I. Sự khác nhau giữa quần thể người với các quần thể sinh vật khác:
- Ngoài những đặc điểm chung của một quần thể sinh vật (đặc điểm giới tính, lứa tuổi, mật độ, sinh sản, tử vong). Quần thể người còn có những đặc trưng khác với các quần thể sinh vật khác như: pháp luật, kinh tế, xã hội, hôn nhân, giáo dục, văn hóa...
- Sự khác nhau đó là do con người có lao động và tư duy nên có khả năng điều chỉnh các đặc điểm sinh thái trong quần thể, đồng thời cải tạo thiên nhiên.
II. Đặc điểm về thành phần nhóm tuổi của mỗi quần thể người:
- Quần thể người gồm 3 nhóm tuổi:
+ Nhóm tuổi trước sinh sản: từ sơ sinh đến dưới 15 tuổi
+ Nhóm tuổi sinh sản và lao động: từ 15 đến 64 tuổi
+ Nhóm tuổi hết khả năng lao động nặng nhọc: từ 65 tuổi trở lên.
- Thành phần nhóm tuổi ở quần thể người có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, các chính sách kinh tế và xã hội của từng quốc gia.
* Tháp dân số trẻ và tháp dân số già:
THÁP DÂN SỐ TRẺ | THÁP DÂN SỐ GIÀ |
- Đáy tháp rộng => số lượng trẻ con sinh ra hằng năm nhiều. | - Đáy tháp hẹp => số lượng trẻ con sinh ra hàng năm ít. |
- Cạnh tháp xiên nhiều => tỉ lệ tử vong cao. | - Cạnh tháp gần như thẳng đứng => tỉ lệ tử vong thấp. |
- Đỉnh tháp nhọn => tuổi thọ trung bình thấp. | - Đỉnh tháp không nhọn => tuổi thọ trung bình cao. |
- Ví dụ: Ấn Độ (1970), Việt Nam (1989) | - Ví dụ: Thụy Điển (1955) |
* Đặc trưng dân số mỗi nước được thể hiện qua tháp dân số:
NƯỚC CÓ DÂN SỐ TRẺ | NƯỚC CÓ DÂN SỐ GIÀ |
- Trẻ em dưới 15 tuổi nhiều (>30% dân số) | - Trẻ em dưới 15 tuổi ít (<30% dân số) |
- Số lượng người già không nhiều (<10% dân số) | - Số lượng người già tương đối nhiều (>10% dân số) |
- Tuổi thọ trung bình thấp | - Tuổi thọ trung bình cao |
- Ví dụ: Việt Nam (1989), Ấn Độ (1970) | - Ví dụ: Thụy Điển (1955) |
III. Tăng dân số và phát triển xã hội:
- Những đặc trưng về tỷ lệ giới tính, thành phần nhóm tuổi, sự tăng giảm dân số có ảnh hưởng rất lớn đến số lượng cuộc sống của con người và các chính sách kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.
- Để có sự phát triển bền vững, mỗi quốc gia cần phải phát triển dân số hợp lý, không để dân số tăng quá nhanh, dẫn tới thiếu nơi ở, nguồn thức ăn, nước uống, ô nhiễm môi trường, tàn phá rừng và các tài nguyên khác.
- Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện pháp lệnh dân số (mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con) nhằm mục đích đảm bảo chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Số con sinh ra phải phù hợp với khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc của mỗi gia đình và hài hoà với sự phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên môi trường của đất nước.