KHTN8-CD | Bài 35. Hệ nội tiết ở người

MỤC TIÊU

• Nêu được tên và chức năng của các tuyến nội tiết.
• Nêu được một số bệnh liên quan đến hệ nội tiết và cách phòng chống các bệnh đó.
• Vận dụng được hiểu biết về các tuyến nội tiết để bảo vệ sức khoẻ bản thân và người thân trong gia đình.
• Tìm hiểu được các bệnh nội tiết ở địa phương.

TÓM TẮT KIẾN THỨC

💡 Mở đầu
Quan sát hình 35.1 và cho biết người có triệu chứng được thể hiện trong hình đang mắc bệnh gì? Nguyên nhân của bệnh này là gì?

🌟 Phương pháp giải:
Quan sát hình 35.1 và thông tin trong bài để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
- Người có triệu chứng được thể hiện trong hình đang mắc bệnh bướu cổ.
- Nguyên nhân gây bệnh bướu cổ:
+ Nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể thiếu iodine dẫn đến hormone thyroxin của tuyến giáp không được tiết ra, khi đó tuyến yên sẽ tiết ra TSH để tăng cường hoạt động của tuyến giáp, gây phì đại tuyến giáp.
+ Một số nguyên nhân khác có thể gây bướu cổ là ăn các loại thức ăn hoặc dùng thuốc khiến chức năng tổng hợp hormone tuyến giáp bị ức chế; do rối loạn hoạt động tuyến giáp bẩm sinh;…

I. CÁC TUYẾN NỘI TIẾT

Tuyến nội tiết tiết hormone trực tiếp vào máu thực hiện điều hoà các quá trình sinh lí của cơ thể. Mỗi loại hormone chỉ ảnh hưởng đến một hoặc một số tế bào của cơ quan xác định (gọi là cơ quan đích) do các cơ quan đích chứa tế bào có thụ thể tương ứng với hormone.

Quan sát, trả lời câu hỏi hoặc thảo luận
1. Quan sát hình 35.2 và nêu vị trí, chức năng của các tuyến nội tiết trong cơ thể. Từ đó, cho biết hệ nội tiết là gì?

🌟 Phương pháp giải:
Quan sát hình 35.2 và thông tin trong bài để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:

STT

Tuyến nội tiết

Vị trí

Chức năng

1

Tuyến tùng

Nằm gần trung tâm của não, giữa hai bán cầu, chui trong rãnh chỗ gặp nhau của hai đồi não.

Điều hoà chu kì thức ngủ (melatonin).

2

Tuyến giáp

Nằm ở vùng cổ trước, ngay dưới sụn nhẫn.

- Điều hoà sinh trưởng, phát triển (T3, T4).
- Tăng cường trao đổi chất, sinh nhiệt (T3, T4).
- Điều hoà calcium máu (calcitonin).

3

Tuyến cận giáp

Nằm ở mặt sau, phía trên hoặc giữa tuyến giáp.

Điều hoà lượng calcium máu (PTH).

4

Tuyến ức

Nằm ở phía trước trung thất, phía trước tim và phía sau xương ức.

Kích thích sự phát triển của các tế bào lympho T (Thymosin).

5

Tuyến sinh dục nam

- Tuyến sinh dục nam: tinh hoàn (testosterone).
- Tuyến sinh dục nữ: buồng trứng (estrogen, progesterone).

- Hình thành đặc điểm sinh dục thứ cấp.
- Kích thích sinh trưởng, phát triển.
- Điều hoà chu kì sinh dục.

6

Vùng dưới đồi

Nằm ở dưới đáy não, gần tuyến yên.

- Điều hoà hoạt động tuyến yên (CRH, TRH, GnRH).
- Điều hoà áp suất thẩm thấu (ADH).
- Kích thích quá trình đẻ (oxytocin).

7

Tuyến yên

Nằm ở khu vực rỗng của xương bướm (sella turcica), tại đáy não, phía sau sống mũi.

- Kích thích sinh trưởng (GH).
- Điều hoà hình thành và tiết sữa (prolactin).
- Điều hoà hoạt động tuyến giáp (TSH), tuyến trên thận (ACTH), tuyến sinh dục (FSH, LH).

8

Tuyến tuỵ

Nằm trong khoang bụng, ở vùng bụng trên bên trái và vị trí của nó là ở phía sau dạ dày.

Điều hoà lượng đường máu (insulin và glucagon).

9

Tuyến trên thận

Nằm ngay trên cả hai thận.

- Điều hoà huyết áp, thể tích máu (aldosterone).
- Điều hoà trao đổi chất, năng lượng (cortisol).
- Chống stress (adrenalin, noradrenalin, cortisol).


🕵️‍♀️ Em có biết
Tuyến tuỵ là một tuyến pha gồm cả tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết. Phần ngoại tiết của tuyến tuỵ tiết enzyme và dịch tiêu hoá đổ vào ống tuỵ, ống tuỵ dẫn dịch tiết đổ vào đoạn đầu của ruột non. Phần nội tiết của tuyến tuỵ tiết hormone insulin và glucagon, là hai hormone có vai trò quan trọng trong điều hoà lượng đường trong máu.

II. MỘT SỐ BỆNH VỀ TUYẾN NỘI TIẾT

- Một số bệnh nội tiết gồm: đái tháo đường (bất thường tuyến tuỵ), bướu cổ (bất thường tuyến giáp), lùn hoặc khổng lồ (bất thường tuyến yên), hội chứng Cushing (bất thường tuyến trên thận), vô sinh (bất thường tuyến sinh dục),...
- Để phòng bệnh về hệ nội tiết, mỗi người cần thực hiện chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh như khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, sử dụng đủ lượng muối iodine, hạn chế chất béo, đường; luyện tập thể thao thường xuyên, đảm bảo giấc ngủ, không sử dụng chất kích thích, không tự ý dùng thuốc, thường xuyên kiểm tra sức khoẻ.

Quan sát, trả lời câu hỏi hoặc thảo luận
2. Khẩu phần ăn thiếu iodine có thể dẫn đến hậu quả gì đối với sức khỏe?

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào thông tin sách báo, internet và hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Khẩu phần ăn thiếu iodine có thể gây ra một số hậu quả như:
- Nếu thiếu iodine ở phụ nữ mang thai sẽ dễ gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
- Nếu thiếu iodine ở trẻ em sẽ gây bệnh bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp dẫn đến ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ (trẻ chậm lớn, trí não kém phát triển). Bướu cổ ở người lớn sẽ khiến hoạt động thần kinh giảm sút, trí nhớ kém.

⚙️ Vận dụng
Đề xuất một số biện pháp phòng chống bệnh đái tháo đường.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào thông tin sách báo, internet và hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:
Một số biện pháp phòng chống bệnh đái tháo đường:
- Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp: hạn chế chất bột đường, chất béo; tăng cường ăn các loại rau quả tốt cho sức khỏe;…
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Kiểm soát cân nặng của cơ thể, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
- Không hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng các loại chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,…
- Thường xuyên kiểm tra lượng đường máu.

🧑‍💻 Tìm hiểu thêm
Tìm hiểu về bệnh bướu cổ do thiếu iodine và bệnh bướu cổ Basedow, so sánh nguyên nhân và biểu hiện của hai bệnh này.

🌟 Phương pháp giải:
Dựa vào thông tin sách báo, internet và hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi.
🌟 Lời giải chi tiết:

Tiêu chí

Bệnh bướu cổ

Bệnh Basedow

Nguyên nhân

Do chức năng tổng hợp hormone tuyến giáp bị ức chế dẫn đến tuyến yên tiết hormone thúc đẩy tuyến giáp tăng cường hoạt động gây phì đại tuyến.

Do tuyến giáp hoạt động quá mạnh (tiết nhiều hormone).

Biểu hiện

Có u ở phía trước cổ; có cảm giác vướng cổ họng, đau cổ họng; khó nuốt; khó thở; mệt ỏi; thay đổi giọng nói;…

Xuất hiện bướu giáp; nhịp tim tăng; người bệnh luôn trong trạng thái hồi hộp, căng thẳng, mất ngủ; sút cân nhanh;… 


🔬 Dự án điều tra
Thực hiện dự án điều tra số người bị bệnh liên quan đến hệ nội tiết ở địa phương như: bướu cổ; đái tháo đường theo các bước điều tra ở bài 28, trang 135.
- Bước 1. Xác định vấn đề cần điều tra và chuẩn bị mẫu phiếu điều tra.

MẪU PHIẾU ĐIỀU TRA SỐ NGƯỜI MẮC BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG TRƯỜNG HỌC HOẶC KHU DÂN CƯ

STT

Tên lớp/ chủ hộ

Tổng số người trong lớp/ gia đình

Số người mắc bệnh đái tháo đường

1

?

?

?

2

?

?

?

?

?

?

Tổng

?

?


- Bước 2. Thực hiện điều tra ở trường học hoặc khu dân cư.
- Bước 3. Tính tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường = số người mắc/ tổng số người được điều tra.
- Bước 4. Viết báo cáo nhận xét về tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường; đề xuất một số cách phòng tránh.

🌟 Phương pháp giải:
Thực hiện dự án điều tra.
🌟 Lời giải chi tiết:
Một số biện pháp phòng tránh bệnh đái tháo đường:
- Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp: hạn chế chất bột đường, chất béo; tăng cường ăn các loại rau quả tốt cho sức khỏe;…
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Kiểm soát cân nặng của cơ thể, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
- Không hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng các loại chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,…
- Thường xuyên kiểm tra lượng đường máu.

🔑 Kiến thức cốt lõi
• Hệ nội tiết gồm các tuyến nội tiết. Tuyến nội tiết là những tuyến sản xuất và tiết hormone trực tiếp vào máu bảo đảm duy trì ổn định môi trường trong và điều hoà các quá trình sinh lí của cơ thể.
• Có các tuyến nội tiết: vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến tùng, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến ức, tuyến tuỵ, tuyến trên thận, tuyến sinh dục. Mỗi tuyến nội tiết có chức năng riêng.
• Các bệnh nội tiết thường gặp là bệnh bất thường trong sinh trưởng, bướu cổ, đái tháo đường. Để phòng bệnh về tuyến nội tiết cần có chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh, không tự ý sử dụng thuốc, kiểm tra sức khoẻ định kì.

BÀI TẬP

Đang cập nhật

SÁCH HỌC SINH (bản in thử)

Post a Comment

Previous Post Next Post