu đốt một cây nến, sau một thời gian, cân có còn thăng bằng không?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào hình 3.1, quan sát và vận dụng kiến thức để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Đặt hai cây nến trên đĩa cân, cân ở vị trí thăng bằng. Nếu đốt một cây nến, sau một thời gian, cân không còn thăng bằng. Do cây nến bị đốt đã ngắn lại và không còn nặng như ban đầu.

I. ĐỊNH LUẬT BẢO TOÀN KHỐI LƯỢNG

➲ Để tìm hiểu về định luật bảo toàn khối lượng, tiến hành thí nghiệm sau.

🔬 Thí nghiệm 1
- Chuẩn bị
+ Dụng cụ: Cân điện tử, bình tam giác (loại 100 mL), ống hút nhỏ giọt, ống đong.
+ Hoá chất: Dung dịch sodium sulfate (Na2SO4), dung dịch barium chloride (BaCl2).
- Tiến hành
+ Bước 1: Đặt bình tam giác trong đó có chứa 10 mL dung dịch BaCl2 trên đĩa cân điện tử và lấy đầy dung dịch Na2SO4 vào ống hút nhỏ giọt có bóp cao su đậy lên miệng bình (hình 3.2a). Ghi chỉ số khối lượng hiện trên mặt cân (kí hiệu là mA).
+ Bước 2: Bóp nút cao su cho dung dịch Na2SO4 chảy xuống bình (hình 3.2b). Quan sát dấu hiệu của phản ứng xảy ra. Ghi chỉ số khối lượng hiện trên mặt cân (kí hiệu là mB).
- Mô tả hiện tượng thí nghiệm, cho biết khối lượng mA và mB.
+ Học sinh tiến hành thí nghiệm, ghi giá trị mA và mB.
+ Hiện tượng thí nghiệm: Xuất hiện kết tủa trắng.
- So sánh mA và mB từ đó rút ra nhận xét về tổng khối lượng của các chất trước và tổng khối lượng của các chất sau phản ứng.
+ Ta có: mA = mB.
+ Nhận xét: tổng khối lượng của các chất trước phản ứng bằng tổng khối lượng của các chất sau phản ứng.

➲ Phản ứng hoá học xảy ra ở thí nghiệm 1 có thể được biểu diễn bằng sơ đồ dạng chữ như sau:

Barium chloride + Sodium sulfate → Barium sulfate + Sodium chloride

- Tổng khối lượng của các chất tham gia phản ứng (barium chloride và sodium sulfate) = Tổng khối lượng của các chất sản phẩm (barium sulfate và sodium chloride).
- Định luật bảo toàn khối lượng được hai nhà khoa học Mikhail Vasilyevich Lomonosov (Mi-kha-in Va-si-ly-ích Lô-mô-nô-xốp) – (người Nga, 1711 – 1765) và Antoine Lavoisier (On-toan La-oi-di-e) – (người Pháp, 1743 – 1794) khám phá độc lập với nhau. Bằng thực nghiệm khác nhau nhưng hai ông đã rút ra một kết luận như nhau.

➲ Định luật bảo toàn khối lượng được phát biểu như sau:

Trong một phản ứng hoá học, tổng khối lượng của các chất sản phẩm bằng tổng khối lượng của các chất tham gia phản ứng.

* Giải thích: Trong phản ứng hoá học chỉ diễn ra sự thay đổi liên kết giữa các nguyên tử; số nguyên tử của mỗi nguyên tố trước và sau phản ứng không thay đổi, khối lượng nguyên tử không thay đổi. Vì vậy, tổng khối lượng của các chất được bảo toàn.

🔬 Thí nghiệm 2
- Chuẩn bị
+ Dụng cụ: Cân điện tử, bình tam giác (loại 100 mL), ống đong.
+ Hoá chất: Bột sodium hydrogencarbonate (NaHCO3), dung dịch giấm ăn (CH3COOH).
- Tiến hành
+ Bước 1: Đặt bình tam giác có chứa 10 mL giấm ăn và một mẩu giấy có chứa một thìa cafe bột NaHCO3 trên đĩa cần điện tử . Ghi chỉ số khối lượng hiện trên mặt cân (kí hiệu là mA).
+ Bước 2: Đổ bột NaHCO3 vào bình tam giác, đặt lại mẫu giấy lên đĩa cân, ghi chỉ số khối lượng hiện trên mặt cần (kí hiệu là mB).
- Mô tả hiện tượng thí nghiệm, cho biết khối lượng mA và mB.
+ Hiện tượng thí nghiệm: có khí thoát ra.
+ Học sinh làm thí nghiệm và ghi lại giá trị mA, mB.
- So sánh mA và mB. Giải thích.
+ Phản ứng hoá học xảy ra ở thí nghiệm 2 có thể được biểu diễn bằng sơ đồ ở dạng chữ như sau:
Acetic acid + Sodium hydrogencarbonate → Sodium acetate + Carbon dioxide ↑ + Nước
+ Do sau phản ứng có khí carbon dioxide thoát ra khỏi bình nên mA > mB.

➲ Phản ứng hoá học xảy ra ở thí nghiệm 2 có thể được biểu diễn bằng sơ đồ dạng chữ như sau:

Acetic acid + Sodium hydrogencarbonate → Sodium acetate + Carbon dioxide + Nước

Tổng khối lượng của các chất tham gia phản ứng (acetic acid và sodium hydrogencarbonate) = Tổng khối lượng của các chất sản phẩm (sodium acetate, carbon dioxide và nước tạo thành).
* Lưu ý: Với các phản ứng hoá học có tạo thành chất khí, khi tính khối lượng của các chất sản phẩm cần lưu ý tính cả khối lượng của chất khí bay ra.

📝 Luyện tập
1.Tính khối lượng FeS tạo thành trong phản ứng của Fe và S, biết khối lượng của Fe và S đã tham gia phản ứng lần lượt là 7 gam và 4 gam.

🌟 Phương pháp giải:
Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng.
🌟 Lời giải chi tiết:
- Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng: Trong một phản ứng hoá học, tổng khối lượng của các chất sản phẩm bằng tổng khối lượng cùa các chất tham gia phản ứng.
- Vậy khối lượng FeS tạo thành = khối lượng Fe phản ứng + khối lượng S phản ứng = 7 + 4 = 11 (gam).

⚙️ Vận dụng
1. Trở lại thí nghiệm trong hoạt động mở đầu: Cân có còn giữ ở vị trí thăng bằng không? Giải thích.

🌟 Phương pháp giải:
Quan sát hình 3.1 để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Cân không còn giữ ở trạng thái cân bằng. Do nến cháy sinh ra khí carbon dioxide và hơi nước làm cây nến ngắn dần so với ban đầu.

II. ÁP DỤNG ĐỊNH LUẬT BẢO TOÀN KHỐI LƯỢNG

1. Phương trình bảo toàn khối lượng

- Giả sử có sơ đồ phản ứng hoá học của các chất:

A + B → C + D

- Kí hiệu: mA, mB, mC, mD lần lượt là khối lượng của các chất đã tham gia và tạo thành sau phản ứng.
- Phương trình bảo toàn khối lượng:

mA + mB = mC + mD

⚙️ Vận dụng
2. Giải quyết tình huống:
a) Khi đốt cháy hoàn toàn một mẩu gỗ, ta thu được tro có khối lượng nhẹ hơn mẫu gỗ ban đầu. Theo em, sự thay đổi khối lượng này có mâu thuẫn với định luật bảo toàn khối lượng không?
b) Đề xuất các bước tiến hành thí nghiệm để kiểm chứng định luật bảo toàn khối lượng trong tình huống trên.

🌟 Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức đã học về định luật bảo toàn khối lượng.
🌟 Lời giải chi tiết:
a) Sự thay đổi khối lượng này không có mâu thuẫn với định luật bảo toàn khối lượng.
Do sản phẩm thu được khi đốt cháy mẩu gỗ ngoài tro còn có carbon dioxide, hơi nước.
b) Đề xuất các bước tiến hành thí nghiệm để kiểm chứng:
- Chuẩn bị:
+ Dụng cụ: Cân điện tử, bật lửa.
+ Hoá chất: Bình chứa khí oxygen, 1 que đóm có độ dài ngắn hơn chiều cao của bình chứa khí oxygen.
- Tiến hành:
+ Bước 1: Đặt bình tam giác có chứa khí oxygen và que đóm trên đĩa cân điện tử. Ghi chỉ số khối lượng hiện lên mặt cân (kí hiệu là mA).
+ Bước 2: Đốt một đầu que đóm và cho nhanh vào bình chứa khí oxygen, sau đó đậy nút lại. Sau khi que đóm cháy hết hoặc dừng cháy, ghi chỉ số khối lượng hiện trên mặt cân (kí hiệu là mB).
+ Bước 3: So sánh mA và mB, rút ra kết luận.

2. Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng

Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng để tính khối lượng của các chất trong phản ứng hoá học:

Nếu biết khối lượng của (n − 1) chất thì ta tính được khối lượng của chất còn lại (n là tổng số chất phản ứng và chất sản phẩm).
➲ Ví dụ

Trong phản ứng hoá học ở thí nghiệm 1, biết khối lượng của BaCl2 và Na2SO4 đã tham gia phản ứng lần lượt là 20,8 gam và 14,2 gam; khối lượng BaSO4 tạo thành là 23,3 gam. Tính khối lượng của NaCl tạo thành.

Lời giải chi tiết

- Gọi mBaCl2, mNa2SO4, mBaSO4, mNaCl lần lượt là khối lượng của các chất: BaCl2, Na2SO4, BaSO4, NaCl.
- Phương trình bảo toàn khối lượng của các chất trong phản ứng là:

mBaCl2 + mNa2SO4 = mBaSO4 + mNaCl
⟹ mNaCl = mBaCl2 + mNa2SO4 - mBaSO4

- Thay số vào ta được:

mNaCl = 20,8 + 14,2 – 23,3 = 11,7 (g).

Vậy khối lượng của NaCl tạo thành sau phản ứng là 11,7 gam.

🧑‍💻 Tìm hiểu thêm
Tìm hiểu và viết một bài thuyết trình (khoảng 200 từ) về thân thế, sự nghiệp khoa học của hai nhà bác học Mi-kha-in Va-si-ly-ích Lô-mô-nô-xốp và On-toan La-oi-di-ê.

🌟 Phương pháp giải:
Thu thập thông tin từ sách báo, internet.
🌟 Lời giải chi tiết:

M.V. Lô–mô–nô−xốp sinh năm 1711 trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới. Mãi tới năm 19 tuổi nhân một chuyến theo đoàn tàu buôn đến Mát–xcơ–va, Lô–mô–nô−xốp mới xin được vào học một trường giòng gọi là Viện Hàn lâm Xla−vơ Hy Lạp. Năm 1735 ông tốt nghiệp và được Viện gửi đến Pê– téc–bua tiếp tục học tập. Ngay năm sau 1736 ông lại được cử sang Đức nghiên cứu nghề luyện kim và khai mỏ. Năm 1741 ông trở về nước Nga với tư cách là một nhà tự nhiên học, nghiên cứu những vấn đề quan trọng nhất của vật lý và hoá học. Một số thành tựu tiêu biểu của Lô–mô–nô–xốp như xây dựng thành công thuyết hạt về cấu tạo các chất, phương pháp điều chế chất màu vô cơ và thuỷ tinh màu từ các nguyên liệu trong nước. Ngoài ra, ông còn sáng tạo ra “ngôn ngữ hoá học” Nga qua nghiên cứu phân tích các thành phần của các muối và các chất khoáng…

La–voa–đi–ê là nhà bác học Pháp, ông sinh ra ở Paris vào năm 1743 trong một gia đình trung lưu. Từ năm 1754 đến 1761, La–voa–đi–ê đã nghiên cứu về nhân văn và khoa học tại Đại học Ma–za–rin. Kết quả là sau này, ông được nhận vào Hội luật sư. Tuy nhiên, ông lại nghiêng về nghiên cứu khoa học, với những thành tựu đạt được ông đã được nhận vào Học viện Khoa học Paris vào năm 1768, ở tuổi 25 năm. Trong suốt quá trình nghiên cứu của mình La–voa–đi–ê đã có những phát kiến để đời như phát hiện vai trò của oxygen trong quá trình cháy và hô hấp, đồng thời xác định rằng nước là một hợp chất của hydrogen và oxygen. Ngoài ra ông còn là người đặt nền móng giúp chuyển đổi hoá học từ một ngành khoa học định tính thành một ngành khoa học định lượng…

Đặc biệt, hai nhà bác học Lô–mô–nô–xốp và La–voa–đi–ê đã tiến hành độc lập với nhau những thí nghiệm được cân đo chính xác, từ đó phát hiện ra định luật bảo toàn khối lượng.

III. PHƯƠNG TRÌNH HOÁ HỌC

1. Phương trình hoá học là gì?

- Phương trình hoá học là cách thức biểu diễn phản ứng hoá học bằng công thức hoá học của các chất tham gia phản ứng và các chất sản phẩm.
- Ví dụ: Phản ứng hoá học diễn ra khi cho khí hydrogen tác dụng với khí oxygen tạo thành nước được biểu diễn bằng sơ đồ chữ như sau:

Hydrogen + Oxygen → Nước
- Thay tên các chất bằng công thức hoá học, ta được sơ đồ phản ứng:
H2 + O2 ⤑ H2O

- Tìm hệ số thích hợp để điền vào sơ đồ phản ứng sao cho số nguyên tử mỗi nguyên tố đều bằng nhau.
+ Hình 3.3 mô tả quá trình tìm hệ số phù hợp của mỗi chất trong phương trình hoá học.
+ Như vậy, số nguyên tử của mỗi nguyên tố đều đã bằng nhau. Phương trình hoá học của phản ứng được viết như sau:

2H2 + O2 → 2H2O
Quan sát, trả lời câu hỏi hoặc thảo luận
1. Dựa vào kiến thức đã học, cho biết tổng số nguyên tử của mỗi nguyên tố tham gia và tạo thành sản phẩm trong ví dụ bên cần phải tuân theo nguyên tắc như thế nào?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học về số lượng nguyên tử trong nguyên tố để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Trong phản ứng hoá học, tổng số nguyên tử của mỗi nguyên tố trong các chất tham gia phản ứng luôn bằng tổng số nguyên tử của nguyên tố đó trong các chất sản phẩm.

Quan sát, trả lời câu hỏi hoặc thảo luận
2. Cho biết số nguyên tử của mỗi nguyên tố trong các chất tham gia phản ứng và các chất sản phẩm trong các ô trống trên hình 3.3.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào hình 3.3 để mô tả số lượng nguyên tử và phân tử.
🌟 Lời giải chi tiết:

2. Các bước lập phương trình hoá học

Như vậy, từ ví dụ trên việc lập phương trình hoá học có thể được tiến hành theo bốn bước như sau:

- Bước 1: Viết sơ đồ của phản ứng gồm công thức hoá học của các chất phản ứng và chất sản phẩm.

 

H2

+

O2

H2O

- Bước 2: So sánh số nguyên tử của mỗi nguyên tố có trong phân tử các chất tham gia phản ứng và các chất sản phẩm. Nếu có nguyên tố mà số nguyên tử không bằng nhau thì cần phải cân bằng.

 

H2

+

O2

H2O

Số nguyên tử

2

 

2

 

 2 1

- Bước 3: Cân bằng số nguyên tử của mỗi nguyên tố.

• Thêm hệ số 2 vào phân tử nước để cân bằng số nguyên tử O.

 

H2

+

O2

2 H2O

Số nguyên tử

2

 

2

 

   4  2

• Thêm hệ số 2 vào phân tử H2 để cân bằng số nguyên tử H.

 

2 H2

+

O2

2 H2O

Số nguyên tử

  4

 

2

 

   4  2

- Bước 4: Kiểm tra và viết phương trình hoá học.

 

2H2

+

O2

2H2O


Lưu ý: Nếu trong các chất phản ứng và các chất sản phẩm có nhóm nguyên tử không thay đổi trước và sau phản ứng (ví dụ nhóm OH, SO4,...) thì coi cả nhóm như là một đơn vị để cân bằng.
➲ Ví dụ

Lập phương trình hoá học của phản ứng khi cho dung dịch barium chloride tác dụng với dung dịch sodium sulfate tạo thành barium sulfate không tan và dung dịch sodium chloride.

Lời giải chi tiết

- Bước 1: Viết sơ đồ phản ứng.

 

BaCl2

+

Na2SO4

BaSO4

+

NaCl

- Bước 2: So sánh số nguyên tử/ nhóm nguyên tử của mỗi nguyên tố/ chất trước và sau phản ứng.

 

BaCl2

+

Na2SO4

BaSO4

+

NaCl

Số nguyên tử/
nhóm nguyên tử

1  2

 

2   1

 

1   1

 

1  1

- Bước 3: Cân bằng số nguyên tử/ nhóm nguyên tử.

 

BaCl2

+

Na2SO4

BaSO4

+

2NaCl

Số nguyên tử/
nhóm nguyên tử

1  2

 

2   1

 

1   1

 

  2   2

- Bước 4: Kiểm tra và viết phương trình hoá học.

 

BaCl2

+

Na2SO4

BaSO4

+

2NaCl

(↓ : chỉ chất không tan)

📝 Luyện tập
2. Lập phương trình hoá học của phản ứng magnesium (Mg) tác dụng với oxygen (O2) tạo thành magnesium oxide (MgO).

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào các bước lập phương trình hoá học.
🌟 Lời giải chi tiết:
- Bước 1: Viết sơ đồ của phản ứng:

 

Mg

+

O2

MgO

- Bước 2: So sánh số nguyên tử của mỗi nguyên tố có trong phân tử các chất tham gia phản ứng và các chất sản phẩm:

 

Mg

+

O2

MgO

Số nguyên tử

1

 

2

 

1   1

- Bước 3: Cân bằng số nguyên tử của mỗi nguyên tố.

 

2Mg

+

O2

2MgO

Số nguyên tử

2

 

2

 

2   2

- Bước 4: Kiểm tra và viết phương trình hoá học.

 

2Mg

+

O2

2MgO


📝 Luyện tập
3. Lập phương trình hoá học của phản ứng khi cho dung dịch sodium carbonate (Na2CO3) tác dụng với dung dịch calcium hydroxide (Ca(OH)2) tạo thành calcium carbonate (CaCO3) không tan (kết tủa)và sodium hydroxide (NaOH).

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào các bước lập phương trình phản ứng hoá học.
🌟 Lời giải chi tiết:
- Bước 1: Viết sơ đồ phản ứng.

 

Na2CO3

+

Ca(OH)2

CaCO3

+

NaOH

- Bước 2: So sánh số nguyên tử/ nhóm nguyên tử của mỗi nguyên tố/ chất trước và sau phản ứng.

 

Na2CO3

+

Ca(OH)2

CaCO3

+

NaOH

Số nguyên tử/
nhóm nguyên tử

2    1

 

 1     2

 

1   1

 

  1   1

- Bước 3: Cân bằng số nguyên tử/ nhóm nguyên tử.

 

Na2CO3

+

Ca(OH)2

CaCO3

+

2NaOH

Số nguyên tử/
nhóm nguyên tử

2    1

 

 1     2

 

1   1

 

  2   2

- Bước 4: Kiểm tra và viết phương trình hoá học.

 

Na2CO3

+

Ca(OH)2

CaCO3

+

2NaOH

3. Ý nghĩa của phương trình hoá học

- Xét phương trình hoá học:

2H2 + O2 → 2H2O

- Ta có tỉ lệ chung như sau:

Số phân tử H2 : Số phân tử O2 : Số phân tử H2O = 2 : 1 : 2

- Tức là: cứ 2 phân tử H2 tác dụng với 1 phân tử O2 tạo ra 2 phân tử H2O.
- Hoặc tỉ lệ theo từng cặp chất:
• Cứ 2 phân tử H2 tác dụng với 1 phân tử O2.
• Cứ 2 phân tử H2 tham gia phản ứng tạo ra 2 phân tử H2O.
• Cứ 1 phân tử O2 tham gia phản ứng tạo ra 2 phân tử H2O.
- Như vậy, phương trình hoá học cho biết:
• Chất tham gia phản ứng và chất sản phẩm.
• Tỉ lệ về số nguyên tử hoặc số phân tử giữa các chất trong phản ứng. Tỉ lệ này bằng đúng tỉ lệ hệ số của mỗi chất trong phương trình hoá học.

📝 Luyện tập
4. Xét phương trình hoá học của phản ứng sau:
4Al + 3O2 → 2Al2O3
a) Cho biết số nguyên tử, số phân tử của các chất phản ứng và các chất sản phẩm.
b) Cho biết tỉ lệ hệ số của các chất trong phương trình hoá học.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào phương trình hoá học và hệ số cân bằng của phản ứng hoá học để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
a) Số nguyên tử Al : Số phân tử O2 : Số phân tử Al2O3 = 4 : 3 : 2.
b) Tỉ lệ hệ số của các chất trong phương trình hoá học = 4 : 3 : 2.

⚙️ Vận dụng
3. Trong dạ dày người có một lượng hydrochloric acid (HCl) tương đối ổn định, có tác dụng trong tiêu hoá thức ăn. Nếu lượng acid này tăng lên quá mức cần thiết có thể gây ra đau dạ dày. Thuốc muối có thành phần chính là sodium hydrogencarbonate (NaHCO3) giúp giảm bớt lượng acid dư thừa trong dạ dày theo phương trình hoá học:
NaHCO3 + HCl → NaCl + H2O + CO2
Tìm hiểu và cho biết các thực phẩm có thể gây tăng lượng acid có trong dạ dày.
(↑ : chỉ chất khí bay lên)

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết của em về thực phẩm ngoài đời sống để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Một số thực phẩm có thể gây tăng lượng acid có trong dạ dày:
- Đồ ăn chua: Quả chua như chanh, quất … và đồ ăn lên men như dưa muối, cà muối … là những thực phẩm có lượng acid cao, khi xuống đến dạ dày có thể làm tăng lượng acid có trong dạ dày.
- Nước uống có gas: Các loại nước uống có gas phổ biến như Pepsi và Coca – cola có giá trị pH khoảng 2,5 – 3,5, do đó chúng cũng làm tăng lượng acid có trong dạ dày.
- Đồ ăn giàu chất béo: Chất béo tồn tại lâu hơn trong dạ dày và khiến tăng tiết acid dạ dày liên tục trong suốt quá trình co bóp để tiêu hoá.
- Đồ ăn cay nóng: Đồ ăn cay nóng cũng được liệt vào danh sách những thực phẩm người bị đau dạ dày không nên ăn. Gia vị cay nóng có thể khiến cho dạ dày bị tổn thương, làm tình trạng dư thừa acid dạ dày càng trở nên trầm trọng.
Ngoài ra, bia, rượu và các đồ uống có cồn cũng góp phần làm tăng lượng acid có trong dạ dày.

🔑 Kiến thức cốt lõi
• Định luật bảo toàn khối lượng: Trong một phản ứng hoá học, tổng khối lượng của các chất sản phẩm bằng tổng khối lượng của các chất tham gia phản ứng.
• Trong một phản ứng có n chất (bao gồm cả chất tham gia phản ứng và chất sản phẩm), nếu biết khối lượng của (n − 1) chất thì có thể tính được khối lượng của chất còn lại.
• Phương trình hoá học biểu diễn ngắn gọn phản ứng hoá học bằng các kí hiệu và công thức hoá học.
• Các bước lập phương trình hoá học:
+ Bước 1: Viết sơ đồ phản ứng.
+ Bước 2: So sánh số nguyên tử của mỗi nguyên tố có trong phân tử của các chất tham gia phản ứng và các chất sản phẩm.
+ Bước 3: Cân bằng số nguyên tử của mỗi nguyên tố.
+ Bước 4: Kiểm tra và viết phương trình hoá học.
• Phương trình hoá học cho biết chất tham gia phản ứng, chất sản phẩm và tỉ lệ về số nguyên tử hoặc số phân tử giữa các chất cũng như từng cặp chất trong phản ứng.

BÀI TẬP

Đang cập nhật

SÁCH HỌC SINH (bản in thử)

Post a Comment

Previous Post Next Post