Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

{tocify} $title = {MỤC LỤC BÀI HỌC}

TÓM TẮT LÝ THUYẾT


I. KHÁI NIỆM SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Sự sinh trưởng và phát triển của cây từ hạt

- Khái niệm sinh trưởng: Sinh trưởng ở sinh vật là quá trình tăng về kích thước, khối lượng của cơ thể do tăng số lượng và kích thước của tế bào làm cơ thể lớn lên. Ví dụ: sự tăng chiều cao thân cây,…

- Khái niệm phát triển: Phát triển ở sinh vật là quá trình biến đổi tạo nên các tế bào, mô, cơ quan và hình thành chức năng mới ở các giai đoạn. Ví dụ: sự ra rễ, ra lá, ra hoa, kết quả,…

- Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển:

+ Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật có mối quan hệ mật thiết với nhau, nối tiếp và xen kẽ nhau. Trong đó: Sinh trưởng là cơ sở cho phát triển. Phát triển thúc đẩy sinh trưởng và làm xuất hiện hình thái mới.

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

+ Ví dụ: Hạt nảy mầm lớn lên thành cây mầm, cây mầm lớn lên thành cây con, cây con đạt được mức độ sinh trưởng nhất định thì ra nụ, nụ lớn lên hình thành hoa và kết quả.

II. CÁC YẾU TỐ CHỦ YẾU ẢNH HƯỞNG ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT

1. Ảnh hưởng của chất dinh dưỡng

- Chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật. Thiếu hay thừa chất dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của cơ thể sinh vật trong các giai đoạn.

- Ví dụ:

+ Gia súc, gia cầm khi thiếu protein thì chậm lớn và gầy yếu,…

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Lợn còi cọc, chậm lớn vì thiếu dinh dưỡng

+ Cây lúa nước thiếu đạm thì sinh trưởng chậm, nếu thừa đạm thì có thể sinh trưởng nhanh nhưng phát triển chậm,…

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Thiếu đạm khiến cây lúa bị vàng lá, còi cọc

2. Ảnh hưởng của nước

- Nước rất cần thiết đối với sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật:

+ Thiếu nước, các loài sinh vật sẽ sinh trưởng và phát triển chậm hoặc bị chết.

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Thiếu nước, cây cà phê vàng lá và héo dần

+ Có loài sinh vật cần nhiều nước để sinh trưởng và phát triển, nhưng có loài lại cần rất ít nước, hoặc khác nhau ở các giai đoạn phát triển của cùng một loài sinh vật (Ví dụ: Cây lúa non cần nhiều nước, khi lúa chín cần ít nước,…).

3. Ảnh hưởng của nhiệt độ

- Mỗi loài sinh vật sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiêt độ và môi trường thích hợp.

- Nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao có thể làm cho quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật bị chậm lại hoặc bị chết:

+ Ở động vật, nhiệt độ còn ảnh hưởng đến chu kỳ sống, tỉ lệ nở trứng, tỉ lệ giới tính,...

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi Việt Nam

+ Ở thực vật, còn ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt, sự ra hoa,…

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự ra hoa của hoa nghệ tây

- Một số loài có hiện tượng “nghỉ sinh trưởng” do tác động của nhân tố nhiệt độ như hiện tượng động vật ngủ đông, cây rụng lá vào mùa đông,…

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Ếch ngủ đông

4. Ảnh hưởng của ánh sáng

- Ánh sáng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sinh vật:

+ Ở thực vật: Một số loại cây ra hoa trong điều kiện có thời gian chiếu sáng dài ở cuối mùa xuân, đầu mùa hè (cà rốt, củ cải,…). Một số loại khác thì chỉ ra hoa trong điều kiện có thời gian chiếu sáng ngắn vào cuối mùa thu đầu mùa đông (cây thuốc lá, đậu tương,…). Có loại hạt nảy mầm thì cần ánh sáng.

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Thời gian chiếu sáng ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây

+ Ở động vật: Một số loài động vật sinh sản chậm vào mùa đông khi có thời gian chiếu sáng ít hơn. Vào mùa hè, thời gian chiếu sáng nhiều là thời gian hoạt động sinh sản của nhiều loài động vật.

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm là mùa sinh sản của nhiều loài chim


CÂU HỎI SÁCH GIÁO KHOA


Mở đầu trang 136 Bài 29 KHTN lớp 7: Quan sát hình 29.1 mô tả sự biến đổi của cây hoa hướng dương qua các giai đoạn. Sự biến đổi đó gọi là gì?

 Quan sát hình 29.1 mô tả sự biến đổi của cây hoa hướng dương qua các giai đoạn

Trả lời:

- Sự biến đổi của cây hoa hướng dương qua các giai đoạn được thể hiện rõ ràng nhất thông qua kích thước, khối lượng và sự phát sinh các cơ quan mới như rễ, thân, lá, hoa:

 + Gieo hạt.

 + Hạt nảy mầm.

 + Hạt xuất hiện lá mầm, rễ phát triển dài, đâm sâu.

 + Cây lớn dần, xuất hiện nhiều lá, rễ phân nhiều nhánh, đâm sâu.

 + Cây lớn dần, tăng chiều cao, rễ nhiều nhánh, xuất hiện hoa.

 + Cây cao, hoa nở.

- Sự biến đổi đó gọi là sự sinh trưởng và phát triển của cây.

I. Khái niệm sinh trưởng, phát triển và mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

Câu hỏi 1 trang 136 KHTN lớp 7: Tìm thêm các ví dụ về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật.

Trả lời:

- Ví dụ về sinh trưởng ở sinh vật:

+ Sự tăng chiều cao của cây bạch đàn: Cây bạch đàn cao 1 mét, sau 2 năm thì có chiều cao là 3 mét.

+ Sự tăng khối lượng của con người: Sau một năm, bạn An tăng lên 2 kg.

- Ví dụ về phát triển:

+ Sự ra rễ, ra lá, nảy chồi, ra hoa, kết hạt của cây.

+ Sự phát sinh các cơ quan, hệ cơ quan của một thai nhi.

+ Sự phát sinh các cơ quan, hệ cơ quan của một hợp tử của gà ở trong trứng.

Luyện tập 1 trang 136 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ chứng minh mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển ở động vật.

Trả lời:

- Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển: Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật có mối quan hệ mật thiết với nhau, nối tiếp và xen kẽ nhau. Sinh trưởng là cơ sở cho phát triển. Phát triển thúc đẩy sinh trưởng và làm xuất hiện hình thái mới.

- Ví dụ chứng minh mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển ở động vật: Trong vòng đời của ếch thì nòng nọc phải sinh trưởng để đạt kích thước nhất định mới phát triển thành ếch, cơ thể ếch phải sinh trưởng đạt kích thước nhất định mới có thể phát triển phát dục sinh sản. Ngược lại, cơ thể trước tuổi phát dục có tốc độ sinh trưởng nhanh, còn sau tuổi sau phát dục có tốc độ sinh trưởng chậm lại.

Câu hỏi 2 trang 137 KHTN lớp 7: Quan sát hình 29.1, 29.2 chỉ ra dấu hiệu của sự sinh trưởng và phát triển.

 Quan sát hình 29.1, 29.2 chỉ ra dấu hiệu của sự sinh trưởng và phát triển

 Quan sát hình 29.1, 29.2 chỉ ra dấu hiệu của sự sinh trưởng và phát triển

Trả lời:

- Dấu hiệu của sinh trưởng là sự gia tăng khối lượng, kích thước của cơ thể, các cơ quan trong cơ thể.

- Dấu hiệu của phát triển là sự biến đổi tạo nên các tế bào, mô, cơ quan và sự hình thành các chức năng mới ở mỗi giai đoạn.

Luyện tập 2 trang 137 KHTN lớp 7: Cho biết các biểu hiện của sinh vật ở trong bảng 29.1 là sinh trưởng hay phát triển.

 Cho biết các biểu hiện của sinh vật ở trong bảng 29.1 là sinh trưởng hay phát triển

Trả lời:

Biểu hiện

Sinh trưởng

Phát triển

Hạt nảy mầm

 

x

Cây cao lên

x

 

Gà trống bắt đầu biết gáy

 

x

Cây ra hoa

 

x

Diện tích phiến lá tăng lên

x

 

Lợn con tăng cân từ 2 kg lên 4 kg

x

 

II. Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

Câu hỏi 3 trang 137 KHTN lớp 7: Vì sao chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật?

Trả lời:

Chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật vì: Cơ sở của sự sinh trưởng và phát triển chính là sự tăng lên về số lượng và kích thước của các tế bào trong cơ thể. Mà tế bào muốn tăng lên về số lượng và kích thước thì cần phải có vật chất, năng lượng để xây dựng tế bào – vật chất và năng lượng này được cơ thể thu nhận qua chất dinh dưỡng. Do đó, khi cơ thể thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng đều sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của sinh vật qua các giai đoạn.

Luyện tập 3 trang 137 KHTN lớp 7: Lấy một số ví dụ về biểu hiện của thực vật, động vật khi thiếu và thừa chất dinh dưỡng.

Trả lời:

Một số ví dụ về biểu hiện của thực vật, động vật khi thiếu và thừa chất dinh dưỡng:

- Ở người, thiếu protein sẽ dẫn đến suy nhược, gầy yếu, rụng tóc, da mất độ đàn hồi, cơ và xương kém phát triển, kinh nguyệt và nội tiết tố rối loạn, da xanh xao,…

- Ở người, thừa sắt sẽ dẫn đến mệt mỏi, người yếu, da đậm màu hoặc có màu đồng, đau khớp,…

- Ở gà, thiếu canxi sẽ dẫn đến gà đi lại không bình thường, co giật, run rẩy, gà còi, lông mọc chậm, hay mổ nhau,…

- Ở thực vật, thiếu chất đạm (N) sẽ dẫn đến cây sẽ có biểu hiện sinh trưởng kém, thân và cành còi cọc, ít đẻ nhánh, phân cành, lá thường non mỏng, màu nhạt, dễ chuyển sang màu vàng và rụng sớm. 

- Ở thực vật, thừa N sẽ làm cây sinh trưởng quá mạnh, do thân lá tăng trưởng nhanh mà mô cơ giới kém hình thành nên cây rất yếu, dễ lốp đổ, dễ bị sâu bệnh tấn công.

Vận dụng 1 trang 137 KHTN lớp 7: Dựa vào những biểu hiện sinh trưởng, phát triển nào ở người giúp em có thể biết được người đó thiếu hay thừa chất dinh dưỡng? Giải thích.

Trả lời:

Để biết được một người thiếu hay thừa chất dinh dưỡng, có thể dựa vào các biểu hiện sinh trưởng, phát triển như:

- Cân nặng: Khi các chất dinh dưỡng bị dư thừa sẽ tích lũy lại tạo thành lớp mỡ, làm cân nặng tăng lên.

- Chiều cao: Thiếu chất dinh dưỡng làm cho cơ thể phát triển chiều cao chậm hơn.

- Cấu trúc cơ thể và các dự trữ về năng lượng và protein thông qua các mô mềm bề mặt như lớp mỡ dưới da và cơ,…

Câu hỏi 4 trang 138 KHTN lớp 7: Nêu ảnh hưởng của nước đối với sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật

Trả lời:

Nước rất cần thiết đối với sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật:

- Thiếu nước, các loài sinh vật sẽ sinh trưởng và phát triển chậm hoặc bị chết.

- Nhu cầu nước của mỗi loài là khác nhau: Có loài sinh vật cần nhiều nước để sinh trưởng và phát triển, nhưng có loài lại cần rất ít nước.

- Nhu cầu nước của cùng một loài cũng khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển: Có giai đoạn cần nhiều nước nhưng cũng có những giai đoạn cần ít nước.

Luyện tập 4 trang 138 KHTN lớp 7Lấy ví dụ về ảnh hưởng của nước đến sinh trưởng và phát triển của một số sinh vật ở địa phương em.

Trả lời:

Ví dụ ảnh hưởng của nước đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa:

- Khi mới cấy, cây lúa non cần nhiều nước. Nếu không cung cấp đủ nước, cây sinh trưởng phát triển chậm, có thể bị chết.

- Khi cây lúa chín cần ít nước hơn, nếu nhiều nước quá có thể dẫn đến bị đổ cây.

Câu hỏi 5 trang 138 KHTN lớp 7: Nêu ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.

Trả lời:

Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật:

- Mỗi loại sinh vật sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ và môi trường thích hợp. Nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao có thể làm cho quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật bị chậm lại hoặc bị chết. Một số sinh vật có hiện tượng “nghỉ sinh trưởng” do tác động của nhiệt độ như động vật ngủ đông, cây rụng lá vào mùa đông.

- Ở thực vật, nhiệt độ ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt, sự lớn lên của cây, ra hoa,…

- Ở động vật, nhiệt độ ảnh hưởng đến chu kì sống, tỉ lệ của trứng, tỉ lệ giới tính,…

Câu hỏi 6 trang 138 KHTN lớp 7Quan sát hình 29.3, nêu ảnh hưởng của nhiệt độ đến sinh trưởng của mỗi sinh vật.

 Quan sát hình 29.3, nêu ảnh hưởng của nhiệt độ đến sinh trưởng của mỗi sinh vật

Trả lời:

- Hình (a): Nhiệt độ có ảnh hưởng đến chu kì sống của ruồi giấm. Ở nhiệt độ 25oC, chu kì sống là 10 ngày, còn ở nhiệt độ 18oC thì chu kì sống kéo dài hơn 17 ngày. Điều đó chứng tỏ, ở 25oC, ruồi giấm sinh trưởng và phát triển nhanh hơn ở 18oC.

 - Hình (b): Cá rô phi chỉ sống được ở nhiệt độ trong khoảng 5,6oC - 42oC. Ngoài khoảng này (tức là dưới 5,6oC hoặc trên 42oC), cá sẽ bị chết.

Luyện tập 5 trang 138 KHTN lớp 7: Nêu một số ví dụ minh họa về ảnh hưởng của nhiệt độ đối với thực vật và động vật.

Trả lời:

Ví dụ minh họa về ảnh hưởng của nhiệt độ đối với thực vật và động vật:

- Cây sống ở vùng nhiệt đới trên bề mặt là có tầng cutin dày, có tác dụng hạn chế thoát hơi nước khi nhiệt độ không khí cao. Ở vùng ôn đới vào mùa đông giá lạnh cây thường rụng lá nhiều làm giảm diện tích tiếp xúc với không khí lạnh và giảm sự thoát hơi nước; chồi cây có các vẩy bao bọc, thân và rễ cây có các lớp bần tạo thành lớp cách nhiệt cho cây.

- Có 1 số sinh vật sống được ở nhiệt độ rất cao như vi khuẩn suối nước nóng chịu được nhiệt độ 70 – 90oC. Một số sinh vật sống được ở nhiệt độ rất thấp như ấu trùng sâu ngô chịu được nhiệt độ - 27oC.

- Một số loài rùa, khi trứng được ấp ở nhiệt độ khoảng 26oC sẽ nở ra toàn con đực, khi được ấp ở khoảng 32oC sẽ nở toàn con cái.

Luyện tập 6 trang 138 KHTN lớp 7: Vì sao mùa đông cần cho gia súc ăn nhiều hơn đặc biệt là gia súc còn non.

Trả lời:

Vào những ngày mùa đông, ta cần cho gia súc non ăn nhiều hơn để chúng có thể sinh trưởng, phát triển bình thường vì:

- Đối với động vật hằng nhiệt, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp (trời rét), do thân nhiệt cao hơn so với nhiệt độ môi trường nên động vật mất rất nhiều nhiệt vào môi trường xung quanh.

- Để bù lại số nhiệt lượng đã mất và duy trì thân nhiệt ổn định, cơ chế chống lạnh được tăng cường, quá trình chuyển hóa của tế bào tăng lên, các chất bị oxi hóa nhiều hơn.

- Nếu không được ăn đầy đủ để bù lại các chất bị oxi hóa (tăng khẩu phần ăn so với các ngày bình thường) động vật sẽ bị sút cân và dễ mắc bệnh, thậm chí có thể chết. Ngược lại, vào những ngày trời rét, nếu được ăn uống đầy đủ động vật sẽ tăng cân do cơ thể tăng cường chuyển hóa và tích lũy các chất dự trữ đế chống rét.

Luyện tập 7 trang 138 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ về ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự thay đổi của tán lá cây ở một số loài cây mà em biết.

Trả lời:

Ví dụ về ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự thay đổi của tán lá cây ở một số loài cây: Ở cây bàng, khi nhiệt độ cao, cây sinh trưởng và phát triển tốt nên tán lá rộng. Khi nhiệt độ thấp (vào mùa đông), cây rụng lá làm tán lá thu nhỏ lại.

Câu hỏi 7 trang 139 KHTN lớp 7: Nêu vai trò của ánh sáng đối với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật và động vật.

Trả lời:

- Vai trò của ánh sáng đối với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật:

+ Ánh sáng ảnh hưởng đến cường độ quang hợp - khả năng tích lũy vật chất của cây nên ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

+ Thời gian chiếu sáng ảnh hưởng đến sự ra hoa của một số loài cây: Một số loài cây ra hoa trong điều kiện có thời gian chiếu sáng dài ở cuối mùa xuân, đầu mùa hè. Một số loài khác thì chỉ ra hoa trong điều kiện có thời gian chiếu sáng ngắn vào cuối mùa thu đầu mùa đông.

+ Ánh sáng cũng có thể quyết định khả năng nảy mầm của hạt: Có loại hạt nảy mầm thì cần ánh sáng.

- Vai trò của ánh sáng đối với sự sinh trưởng và phát triển của động vật: Thời gian chiếu sáng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của một số loài động vật: Vào mùa đông, thời gian chiếu sáng trong ngày ngắn, các loài sâu ăn lá ngừng sinh sản. Mùa xuân và mùa hè có thời gian chiếu sáng trong ngày dài là thời gian sinh sản của nhiều loài chim.

Vận dụng 2 trang 139 KHTN lớp 7: Hãy kể một số biện pháp điều khiển các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, cây trồng mà em biết.

Trả lời:

Một số biện pháp điều khiển các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, cây trồng:

- Có các chế độ ăn thích hợp với động vật nuôi trong các giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau (khi mang thai, con non,...).

- Chuẩn bị chuồng trại ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè; tắm cho động vật để động vật không mắc bệnh và không tốn năng lượng cho điều hòa thân nhiệt khi trời nóng.

- Chiếu sáng cho cây vào những ngày mùa đông (đối với những cây có nhu cầu ánh sáng cao).


BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA




SÁCH BÀI TẬP


Giải SBT Khoa học tự nhiên 7 trang 63

Bài 29.1 trang 63 SBT Khoa học tự nhiên 7: Nêu khái niệm sinh trưởng và khái niệm phát triển ở sinh vật. Cho ví dụ.

Lời giải:

- Khái niệm sinh trưởng ở sinh vật: Sinh trưởng ở sinh vật là quá trình tăng về kích thước, khối lượng của cơ thể do tăng số lượng và kích thước của tế bào (ở sinh vật đơn bào chỉ tăng kích thước tế bào), làm cơ thể lớn lên. Ví dụ: Cây tăng chiều cao và đường kính thân, con mèo tăng khối lượng cơ thể,…

- Khái niệm phát triển ở sinh vật: Phát triển ở sinh vật là quá trình biến đổi tạo nên các tế bào, mô, cơ quan và hình thành chức năng mới ở các giai đoạn. Ví dụ: Cây ra rễ, ra lá, nảy chồi, nở hoa, kết quả; gà đẻ trứng;

Bài 29.2 trang 63 SBT Khoa học tự nhiên 7: Các hiện tượng trong bảng sau đây là sinh trưởng hay phát triển?

Hiện tượng

Sinh trưởng

Phát triển

1. Cây lúa trổ bông.

 

 

2. Cây cau cao lên.

 

 

3. Hạt cam nảy mầm.

 

 

4. Trứng gà nở thành gà con.

 

 

5. Vịt con lớn thành vịt trưởng thành.

 

 

6. Mèo trưởng thành đẻ ra mèo con.

 

 

Lời giải:

Hiện tượng

Sinh trưởng

Phát triển

1. Cây lúa trổ bông.

 

x

2. Cây cau cao lên.

x

 

3. Hạt cam nảy mầm.

 

x

4. Trứng gà nở thành gà con.

 

x

5. Vịt con lớn thành vịt trưởng thành.

x

 

6. Mèo trưởng thành đẻ ra mèo con.

 

x

Bài 29.3 trang 63 SBT Khoa học tự nhiên 7: Quan sát hình 29.1, nêu vai trò của chất dinh dưỡng đối với từng loài cây. Từ đó rút ra vai trò của chất dinh dưỡng đối với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật.

SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Lời giải:

- Vai trò của chất dinh dưỡng đối với từng loài cây ở trong hình:

+ Vai trò của chất đạm đối với cây lúa: Đạm là một trong những nguyên tố hóa học cơ bản của cây lúa, đồng thời cũng là yếu tố cơ bản trong quá trình phát triển của tế bào và các cơ quan rễ, thân, lá,... Thiếu đạm, cây lúa còi cọc, ít đẻ nhánh, lá vàng úa.

+ Vai trò của chất lân đối với cây cà rốt: Lân ảnh hưởng đến sự vận chuyển đường, bột tích lũy về hạt và các bộ phận của chất nguyên sinh làm cho cây chống được lạnh, chống được nóng. Thiếu lân ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng củ của cây cà rốt.

- Vai trò của chất dinh dưỡng đối với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật: Chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật. Thiếu chất dinh dưỡng hoặc thừa chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng tốc độ sinh trưởng và phát triển của thực vật qua các giai đoạn.

Bài 29.4 trang 63 SBT Khoa học tự nhiên 7: Quan sát hình 29.2 và nêu vai trò của chất dinh dưỡng và chế độ luyện tập đối với con người.

SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Lời giải:

Vai trò của chất dinh dưỡng và chế độ luyện tập đối với con người: Chất dinh dưỡng và chế độ luyện tập ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng và sức khỏe của con người. Thiếu chất dinh dưỡng sẽ khiến trẻ bị suy sinh dưỡng khiến thể trạng thấp còi, suy giảm hệ miễn dịch, giảm phát triển trí tuệ, giảm khả năng giao tiếp,… Thừa chất dinh dưỡng và lười vận động sẽ khiến trẻ bị béo phì khiến suy giảm miễn dịch; tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp, tim mạch, tiêu hóa, sinh sản,…  Bởi vậy, để đảm bảo sự phát triển thể trạng và sức khỏe, cần có chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập hợp lí.

Giải SBT Khoa học tự nhiên 7 trang 64

Bài 29.5 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Nêu một số nhân tố môi trường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật. Cho ví dụ.

Lời giải:

Một số nhân tố môi trường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật:

- Thức ăn: Thức ăn ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình sinh trưởng và phát triển ở người và động vật. Ví dụ: Thiếu protein, động vật chậm lớn và gầy yếu, dễ mắc bệnh. Thiếu vitamin gây bệnh còi xương, chậm lớn ở động vật.

- Nhiệt độ: Mỗi loài động vật chỉ phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ môi trường thích hợp, nếu quá cao hoặc quá thấp đều làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật. Ví dụ: Khi nhiệt độ môi trường dưới 18oC thì cá rô phi ngừng lớn và ngừng đẻ.

- Ánh sáng: Ánh sáng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển động vật qua tia tử ngoại biến tiền vitamin D thành vitamin D. Vitamin D có vai trò trong chuyển hóa calcium để hình thành xương, qua đó ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của động vật. Ví dụ: Những ngày trời rét, động vật mất nhiều nhiệt, vì vậy chúng phơi nắng để thu thêm nhiệt và giảm mất nhiệt.

Bài 29.6 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Tại sao vào những ngày mùa đông cần cho gia súc non ăn nhiều hơn để chúng có thể sinh trưởng và phát triển bình thường?

Lời giải:

Gia súc thuộc nhóm động vật hằng nhiệt. Vào mùa đông khi nhiệt độ môi trường xuống thấp (trời rét), do thân nhiệt cao hơn so với nhiệt độ môi trường nên động vật mất rất nhiều nhiệt lượng vào môi trường xung quanh. Để bù lại số nhiệt lượng đã mất và duy trì thân nhiệt ổn định, cơ chế chống lạnh được tăng cường, quá trình phân hủy các chất hữu cơ giúp sinh nhiệt cho cơ thể. Vì vậy nên cho gia súc (đặc biệt là gia súc non) ăn nhiều hơn để tăng lượng chất hữu cơ cho cơ thể, tăng sức đề kháng, chống rét.

Bài 29.7 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Việc ấp trứng của hầu hết các loài chim có tác dụng gì?

Lời giải:

Việc ấp trứng ở hầu hết các loài chim có tác dụng cung cấp và đảm bảo điều kiện nhiệt độ phù hợp, giúp hợp tử phát triển bình thường. Ngoài ra, việc ấp trứng cũng giúp trứng được trông chừng và bảo vệ được tốt hơn trước những kẻ săn mồi.

Bài 29.8 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Hãy đọc và giải thích các logo trong hình 29.3. Từ đó, nêu ảnh hưởng của các chất kích thích đối với sức khỏe của con người.

SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Lời giải:

- Giải thích các logo trong hình 29.3:

a) Tác hại của ma túy: Người nghiện ma túy có suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị chết đột ngột.

b) Tác hại của rượu bia: Sau khi uống rượu bia có thể có các triệu chứng như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi; chất cồn trong rượu bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều tác hại cho cơ thể.

c) Tác hại của thuốc lá: Hút thuốc lá có thể gây ung thư ở mọi cơ quan trong cơ thể như: phổi, tim mạch,… và gây đột quỵ, bệnh lao,…

- Ảnh hưởng của các chất kích thích đối với sức khỏe của con người: Các chất kích thích gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, gây nhiều loại bệnh tật và tăng nguy cơ tử vong ở người. Bởi vậy, để bảo vệ sức khỏe cho con người, không nên sử dụng các chất kích thích.

Bài 29.9 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Làm thế nào để giúp cơ thể chúng ta phát triển khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển bình thường?

Lời giải:

Để cơ thể phát triển khoẻ mạnh, chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục, thể thao hợp lí; cần kết hợp công việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp,…

Bài 29.10 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Hãy thiết kế một thí nghiệm chứng minh vai trò của nước đối với sự sinh trưởng và phát triển ở thực vật.

Lời giải:

Thiết kế một thí nghiệm chứng minh vai trò của nước đối với sự sinh trưởng và phát triển ở thực vật:

- Bước 1: Thiết kế hai chậu đất và trồng vào đó hai cây đậu như nhau nhưng một chậu tưới đầy đủ nước hằng ngày còn một chậu chỉ tưới nước một lần trong tuần.

- Bước 2: Theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của hai cây đậu sau 2 tuần, 3 tuần,…

- Bước 3: Rút ra kết luận về vai trò của nước đối với sự sinh trưởng và phát triển ở thực vật.


Post a Comment

Previous Post Next Post