KHTN8-CD | Bài 1. Biến đổi vật lí và biến đổi hoá học

MỤC TIÊU

• Nếu được khái niệm sự biến đổi vật lí, biến đổi hoá học.
• Phân biệt được sự biến đổi vật lí, biến đổi hoá học. Đưa ra được ví dụ về sự biến đổi vật lí và sự biến đổi hoá học.
• Tiến hành được một số thí nghiệm về sự biến đổi vật lí và biến đổi hoá học.

TÓM TẮT KIẾN THỨC

💡 Mở đầu
Quan sát hình 1.1, dự đoán hình nào mô tả hiện tượng chất bị biến đổi thành chất khác, hình nào chỉ mô tả sự thay đổi về tính chất vật lí (trạng thái, kích thước, hình dạng,...)?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào hình 1.1 và kiến thức về biến đổi hoá học và vật lý để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
- Hình mô tả hiện tượng chất bị biến đổi thành chất khác:
d) Đốt mẩu giấy vụn.
e) Đun đường.
g) Đinh sắt bị gỉ.
- Hình chỉ mô tả sự thay đổi về tính chất vật lí (trạng thái, kích thước, hình dạng, ...):
a) Xé mẩu giấy vụn.
b) Hoà tan đường vào nước.
c) Đinh sắt bị uốn cong.

I. SỰ BIẾN ĐỔI CHẤT

1. Sự biến đổi vật lí

Tiến hành thí nghiệm sau để tìm hiểu về sự biến đổi vật lí của muối ăn.

🔬 Thí nghiệm 1
- Chuẩn bị
• Dụng cụ: Cốc thuỷ tinh (loại 100 mL (ml)), bát sứ loại nhỏ, kiềng đun, lưới thép, đèn cồn.
• Hoá chất: Muối ăn, nước.
- Tiến hành
• Bước 1: Lấy khoảng một thìa cafe muối ăn cho vào cốc, sau đó thêm vào cốc khoảng 30 mL nước, khuấy đều cho tới khi muối ăn tan hết.
• Bước 2: Lấy ra khoảng 1 mL dung dịch muối ăn trên cho vào bát sứ đặt trên kiếng đun có lưới thép, đun trên ngọn lửa đèn cồn cho đến khi cạn dung dịch.
- Mô tả hiện tượng khi hoà tan muối ăn trong cốc và hiện tượng khi cô cạn.
+ Hoà tan muối ăn vào nước thu được dung dịch đồng nhất, không màu.
+ Sau khi cô cạn thu được chất rắn, màu trắng bám trên đáy bát sứ.

- Nhận xét về trạng thái (thể) của muối ăn.
Muối ăn là chất rắn, tan tốt trong nước, không bị nhiệt phân huỷ.

Biến đổi vật lí là hiện tượng chất có sự biến đổi về trạng thái, kích thước,... nhưng vẫn giữ nguyên là chất ban đầu.
Ví dụ: Nước hoa khuyếch tán trong không khí, hoà tan đường vào nước, làm đá trong tủ lạnh,...

Quan sát, trả lời câu hỏi hoặc thảo luận
1. Vẽ sơ đồ bằng chữ mô tả quá trình (sự thay đổi về trạng thái, kích thước,...) và hiện tượng ở thí nghiệm 1 (thể hiện tính chất vật lí của muối ăn).

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào quá trình biến đổi vật lí trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:

📝 Luyện tập
1. Trong các quá trình được mô tả ở hình 1.1, quá trình nào diễn ra sự biến đổi vật lí? Giải thích.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào Hình 1.1 và thông tin trong bài để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Các quá trình vật lí trong hình 1.1 là:
a) Xé mẩu giấy vụn: Quá trình này là quá trình vật lí do chỉ có sự thay đổi kích thước, số lượng mầu giấy, không có sự tạo thành chất mới.
b) Hoà tan đường vào nước: Quá trình này là quá trình vật lí do có sự thay đổi trạng thái của đường (từ rắn sang lỏng), không có sự tạo thành chất mới.
c) Đinh sắt bị uốn cong: Quá trình này là quá trình vật lí do chỉ có sự thay đổi về hình dạng, không có sự tạo thành chất mới.

⚙️ Vận dụng
1. Kể thêm 2 – 3 hiện tượng xảy ra trong thực tế có sự biến đổi vật lí.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào những hiểu biết của em và những biến đổi vật lí ngoài đời sống để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Một số hiện tượng vật lí trong thực tế: - Khi nước được đưa vào ngăn làm đá của tủ lạnh, nước lỏng chuyển thành nước đá.
- Thuỷ tinh nóng chảy được thổi thành bình cầu.
- Uốn cong thanh sắt.

2. Sự biến đổi hoá học

Tiến hành thí nghiệm sau để tìm hiểu về sự biến đổi hoá học của sắt (iron) và lưu huỳnh (sulfur).

🔬 Thí nghiệm 2
- Chuẩn bị
+ Dụng cụ: Ống nghiệm, đèn cồn, mẩu nam châm, thìa xúc hoá chất.
+ Hoá chất: Bột sắt, bột lưu huỳnh.
- Tiến hành
+ Bước 1: Trộn đều hỗn hợp bột sắt (Fe) với bột lưu huỳnh (S) theo tỉ lệ về khối lượng Fe : 5 khoảng 1,5 : 1 (hoặc theo thể tích là 1 : 3) cho vào hai ống nghiệm 1 và 2 (hình 1.2a).
+ Bước 2: Lấy ống nghiệm 2 đem hơ nóng, sau đó đun nóng tập trung vào đáy ống nghiệm cho đến khi thấy hỗn hợp nóng đỏ thì ngừng đun (hình 1.2b).
+ Bước 3: Đưa đồng thời hỗn hợp đã nguội (ống nghiệm 2) và ống nghiệm 1 lại gần mẫu nam châm (hình 1.2c).
- Mô tả hiện tượng khi đun nóng hỗn hợp ở bước 2.
Sắt tác dụng mạnh với lưu huỳnh hỗn hợp cháy nóng đỏ, phản ứng toả nhiều nhiệt.
- Ở bước 3, mẩu nam châm có bị hút vào đáy ống nghiệm 2 không? Giải thích.
+ Ở bước 3, mẩu nam châm không bị hút vào đáy ống nghiệm 2.
+ Do ở thí nghiệm này chất ban đầu đã bị biến đổi tạo thành chất khác, không còn những đặc tính như chất ban đầu.

Biến đổi hoá học là hiện tượng chất có sự biến đổi tạo ra chất khác.
Ví dụ: Quá trình tiêu hoá thức ăn, trứng để lâu ngày bị thối, nung đá vôi tạo thành vôi sống...

📝 Luyện tập
2. Trong các quá trình được mô tả ở hình 1.1, quá trình nào diễn ra sự biến đổi hoá học? Giải thích.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào Hình 1.1 và thông tin trong bài để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Trong các quá trình được mô tả ở hình 1.1, quá trình diễn ra sự biến đổi hoá học:
d) Đốt mẩu giấy vụn: Quá trình này là quá trình hoá học do sau khi đốt, mẩu giấy vụn đã bị biến đổi tạo thành chất khác.
e) Đun đường: Quá trình này là quá trình hoá học do sau khi đun, đường đã bị biến đổi thành chất khác (màu đen, mùi khét…).
g) Đinh sắt bị gỉ: Quá trình này là quá trình hoá học do phần sắt gỉ đã biến đổi thành chất khác, không còn những đặc tính của sắt ban đầu.

⚙️ Vận dụng
2. Kể thêm 2 – 3 hiện tượng xảy ra trong thực tế có sự biến đổi hoá học.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào những hiểu biết của em và những biến đổi vật lí ngoài đời sống để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Một số hiện tượng xảy ra trong thực tế có sự biến đổi hoá học là:
+ Đốt cháy than để đun nấu.
+ Dây xích xe đạp bị gỉ do tiếp xúc với oxygen và hơi nước có trong không khí.
+ Tượng đá bị hư hại do mưa acid.
+ Xăng cháy trong động cơ xe máy.

II. PHÂN BIỆT SỰ BIẾN ĐỔI VẬT LÍ VÀ SỰ BIẾN ĐỔI HOÁ HỌC

Tiến hành thí nghiệm sau để phân biệt sự biến đổi vật lí, sự biến đổi hoá học.

🔬 Thí nghiệm 3
- Chuẩn bị
+ Dụng cụ: Đĩa sứ, bật lửa
+ Hoá chất: Cây nến
- Tiến hành: Gắn cây nến (có thành phần chính là paraffin) trên đĩa sứ, đốt nến cháy trong khoảng 1 phút.
- Mô tả các hiện tượng xảy ra trong quá trình nến cháy, chỉ ra giai đoạn diễn ra sự biến đổi vật lí, giai đoạn diễn ra sự biến đổi hoá học. Biết rằng nến cháy trong không khí chủ yếu tạo ra khí carbon dioxide và hơi nước.
+ Khi đốt nến (có thành phần chính là paraffin), nến chảy lỏng thấm vào bấc. Sau đó, nến lỏng chuyển thành hơi. Hơi nến cháy trong không khí tạo thành carbon dioxide và hơi nước.
+ Giai đoạn diễn ra sự biến đổi vật lí: nến chảy lỏng thấm vào bấc và nến lỏng chuyển thành hơi do các giai đoạn này là sự thay đổi về trạng thái, không có sự tạo thành chất mới.
+ Giai đoạn diễn ra sự biến đổi hoá học: hơi nến cháy trong không khí tạo thành carbon dioxide và hơi nước. Do ở giai đoạn này có chất mới được tạo thành (carbon dioxide và hơi nước).

Quan sát, trả lời câu hỏi hoặc thảo luận
2. Trong thí nghiệm 3, dấu hiệu nào dùng để phân biệt sự biến đổi vật lí và sự biến đổi hoá học?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào thí nghiệm và kiến thức đã học về biến đổi tính chất vật lí để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Trong thí nghiệm 3, dấu hiệu dùng để phân biệt sự biến đổi vật lí và sự biến đổi hoá học là sự tạo thành chất mới.
+ Sự biến đổi vật lí: không tạo thành chất mới.
+ Sự biến đổi hoá học: có sự tạo thành chất mới.

📝 Luyện tập
3. Quan sát hình 1.3 và cho biết quá trình nào diễn ra sự biến đổi vật lí, quá trình nào diễn ra sự biến đổi hoá học.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào Hình 1.3 và thông tin trong bài để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
- Quá trình diễn ra sự biến đổi vật lí: b và d.
- Quá trình diễn ra sự biến đổi hoá học: a và c.

📝 Luyện tập
4. Nêu những điểm khác nhau giữa sự biến đổi vật lí và sự biến đổi hoá học.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học về biến đổi vật lí và biến đổi hoá học để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
- Biến đổi vật lí: chất có sự biến đổi về trạng thái, kích thước, … nhưng vẫn giữ nguyên là chất ban đầu.
- Biến đổi hoá học: chất có sự biến đổi tạo ra chất khác.

⚙️ Vận dụng
3. Trong các trường hợp dưới đây, trường hợp nào diễn ra sự biến đổi vật lí, trường hợp nào diễn ra sự biến đổi hoá học?
a) Khi có dòng điện đi qua, dây tóc bóng đèn (làm bằng kim loại tungsten) nóng và sáng lên.
b) Hiện tượng băng tan.
c) Thức ăn bị ôi thiu.
d) Đốt cháy khí methane (CH4) thu được khi carbon dioxide (CO2) và hơi nước (H2O).

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học về biến đổi hoá học và biến đổi vật lí để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
+ Trường hợp a và b diễn ra sự biến đổi vật lí do không có sự tạo thành chất mới.
+ Trường hợp c và d diễn ra sự biến đổi hoá học do có sự tạo thành chất mới.

🕵️‍♀️ Em có biết
Động Phong Nha (Động nước) là động tiêu biểu nhất của hệ thống hang động thuộc quần thể danh thắng Phong Nha – Kẻ Bàng.
Đặc trưng của nơi đây là có nhiều thạch nhũ với các hình dáng đẹp, độc đáo. Hiện tượng thạch nhũ được tạo thành chủ yếu là do sự biến đổi hoá học.
Ở các vùng núi đá vôi (thành phần chủ yếu là CaCO3), khi trời mưa, nước mưa kết hợp với CO2 trong không khí tạo thành môi trường acid, làm tan được đá vôi (CaCO3 chuyển hoá thành Ca(HCO3)2).
Khi nước có chứa Ca(HCO3)2 chảy qua các khe đá vào trong các hang động (ở đây có sự thay đổi về nhiệt độ và áp suất), Ca(HCO3)2 chuyển thành CaCO3 rắn, không tan.
Lớp CaCO3 dần dần tích lại ngày càng nhiều, qua hàng triệu triệu năm tạo thành thạch nhũ với những hình thù đa dạng, đẹp mắt.
🔑 Kiến thức cốt lõi
• Biến đổi vật lí là hiện tượng chất có sự biến đổi về trạng thái, kích thước,... nhưng vẫn giữ nguyên là chất ban đầu.
• Biến đổi hoá học là hiện tượng chất có sự biến đổi tạo ra chất khác.

BÀI TẬP

Đang cập nhật

SÁCH HỌC SINH (bản in thử)

Post a Comment

Previous Post Next Post