Bài 10: Tế bào nhân thực (tiếp theo)

{tocify} $title = {MỤC LỤC BÀI HỌC}

TÓM TẮT LÝ THUYẾT


TẾ BÀO NHÂN THỰC - CÁC BÀO QUAN CÓ MÀNG ĐƠN

I. LƯỚI NỘI CHẤT

Lưới nội chất là một hệ thống màng bên trong tế bào nhân thực, tạo thành hệ thống các xoang dẹp và ống thông với nhau, ngăn cách với phần còn lại của tế bào chất, sản xuất ra các sản phẩm nhất định đưa tới những nơi cần thiết trong tế bào hay xuất bào..

Lưới nội chất hạt (trên màng có nhiều ribôxôm gắn vào), có chức năng tổng hợp prôtêin để đưa ra ngoài tế bào và các prôtêin cấu tạo nên màng tế bào.

Lưới nội chất trơn có rất nhiều loại enzim, thực hiện chức năng tổng hợp lipit, chuyển hoá đường, phân huỷ chất độc hại đối với tế bào.

Perôxixôm được hình thành từ lưới nội chất trơn, có chứa các enzim đặc hiệu, tham gia vào quá trình chuyển hoá lipit hoặc khử độc cho tế bào.

Hệ thống lưới nội chất

Hình 1: Hệ thống lưới nội chất

II. BỘ MÁY GÔNGI

Bộ máy Gôngi gồm hệ thống túi màng dẹp xếp chồng lên nhau (nhưng tách biệt nhau) theo hình vòng cung.

Chức năng của bộ máy Gôngi là gắn nhóm cacbohiđrat vào prôtêin, lipit; tổng hợp một số hoocmôn, từ nó cũng tạo ra các túi có màng bao bọc (như túi tiết, lizôxôm). Bộ máy Gôngi thu gom, biến đổi, bao gói và phân phối các sản phẩm đã được tổng hợp ở một vị trí này đến sử dụng ở một vị trí khác trong tế bào hay để xuất bào.

Trong các tế bào thực vật, bộ máy Gôngi còn là nơi tổng hợp nên các phân tử pôlisaccarit cấu trúc nên thành tế bào.

Quá trình vận chuyển các chất bằng thể golgi

Hình 2: Quá trình vận chuyển các chất bằng thể golgi

III. LIZÔXÔM

Lizôxôm là một loại bào quan dạng túi có kích thước trung bình từ 0,25 – 0,6µm, có một màng bao bọc chứa nhiều enzim thuỷ phân làm nhiệm vụ tiêu hoá nội bào. Các enzim này phân cắt nhanh chóng các đại phân tử như prôtêin, axit nuclêic, cacbohiđrat, lipit.

Lizôxôm tham gia vào quá trình phân huỷ các tế bào già, các tế bào bị tổn thương không còn khả năng phục hồi cũng như các bào quan đã hết thời hạn sử dụng.

Lizôxôm được hình thành từ bộ máy Gôngi giống như túi tiết nhưng không bài xuất ra bên ngoài.

IV. KHÔNG BÀO

Là bào quan dễ nhận thấy trong tế bào thực vật. Khi tế bào thực vật còn non thì có nhiều không bào nhỏ. Ở tế bào thực vật trưởng thành các không bào nhỏ sáp nhập với nhau tạo ra một không bào lớn.

Mỗi không bào ở tế bào thực vật được bao bọc bởi một lớp màng, bên trong là dịch không bào chứa các chất hữu cơ và các ion khoáng tạo nên áp suất thẩm thấu của tế bào.

Một số tế bào cánh hoa của thực vật có không bào chứa các sắc tố làm nhiệm vụ thu hút côn trùng đến thụ phấn. Một số không bào lại chứa các chất phế thải, thậm chí rất độc đối với các loài ăn thực vật. Một số loài thực vật lại có không bào để dự trữ chất dinh dưỡng. Một số tế bào động vật có không bào bé, các nguyên sinh động vật thì có không bào tiêu hoá phát triển.

Không bào được tạo ra từ hệ thống lưới nội chất và bộ máy Gôngi.

Sự phát triển của không bào thực vật

Hình 3: Sự phát triển của không bào thực vật


TẾ BÀO NHÂN THỰC - CÁC BÀO QUAN KHÔNG CÓ MÀNG BAO BỌC

I. CÁC BÀO QUAN KHÔNG CÓ MÀNG BAO BỌC

1. Ribôxôm

Ribôxôm được cấu tạo từ các phân tử rARN và prôtêin,  ribôxôm gắn trên mạng lưới nội chất hạt.

- Cấu trúc: Ribôxôm là bào quan nhỏ không có màng bao bọc. Ribôxôm có kích thước từ 15 – 25nm. Mỗi tế bào có từ hàng vạn đến hàng triệu ribôxôm. Thành phần hoá học chủ yếu là rARN và prôtêin. Mỗi ribôxôm gồm một hạt lớn và một hạt bé.        

- Chức năng: ribôxôm là nơi tổng hợp prôtêin cho tế bào

Cấu tạo của riboxom

Hình 1: Cấu tạo của riboxom

2. Khung xương tế bào

Tế bào chất của tế bào nhân thực có hệ thống mạng sợi và ống prôtêin (vi ống, vi sợi, sợi trung gian) đan chéo nhau, gọi là khung xương nâng đỡ tế bào.

Các vi ống có chức năng tạo nên bộ thoi vô sắc. Các vi ống và vi sợi cũng là thành phần cấu tạo nên roi của tế bào. Các sợi trung gian là thành phần bền nhất của khung xương tế bào, gồm một hệ thống các sợi prôtêin bền.

Khung xương tế bào có tác dụng duy trì hình dạng và neo giữ các bào quan như: ti thể, ribôxôm, nhân vào các vị trí cố định. Giúp tế bào di động (các cấu trúc lông và roi). Ngoài ra, nó còn có vai trò quan trọng không những trong sự vận chuyển bên trong tế bào (lấy ví dụ như các chuyển động của các túi màng và các bào quan) mà còn trong sự phân chia tế bào.

3. Trung thể

Trung thể là nơi lắp ráp và tổ chức của các vi ống trong tế bào động vật. Mỗi trung thể gồm hai trung tử xếp thẳng góc với nhau theo trục dọc. Trung tử là ống hình trụ, rỗng, dài, có đường kính vào khoảng 0,13µm, gồm nhiều bộ ba vi ống xếp thành vòng.

Cấu tạo của trung thể

Hình 2: Cấu tạo của trung thể

Trung tử có vai trò quan trọng, là bào quan hình thành nên thoi vô sắc trong quá trình phân chia tế bào.

II. CÁC CẤU TRÚC BÊN NGOÀI MÀNG SINH CHẤT

1. Thành tế bào

Tế bào thực vật còn có thành xenlulôzơ bao bọc ngoài cùng, có tác dụng bảo vệ tế bào, đồng thời xác định hình dạng, kích thước của tế bào. Trên thành tế bào thực vật có các cầu sinh chất đảm bảo cho các tế bào ghép nối và có thể liên lạc với nhau một cách dễ dàng. Phần lớn tế bào nấm có thành kitin vững chắc.Ở nhóm tế bào động vật không có thành tế bào.

2. Chất nền ngoại bào

Bên ngoài màng sinh chất của tế bào người cũng như tế bào động vật còn có cấu trúc được gọi là chất nền ngoại bào. Chất nền ngoại bào được cấu tạo chủ yếu từ các loại sợi glicôprôtêin (prôtêin liên kết với cacbohiđrat) kết hợp với các chất vô cơ và hữu cơ khác nhau. Chất nền ngoại bào giúp các tế bào liên kết với nhau tạo nên các mô nhất định và giúp tế bào thu nhận thông tin.


CÂU HỎI SÁCH GIÁO KHOA




BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA




SÁCH BÀI TẬP




Post a Comment

Previous Post Next Post