KHTN6-CTST | Bài 2. Các lĩnh vực chủ yếu của khoa học tự nhiên

MỤC TIÊU

- Phân biệt được các lĩnh vực khoa học tự nhiên dựa vào đối tượng nghiên cứu.
- Phân biệt được vật sống và vật không sống dựa vào các đặc điểm đặc trưng.

TÓM TẮT KIẾN THỨC

💡 Mở đầu
Tuỳ vào đối tượng nghiên cứu mà khoa học tự nhiên được chia thành một số lĩnh vực khác nhau. Em đã biết những lĩnh vực khoa học tự nhiên nào?

🌟 Lời giải chi tiết 🌟

1. LĨNH VỰC CHỦ YẾU CỦA KHOA HỌC TỰ NHIÊN

Tìm hiểu một số lĩnh vực khoa học tự nhiên

Một nhóm học sinh được hướng dẫn thực hiện các thí nghiệm sau:
- Thí nghiệm 1: Cầm một tờ giấy giơ lên cao và buông tay. Quan sát tờ giấy rơi.
- Thí nghiệm 2: Sục khí carbon dioxide vào cốc chứa nước vôi trong. Quan sát hiện tượng xảy ra.
- Thí nghiệm 3: Quan sát quá trình nảy mầm của hạt đậu.
- Thí nghiệm 4: Một học sinh chiếu đèn pin vào quả địa cầu, một học sinh khác cho quả địa cầu quay. Mô tả hiện tượng ngày và đêm qua việc quan sát vùng được chiếu sáng trên quả địa cầu.

👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
1. Em hãy dự đoán các thí nghiệm 1, 2, 3, 4 thuộc lĩnh vực khoa học nào.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Thí nghiệm 1: Vật lí học;
- Thí nghiệm 2: Hoá học;
- Thí nghiệm 3: Sinh học;
- Thí nghiệm 4:Thiên văn học.

📝 Củng cố
Ứng dụng trong các hình từ 2.3 đến 2.8 liên quan đến những lĩnh vực nào của khoa học tự nhiên?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Trồng rau thủy canh (Hình 2.3), chăn nuôi bò sữa (Hình 2.5): Sinh học.
- Dự báo thời tiết (Hình 2.4): Khoa học Trái Đất.
- Bón vôi khử chua cho đất (Hình 2.6): Hóa học.
- Sử dụng pin năng lượng mặt trời tạo điện năng (Hình 2.7): Vật lý học.
- Sử dụng kính thiên văn quan sát bầu trời (Hình 2.8): Thiên văn học.

✍️ Ghi nhớ
Khoa học tự nhiên bao gồm một số lĩnh vực chính như:
1. Vật lí học nghiên cứu về vật chất, quy luật vận động, lực, năng lượng và sự biến đổi năng lượng.
2. Hoá học nghiên cứu về chất và sự biến đổi của chúng.
3. Sinh học hay sinh vật học nghiên cứu về các vật sống, mối quan hệ giữa chúng với nhau và với môi trường.
4. Khoa học Trái Đất nghiên cứu về Trái Đất và bầu khí quyển của nó.
5. Thiên văn học nghiên cứu về quy luật vận động và biến đổi của các vật thể trên bầu trời.

2. VẬT SỐNG VÀ VẬT KHÔNG SỐNG

Phân biệt vật sống và vật không sống

➲ Một số dấu hiệu đặc trưng cho vật sống:

- Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng: Sinh vật lấy thức ăn, chất dinh dưỡng, nước từ môi trường để tích luỹ và chuyển hoá năng lượng nuôi sống cơ thể đồng thời thải chất thải ra môi trường.
- Sinh trưởng, phát triển: Sinh vật lớn lên, tăng trưởng về kích thước và hình thành các bộ phận mới.
- Vận động: Sinh vật di chuyển (động vật), trao đổi chất giữa cơ thể sống với môi trường, ... để sinh trưởng và phát triển.
- Cảm ứng: Sinh vật phản ứng lại tác động của môi trường.
- Sinh sản: Sinh vật sinh sản để duy trì nòi giống.

📣 CHÚ Ý
Đến độ tuổi nhất định hoặc do thiên tai, bệnh tật, ... vật sống sẽ bị chết và khi đó trở thành vật không sống.
👨‍👩‍👧‍👦 Thảo luận
2. Quan sát các hình từ 2.9 đến 2.12, em hãy cho biết các vật trong hình có đặc điểm gì khác nhau (sự trao đổi chất, khả năng sinh trưởng, phát triển và sinh sản).
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Con gà: được ấp nở từ quả trứng, khi trưởng thành được sử dụng để cung cấp thực phẩm cho con người. Nếu có gà trống thụ tinh, gà mái sẽ tiếp tục đẻ trứng và ấp nở thành gà con theo vòng khép kín. Quá trình sinh trưởng, phát triển của chúng cần có môi trường sống, chất sống, ...
- Cây cà chua: được trồng từ hạt cà chua, cung cấp nguồn thực phẩm cho con người. Khi cây cà chua ra quả, quả chín và cho hạt có thể được trồng trở lại thành cây cà chua theo vòng khép kín. Quá trình sinh trưởng, phát triển của chúng cần có môi trường sống, chất sống, ...
- Đá sỏi: do tự nhiên tạo ra, không trao đổi chất, không có khả năng phát triển và sinh sản.
- Máy tính: do con người chế tạo ra để sử dụng trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất và cuộc sống hằng ngày. Máy tính không trao đổi chất, không có khả năng phát triển và sinh sản.

📝 Củng cố
Vật nào là vật sống, vật không sống trong các hình từ 2.9 đến 2.12?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Vật sống: con gà, cây cà chua;
- Vật không sống: đá sỏi, máy tính.

♻️ Vận dụng
Một chú robot có thể cười, nói và hành động như một con người. Vậy robot là vật sống hay vật không sống?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

- Robot không có trao đổi chất. - Robot không có sinh trưởng và phát triển. - Robot không có sinh sản. ⟹ Kết luận robot không có đặc trưng sống. Do đó, nó là vật không sống.

✍️ Ghi nhớ
- Vật sống là vật có các biểu hiện sống như trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, sinh trưởng, phát triển, vận động, cảm ứng, sinh sản.
- Vật không sống là vật không có biểu hiện sống.

BÀI TẬP

✍️ Bài tập
1. Em hãy kể tên một số hoạt động trong thực tế liên quan chủ yếu đến lĩnh vực khoa học tự nhiên:
a) Vật lí học.
d) Khoa học Trái Đất.
b) Hoá học.
e) Thiên văn học.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

a) Vật lý học: đạp xe để xe chuyển động; dùng cần cẩu nâng hàng; ...
b) Hoá học: bón phân đạm cho cây trồng; quá trình lên men rượu; ...
c) Sinh học: cắt ghép, chiết cành; sản xuất phân vi sinh; ...
d) Khoa học Trái Đất: dự báo thời tiết; cảnh báo lũ quét, sóng thần, sạt lở; ...
e) Thiên văn học: quan sát hiện tượng nhật thực, nguyệt thực; ...

✍️ Bài tập
2. Vật nào sau đây gọi là vật không sống?
A. Con ong.
C. Than củi.
B. Vi khuẩn.
D. Cây cam.
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Đáp án C.

✍️ Bài tập
3. Em có thể phân biệt khoa học về vật chất (vật lí, hoá học, ...) và khoa học về sự sống (sinh học) dựa vào sự khác biệt nào?
🌟 Lời giải chi tiết 🌟

Có thể dựa vào đối tượng nghiên cứu để phân biệt khoa học về vật chất và khoa học về sự sống:
- Đối tượng nghiên cứu của khoa học về sự sống là các vật sống.
- Đối tượng nghiên cứu của khoa học về vật chất là các vật không sống.

SÁCH HỌC SINH (bản in thử)

Post a Comment

Previous Post Next Post