KHTN9-CTST | Bài 35. Khái quát về Di truyền học

MỤC TIÊU

- Nêu được khái niệm di truyền, biến dị.
- Nêu được gene quy định di truyền và biến dị ở sinh vật, qua đó gene được xem là trung tâm của Di truyền học.

TÓM TẮT KIẾN THỨC

Khởi động
Tại sao ở người, con cái có những đặc điểm giống và không giống với bố, mẹ?

❖ Phương pháp giải:
Con cái có những đặc điểm giống và không giống với bố, mẹ.
❖ Lời giải chi tiết:
- Hệ gene quy định tất cả các đặc điểm của cơ thể. Thông qua quá trình sinh sản, hệ gene của mỗi cá thể được thừa hưởng cả bên bố và bên mẹ. Vì vậy, con sinh ra có những đặc điểm giống nhau và giống bố mẹ.
- Bên cạnh đó, sự tổ hợp các gene qua quá trình sinh sản hoặc sự thay đổi trình tự nucleotide trên hệ gene sẽ tạo nên tính biến dị của sinh vật. Di truyền học nghiên cứu về tính di truyền và biến dị của sinh vật, do đó, gene là trung tâm của di truyền học.

1. KHÁI NIỆM DI TRUYỀN, BIẾN DỊ

➲ Tìm hiểu khái niệm di truyền, biến dị

- Trong gia đình, các con thường có những đặc điểm giống nhau và giống bố hoặc mẹ hoặc pha trộn giữa cả bố và mẹ.
Ví dụ: Bố, mẹ da ngăm sinh ra con cái hầu hết đều da ngăm (Hình 35.1a).
- Sự truyền đạt các đặc điểm từ thế hệ này sang thế hệ khác được gọi là sự di truyền.
- Tuy nhiên, cũng có những đặc điểm của con cái không giống nhau và không giống với bố hoặc mẹ của chúng. Những đặc điểm sai khác này được gọi là biến dị.
Ví dụ: Trong gia đình có bố, mẹ mắt nâu sinh được hai người con: một người mắt nâu, một người mắt xanh da trời (Hình 35.1b).

Thảo luận
Câu hỏi 1.
Đọc thông tin và quan sát Hình 35.1, hãy phát biểu khái niệm di truyền, biến dị.

❖ Phương pháp giải:
Đọc thông tin và quan sát Hình 35.1.
❖ Lời giải chi tiết:
- Sự truyền đạt các đặc điểm từ thế hệ này sang thế hệ khác được gọi là di truyền.
- Một số đặc điểm của con cái không giống với bố, mẹ của chúng được gọi là biến dị.

Ghi nhớ
- Sự truyền đạt các đặc điểm từ thế hệ này sang thế hệ khác được gọi là di truyền.
- Một số đặc điểm của con cái không giống với bố, mẹ của chúng được gọi là biến dị.

2. VỊ TRÍ CỦA GENE TRONG DI TRUYỀN HỌC

➲ Tìm hiểu vị trí của gene trong di truyền học

- Mọi cơ thể đều được cấu tạo từ tế bào, nhân tế bào chứa nhiễm sắc thể là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của tế bào, DNA là thành phần cấu tạo nên nhiễm sắc thể, các đoạn DNA mang thông tin di truyền mã hoá cho một sản phẩm nhất định nào đó được gọi là gene.

- Mỗi nhiễm sắc thể có thể từ vài trăm đến vài chục nghìn gene tuỳ loài, con người có khoảng vài chục nghìn gene trong bộ nhiễm sắc thể. Nhờ khả năng di truyền của gene mà các đặc điểm của bố, mẹ được truyền lại cho thế hệ con.
+ Ở những sinh vật sinh sản vô tính, các cá thể con là những bản sao y hệt mẹ của chúng.
+ Ở những sinh vật sinh sản hữu tính, sự tổ hợp lại các gene của bố, mẹ và quá trình di truyền sẽ tạo ra các biến dị. Những biến dị này có khả năng di truyền cho các thế hệ sau.

Thảo luận
Câu hỏi 2.
Đọc thông tin và quan sát Hình 35.2, hãy cho biết gene là gì?

❖ Phương pháp giải:
Đọc thông tin và quan sát Hình 35.2.
❖ Lời giải chi tiết:
Gene là một đoạn của phân tử DNA mang thông tin di truyền mã hoá cho một sản phẩm nhất định nào đó.

Thảo luận
Câu hỏi 3.
Nêu vị trí của gene trong Di truyền học.

❖ Phương pháp giải:
Đọc thông tin và quan sát Hình 35.2.
❖ Lời giải chi tiết:
- Vị trí của gene trong di truyền học: Gene được xem là trung tâm của di truyền học.
- Giải thích: Hệ gene quy định tất cả các đặc điểm của cơ thể. Thông qua quá trình sinh sản, hệ gene của mỗi cá thể được thừa hưởng cả bên bố và bên mẹ. Vì vậy, con sinh ra có những đặc điểm giống nhau và giống bố mẹ. Bên cạnh đó, sự tổ hợp các gene qua quá trình sinh sản hoặc sự thay đổi trình tự nucleotide trên hệ gene sẽ tạo nên tính biến dị của sinh vật. Di truyền học nghiên cứu về tính di truyền và biến dị của sinh vật, do đó, gene là trung tâm của di truyền học.

Củng cố kiến thức
Hãy cho ví dụ về hiện tượng di truyền và biến dị ở người.

❖ Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức của cá nhân.
❖ Lời giải chi tiết:
- Ví dụ về hiện tượng di truyền ở người:
+ bố mẹ có màu mắt nâu, sinh ra con mang màu mắt nâu;
+ bố mẹ đều thuận tay phải, con sinh ra thuận tay phải;
+ bố mẹ đều có nhóm máu A, con sinh ra có nhóm máu A;…
- Ví dụ về biến dị ở người:
+ bố mẹ đều mang tính trạng tóc xoăn, sinh con ra mang tính trạng tóc thẳng;
+ bố mẹ đều thuận tay phải, con sinh ra thuận tay trái;
+ bố mẹ đều có nhóm máu A, con sinh ra có nhóm máu O;…

Vận dụng kiến thức
Một người trồng hoa lan sau nhiều năm nghiên cứu đã có ý định tạo ra một giống hoa lan có kiểu hoa vừa mang đặc điểm của cây mẹ lại vừa mang đặc điểm mói. Theo em, ý định này của người trồng hoa là có cơ sở không? Tại sao?

❖ Phương pháp giải:
Dựa vào khái niệm di truyền, biến bị và vị trí của gene trong Di truyền học.
❖ Lời giải chi tiết:
- Ý định này của người trồng hoa là có cơ sở.
- Vì: các đặc điểm của sinh vật nói riêng và của cây hoa lan nói riêng là do gene quy định. Mà trong quá trình di truyền, gene có khả năng truyền lại các đặc điểm của bố, mẹ cho con cái giúp giống hoa lan có kiểu hoa mang đặc điểm của cây mẹ; đồng thời gene cũng có thể tạo ra các biến dị, các biến dị này có thể di truyền cho thế hệ sau giúp giống hoa lan có kiểu hoa mang đặc điểm mới.

Ghi nhớ
Trong quá trình di truyền, gene có khả năng truyền lại các đặc điểm của bố, mẹ cho con cái, đồng thời gene cũng có thể tạo các biến dị, các biến dị này có thể di truyền cho thế hệ sau. Gene được xem là trung tâm của Di truyền học.

BÀI TẬP

Đang cập nhật

SÁCH HỌC SINH (bản in thử)

Post a Comment

Previous Post Next Post